Nỗi niềm chó thả rông
Theo Chi cục chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh, năm 2023, tổng đàn chó của tỉnh là trên 162 nghìn con, tập trung nhiều ở các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa... trong đó, việc tiêm vắc-xin dại cho đàn chó tính đến ngày 20/4/2024 đạt trên 32% so với kế hoạch năm 2024, đạt 61,4% so với kế hoạch xuân - hè năm 2023.
Cán bộ Thú y xã Bình An (Lâm Bình) tiêm vắc-xin cho đàn chó trên địa bàn xã.
Lâu nay chó mèo đã trở thành “thú cưng” với nhiều gia đình, nuôi thú cưng là nhu cầu chính đáng của người dân. Hình ảnh các gia đình thảnh thơi dắt chó đi dạo cuối tuần, âu yếm cưng nựng chó mèo như thành viên trong gia đình mang lại những khoảnh khắc rất đẹp trong cuộc sống thường nhật, cho thấy sự thân thiện, tình thương yêu dành cho động vật, nhưng nếu vì nguồn vui của mình lại khiến người khác mất vui lại là một câu chuyện khác.
Anh Nguyễn Việt Bách (TP Tuyên Quang) bức xúc “Nhà hàng xóm nuôi chó, mình hễ cứ mở cửa ra, lúc thì lênh loáng vài bãi nước bốc mùi khẳn gắt, lúc là 1 đống phân chó trước cửa, cực kỳ khó chịu. Mình kiểm tra camera và đã nhỏ nhẹ nhắc hàng xóm, nhưng họ đã không xin lỗi thì thôi, còn lớn tiếng cự lại mình, vật nuôi không có ý thức, phóng uế bừa bãi đã đành một lẽ, đây con người mà nói bao lần vẫn nguyên thói vô ý thức như thế”.
Không như anh Bách, chị Nguyễn Thị Tuyên, xã Trung Hòa (Chiêm Hóa) làm nghề kinh doanh buôn bán, hàng sáng chị dậy đi chợ sớm cất đồ về bán, chị bảo: trời tờ mờ sáng, đi đường xa, sợ nhất là lần mình bị một con chó to lừng lững như con bê từ ngõ lao ra, mình không xử lý kịp. Dịp đó, mình bị bó bột nằm nửa tháng ở nhà, vừa rạn xương, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, vừa chẳng làm ăn, buôn bán được gì, oan gia với chó thả rông.
Chia sẻ "nỗi niềm" trên, chị Hoàng Thị Thảo (thị trấn Yên Sơn) cho biết chó hàng xóm rất hay sang nhà chị, mỗi lần sang vừa hôi hám, lông chó rụng nhiều, ve bọ chó cũng theo đó nhảy tán loạn khắp nhà, mà nhà chị có con nhỏ, người già, nên chị thấy thật phiền toái... chỉ mong người nuôi chó cân nhắc trong việc quản lý chó mèo, nâng cao ý thức, đừng làm phiền đến môi trường sống chung.
Tự giác vì không gian chung
Hiện nay, quy định về đảm bảo an toàn đối với vật nuôi được cụ thể hóa rất rõ: Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng đối với hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng; còn theo quy định tại khoản 3, Điều 2, Nghị định 04/2020/NĐ-CP của Chính phủ: phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó, không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng...
Phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) là một trong những địa bàn thực hiện khá tốt việc tuyên truyền, tổ chức cho người dân ký cam kết thực hiện nội dung này. Đồng chí Lê Xuân Lộc, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết: Hàng năm, phường đều tổ chức triển khai việc đăng ký đến các tổ dân phố, tổ dân phố triển khai đến từng hộ nuôi chó mèo. Theo đó, các chủ hộ cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...
Chó thả rông là nỗi lo của nhiều người, nhưng lại rất dễ giải quyết nếu người nuôi chó có ý thức chấp hành những quy định chung và quy ước của cộng đồng khu dân cư. Thực tế cho thấy nhiều người nuôi chó rất vô trách nhiệm khi dắt chó ra phố, ra vườn hoa, công viên không phải để đi dạo mà để chó... đi vệ sinh. Nhiều gia đình, chỉ vì nuôi chó mà để xảy ra bất hòa, xung đột, mất đi tình làng, nghĩa xóm.
Yêu thương động vật là điều tốt, nhưng yêu thương cần gắn với trách nhiệm xã hội trên tinh thần tuân thủ pháp luật, sở thích, thú vui của mình phải song hành với sự an toàn của cộng đồng. Để đảm bảo trật tự an toàn xã hội, người nuôi thú cưng cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác vì không gian chung, thực hiện nghiêm việc nuôi nhốt trong khuôn viên gia đình, trông giữ đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm phiền và ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống sinh hoạt của người dân sinh sống xung quanh.
Gửi phản hồi
In bài viết