Cú sốc
Khe Đảng đã từng là thôn nghèo nhất không chỉ ở xã Tứ Quận, mà của cả huyện Yên Sơn thời điểm những năm 2000. Cả vùng đất vốn phụ thuộc vào cây mía để thoát nghèo, khi Nhà máy Đường sa sút, cây mía mất dần giá trị, người Dao ở Khe Đảng cũng mất nhiều năm loay hoay với câu hỏi trồng cây gì, nuôi con gì.
Ông Đặng Đình Lương lúc này là Trưởng thôn Khe Đảng. Cuộc họp thôn, họp xã, họp huyện nào, ông cũng đau đáu mang câu hỏi này của bà con đến cán bộ. Và cơ hội mở ra khi Yên Sơn quyết định đưa cây chè về Khe Đảng, với quyết tâm đây sẽ là cây xóa đói giảm nghèo cho bà con.
Người Dao Khe Đảng, xã Tứ Quận (Yên Sơn) thu hái chè Bát tiên.
Vận động bà con trồng chè không phải là chuyện dễ dàng. Ông Lương nhớ lại, người Dao Khe Đảng vừa gặp cú sốc về cây mía, nên để bà con chuyển sang một loại cây trồng khác - cũng là cây công nghiệp - lúc này tương đối khó khăn. Nắm bắt được điều này, huyện cử cán bộ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật đến “3 cùng” với người dân suốt nhiều năm trời. Ông Lương cũng đứng ra, cải tạo đất trồng trước 3,4 ha. Đất vỡ ra đến đâu, cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông đến hướng dẫn từng bước một. Cẩn thận, chi tiết, kiên trì, sao cho cây chè bén rễ nơi đất cằn này.
Ông Lương kể, ngày ấy, cứ thấy ông và cán bộ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật ra nương chè là bà con hò nhau: “Quan huyện” đến rồi! “Quan huyện” đến rồi! Từ chỗ chỉ chỏ, nói với nhau cho vui, đến khi thấy những cây chè dần bám đất, cho những búp béo mập, thơm ngát thì câu hò Quan huyện đến rồi ấy lại trở thành khẩu hiệu đi làm. Cán bộ đi trước, ông Lương đi sau, rồi người dân ai nấy nhất loạt đứng dậy cùng ra nương, ra đồi. Người trồng, người chăm, tiếng nói cười, tiếng trao đổi rộn vang cả vùng đồi đã từng bỏ hoang mấy năm trời.
Gần 30 ha chè lai, chè Trung du, chè Bát tiên… làm thức dậy vùng đất cằn và nghèo nhất huyện. Từ cây chè, Khe Đảng xóa hết nhà tạm, nhà dột nát. Niềm vui được mùa hiện lên trên từng khóe mắt nụ cười, từng nếp nhà kiên cố.
Năm 2002, ông Đặng Đình Lương mở xưởng chế biến chè đầu tiên ở Khe Đảng. May mắn của ông là thời kỳ này, ông Lê Đĩnh - cán bộ kỹ thuật của huyện đến ăn ở nhà ông 3 năm trời để hướng dẫn người dân trồng chè - cũng là người có kỹ thuật sao chè, chế biến chè “đỉnh cao”. Ngày hướng dẫn người dân trồng chè, đêm về, ông Lê Đĩnh lại trực tiếp hướng dẫn ông cách sao chè, chế biến chè sao cho vừa được hương, vừa được nước. Vừa học vừa làm, kết thúc 3 năm “3 cùng” của ông Đĩnh cũng là lúc ông Lương “lĩnh hội” được những kỹ thuật chế biến chè tốt nhất. Ông khoe, thời điểm này, khi giá thóc có 18 nghìn đồng một kg, thì chè nhà ông đã bán được giá 20 nghìn đồng một kg. Mỗi năm, nhà ông thu về không dưới 100 triệu đồng tiền bán chè khô… Ông Lương lúc này vay “nóng” tiền bên ngoài để mở rộng quy mô xưởng, với tính toán đơn thuần là chỉ cần sau vài vụ sao chè bán là có thể trả cả gốc lẫn lãi. Nhưng, lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền vay ban đầu chỉ vài chục triệu đồng, sau một năm đã lên đến cả trăm triệu đồng. Không đủ khả năng chi trả, năm 2017, chủ nợ đến “siết” trắng cả đồi chè 1,8 ha. Mất đồi, mất hết toàn bộ vốn liếng gia sản tích cóp bao năm, ông Lương bị trầm cảm đến độ, ông bảo, giữ được mạng sống với ông đã là một kỳ tích.
