Những loài chó nguy hiểm
Ở Việt Nam loài chó bản địa thường được gọi với cái tên dân dã “chó ta”. Chó có trọng lượng trung bình từ 12 - 18 kg. Ngoài ra ở một số địa phương có thêm giống chó Phú Quốc, chó cộc đuôi của dân tộc Mông, song tầm vóc cũng ở mức trung bình khá. Mấy năm gần đây trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều giống chó ngoại lai. Bên cạnh các loài chó cảnh bé, thì nhiều giống chó dữ to cao được nhập về. Theo bác sỹ thú y Lương Chung (TP Tuyên Quang), chó dữ thường tập trung ở các loài pitbull, ngao, béc giê, rottweiler. Đây là những giống chó săn mồi, chó nghiệp vụ có tập tính thích tấn công, được các chủ nuôi chó thuần dưỡng, huấn luyện khá tỉ mỉ mới sử dụng được. Còn các loại chó này đang nuôi ở ta, chủ yếu không huấn luyện đến nơi đến chốn, thả rông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cắn người. Chó dữ có phân loại theo loài, song nó còn do cách dạy bảo của người nuôi có chu đáo từ khi còn nhỏ hay không. Trong dân gian vẫn truyền tai nhau câu nói “gia đình đó có tay nuôi chó dữ” là một minh chứng.
Là người yêu động vật, thích nuôi chó, ông Lê Mạnh Toàn, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) luôn mơ ước có một con chó cao to, khôn để trông nhà. Vì ở nông thôn đất đai rộng, chưa có điều kiện làm bờ rào, nuôi chó vẫn là một giải pháp tối ưu. Ông Toàn đã nuôi qua nhiều giống chó ta, đợt này ông quyết bắt một con chó rottweiler con về nuôi. Hơn 1 năm tuổi, chó đã đạt trọng lượng gần 40 kg. Ai cũng khen ông có con chó cao, to, đẹp, nhìn rất bệ vệ. Càng lớn con chó có thiên hướng vồ gà ăn thịt. Có hôm đi vắng, khi về nhà ông Toàn sững sờ nhìn hơn 20 con gà to nuôi bị chó cắn chết, ăn thịt. Tình cảnh này lặp đi lặp lại nhiều lần cho dù đã có nhiều trận đòn cảnh cáo chú chó. Con cái khuyên ông nên bán, vì đây là giống chó dữ thích ăn thịt sống, nếu nó cắn trẻ con thì đền ốm. Bực quá ông gọi khách bán rẻ. Người khách kia mang chó về thấy đẹp quá nên cố để nuôi. Tuy nhiên, giống này hay “thờ một chủ”, khi trưởng thành rồi rất khó huấn luyện. Chó thường phá bĩnh, giật xích, sủa đổng, sợ quá ông khách cũng đành ngậm ngùi bán nó cho lò mổ.
Người dân nuôi chó dữ đã bắt đầu ý thức được tầm quan trọng của việc xích, tiêm phòng vắc - xin dại.
Vén ống quần lên, anh Nguyễn Văn Chung nhân viên shipper ở phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cho tôi xem hai vết răng mới bị chó dữ cắn. Anh tâm sự “Làm cái nghề này mình hay phải đi giao hàng đến tận nhà, sợ nhất vẫn là gia chủ có chó dữ. Nhiều lúc mình chủ quan, đang chú tâm vào công việc thì con chó lừ lừ lao từ đâu tới cắn trộm. Thế là mình bị động trở tay không kịp. Gia chủ thì trấn an mình bảo chó nhà khỏe mạnh không sao đâu. Nhưng để an toàn mình vẫn phải đi tiêm phòng dại, vừa hại sức khỏe, vừa tiêu tốn cả triệu đồng. Nói chung mình bị cắn nhiều lần rồi nên rất đề phòng với chó dữ. Lúc nó hăng lên, chủ quát, đánh nó cũng không nghe. Sợ lắm!”.
Nuôi chó đúng cách
Việc nuôi chó vốn hàm chứa hai yếu tố là làm thỏa mãn nhu cầu tình cảm của người nuôi và trông giữ tài sản cho họ. Pháp luật không có quy định nào về việc cấm nuôi chó. Tuy nhiên, người nuôi chó phải trông giữ, nuôi nhốt cẩn th?n để tránh trường hợp chó tấn công người, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác. Pháp luật đã quy định khá cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ của người nuôi chó, cụ thể theo thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT phòng chống dịch bệnh động vật như sau: phải đăng ký việc nuôi chó với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh.
Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt. Nuôi chó tập trung phải tuân thủ điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh. Chấp hành bắt buộc tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định. Chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật. Nếu vi phạm chủ nuôi chó có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP, điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 về quy định bồi thường cho người bị hại hoặc khởi kiện ra tòa án.
Theo thống kê của Chi cục chăn nuôi thú y và thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ tiêm vắc - xin dại cho đàn chó trên địa bàn tỉnh đạt thấp. Người nuôi chó vẫn có thói quen thả rông, nuôi dông dài theo kiểu “sinh voi sinh cỏ” nên con vật còn nhiều đức tính hoang dã. Nhiều gia đình còn nuôi chó theo đàn, việc tấn công con người càng nguy hiểm. Quy định của pháp luật thì UBND cấp xã, phường, thị trấn phải lập sổ quản lý số lượng chó trên địa bàn, lập tổ kiểm tra, bắt chó, xử phạt chó thả rông, chó bị dịch bệnh. Đồng thời tổ chức tiêm vắc-xin dại định kỳ hàng năm cho đàn chó, bảo đảm an toàn dịch. Thầy thuốc ưu tú, Bác sỹ CKII Nguyễn Thu Hường, Bệnh viện Đa khoa tỉnh khẳng định, trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh có nhiều bệnh nhân bị chó dữ tấn công phải nhập viện cấp cứu. Bác sỹ khuyến cáo tuyệt đối không tự ý sử dụng thảo dược không rõ nguồn gốc bôi, đắp vào vết thương, không tự chữa ở nhà.
Ngoài hệ thống cán bộ thú y ở cơ sở xã, phường, thị trấn, hiện nay Tuyên Quang cũng có Bệnh viện thú y Pethealth gần khu vực Vincom Tuyên Quang. Bệnh viện nhận tiêm phòng vắc - xin dại, hướng dẫn cách nuôi chó, nhốt chó, xích chó, rọ mõm chó. Những loại chó to, dữ, đơn vị cũng nhận đưa về Hà Nội thuần dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ. Bởi chó khôn là chó biết bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ chủ, vì thế chúng có thiên hướng tấn công những ai đe dọa điều đó. Nếu cho chó ăn uống đầy đủ, rèn luyện từ nhỏ, lớn lên chúng rất có ích cho con người, nghe lời chủ. Lực lượng vũ trang vẫn đào tạo, sử dụng chó nghiệp vụ cho việc phá án, bảo đảm an ninh, cứu nạn cứu hộ rất hiệu quả. Nhiều trang trại sử dụng chó nghiệp vụ cho việc kiểm soát việc chăn nuôi trâu, bò, dê, trông vườn cây ăn quả.
Anh Nguyễn Thành, một người chuyên nuôi chó huấn luyện tại Tuyên Quang cho biết, vào ngày nghỉ anh thường đưa chú chó giống pitbull đi tập bơi và nhảy cao. Anh bảo, ở Tuyên Quang chưa có trung tâm huấn luyện chó. Chú chó của anh phải gửi đi tận Trung tâm huấn luyện chó tại tỉnh Hải Dương. Sau khóa đào tạo, được nhân viên trung tâm phổ biến kiến thức nuôi chó dữ, chó nghiệp vụ. Giờ sau những buổi đi làm về, anh lại dắt chó ra đồng để tập luyện. Chú chó của anh được đánh giá là ngoan, khôn, nghe lời chủ. Tuy nhiên anh vẫn thực hiện nghiêm việc nhốt, xích, rọ mõm, tiêm vắc - xin dại đầy đủ cho chú chó của mình. Theo anh, nhiều người muốn nuôi chó to, chó dữ mà thích thả rông là một sai lầm nguy hiểm. Nguy cơ từ nuôi chó thả rông thường xảy ra như cắn người, lây lan dịch bệnh dại, gây tai nạn giao thông, mất vệ sinh môi trường, gây ồn ào cho làng xóm. Tốt nhất những người nuôi chó không áp dụng được các biện pháp an toàn cho cộng đồng, chưa chăm chỉ thuần dưỡng chó dữ đúng kỹ thuật thì không nên nuôi.
Gửi phản hồi
In bài viết