Trở lại...
May mắn của ông Lương là thời điểm này, vợ con ông kề vai sát cánh, vừa chăm sóc, động viên ông, vừa cáng đáng phần kinh tế. 3 năm chìm trong nỗi buồn, bệnh tật và lo lắng, là 3 năm ông tự chiêm nghiệm lại cuộc đời mình. Cây chè vốn là cây đã gắn bó với ông Lương từ những ngày thơ bé. Ông kể, từ bé mình đã là người được ông mình, rồi bố mình tín nhiệm giao cho việc đun nước pha chè tiếp khách. Vì nhà có ông, có bố đều là cán bộ nên khách đông lắm. Có những ngày chưa hết đoàn khách này đi, đã lại có lượt khách khác đến. Ông vừa ngồi quạt bếp đun nước, vừa rửa ấm pha chè đến độ điệu nghệ. Thành ra, hương chè đã theo ông suốt cả tuổi thơ.
Thế nên, ngã ở đâu thì phải tự đứng lên ở đấy. Cuối năm 2020 ông Lương bắt đầu lại từ con số 0.
Ông dồn sức chăm cho 1,6 ha chè còn lại. Tháng 3 - 2021, ông Đặng Đình Lương cùng với các hộ trồng chè Bát tiên là Bàn Thị Vĩnh, Nguyễn Thị Liên, Đặng Văn Quân, Bàn Thị Nội, Tướng Văn Bích, ông Lương quyết định thành lập Hợp tác xã Chè Bát tiên Khe Đảng, diện tích chè Bát tiên gần 4 ha.
Đóng gói chè chuẩn bị đưa ra thị trường.
Cải tạo lại lò, chuyển hoàn toàn sang chế biến chè xanh và chè Bát tiên, chè Ô long, ông Lương bảo, cả nương chè của mình hoàn toàn là hái tay. Tuy chậm hơn so với cắt bằng máy, nhưng chất lượng được bảo đảm hơn. Ông bảo, giờ yêu cầu thị trường càng ngày càng cao. Người thưởng trà yêu cầu trà phải đẹp, cánh nhỏ và thơm hơn. Bằng những kỹ thuật canh tác chè kỳ công và công sức bỏ ra, ông Lương có thể thu về những đợt chè chất lượng cao, đúng ý khách. Các nõn chè sau khi được hái sẽ trải qua quá trình chế biến, trong đó công đoạn sao là khâu quan trọng và kỳ công nhất. Người nghệ nhân chè như ông Lương cần thành thục các kỹ năng như chỉnh lửa, chọn củi hay vo chè đều tay. Thành ra, chỉ với chiếc máy sao, vò chè đơn giản nhất, nhưng ông cho ra thị trường 2 loại chè đặc sản là chè Bát tiên và Chè Ô long. Bí quyết nằm ở thời gian chế biến. Chè Ô long thời gian vò chè và sao chè sẽ kéo dài hơn, mục đích là để cho ra nước chè màu gụ đặc trưng. Chè Bát tiên sẽ có thời gian vò và sao ngắn hơn, để cho ra nước chè màu xanh ngọc đẹp mắt và hương thơm phảng phất. Có sản phẩm, ông trực tiếp đem đi test an toàn thực phẩm và đăng ký nhãn hiệu độc quyền để “khẳng định chủ quyền”.
Tin vui liên tiếp đến với Hợp tác xã Chè Bát tiên Khe Đảng. Cuối năm vừa rồi, 2 sản phẩm của Hợp tác xã là Chè Bát tiên Khe Đảng và Chè xanh Núi Sồi tham gia đánh giá sản phẩm OCOP và được chứng nhận 3 sao. Sản phẩm của Hợp tác xã cũng đã được một đơn vị khác đứng ra làm đầu mối phân phối độc quyền ra thị trường. Ông Lương bảo, đây là cơ hội để ông được chuyên tâm với nghề của mình.
Khi nhiều loại cây trồng đang dần trỗi dậy và muốn “soán ngôi” cây chè, thì ở Khe Đảng vẫn giữ được diện tích chè đã trồng từ những năm 2000. Và ông Đặng Đình Lương vẫn được người Dao Khe Đảng gọi là người dẫn đường tận tâm, đưa chè Bát tiên Khe Đảng chinh phục thị trường!
Gửi phản hồi
In bài viết