Quốc dân Đại hội họp vào ngày 16 và 17 tháng 8 năm 1945 tại đình Tân Trào. Đến dự Quốc dân Đại hội có hơn 60 vị đại biểu ở khắp nơi đại diện cho ba miền Bắc - Trung - Nam, các ngành, các giới, các đảng phái chính trị, một số kiều bào về dự và nhận lệnh tổng khởi nghĩa. Quốc dân Đại hội tiến hành họp và phát động tổng khởi nghĩa vũ trang, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, trong đó điểm đầu tiên là phải "giành chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập" và lập ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Quốc dân Đại hội cũng quy định Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, Quốc ca là bài "Tiến quân ca"...
Quốc dân Đại hội Tân Trào được ví như Hội nghị Diên Hồng thứ hai trong lịch sử nước ta, là tiền thân của Quốc hội ngày nay, thể hiện lòng tin sâu sắc của đồng bào với Đảng, Mặt trận và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự đoàn kết nhất trí của toàn dân trong giờ phút quyết định vận mệnh đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 20 triệu đồng bào trong cả nước nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước phát ra từ Tân Trào, đã nhất tề đứng lên tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền, mở ra một kỷ nguyên mới của đất nước, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Đình Tân Trào là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Phát huy những giá trị lịch sử, tầm vóc của Quốc dân Đại hội Tân Trào, nhất là những bài học về phát huy ý chí, sức mạnh dân tộc, xây dựng chính quyền của dân, do nhân dân và vì nhân dân, trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, tỉnh Tuyên Quang luôn lấy việc chăm lo cho nhân dân, nâng cao đời sống của nhân dân là mục tiêu, động lực để phấn đấu, là "kim chỉ nam" cho quá trình xây dựng chính sách và là thước đo sự thành công hay thất bại của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Đặc biệt, trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, ban hành nhiều quyết sách quan trọng nhằm kịp thời hỗ trợ, đồng hành cùng nhân dân ổn định đời sống, từng bước đặt nền móng cho mục tiêu phát triển bền vững. Những quyết sách không chỉ phát huy hiệu quả tích cực đối với đời sống xã hội mà còn góp phần quan trọng củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo nên khối đoàn kết, thống nhất, đồng lòng vượt qua mọi gian khó, vững tin chinh phục những mục tiêu mới to lớn hơn.
Nổi bật là ngay sau khi tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, HĐND tỉnh đã tổ chức kỳ họp chuyên đề xem xét, thông qua Nghị quyết số 55/NQ-HĐND ngày 20/11/2020 về Đề án Bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời thông qua Nghị quyết số 88/NQ-HĐND ngày 12/12/2021 về phê duyệt Đề án xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025 với phương thức "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ".
Đến nay, toàn tỉnh đã kiên cố được trên 2.996/3.953 km đường giao thông, 870/1.651 km đường giao thông nội đồng; xây dựng mới 77/200 cầu trên đường giao thông nông thôn. Hiện toàn tỉnh có 91/138 xã có nhà văn hóa và sân thể thao đạt chuẩn, 1.340/1.739 thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa đạt chuẩn.
Về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Trên các lĩnh vực công nghiệp, thu hút đầu tư, du lịch, giáo dục đào tạo, y tế... tỉnh đều có các nghị quyết với những cơ chế đặc thù của tỉnh được đi vào thực tiễn đời sống người dân, được người dân đồng tình ủng hộ. Cùng với những quyết sách đúng đắn, sáng tạo, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở còn tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng Nhân dân để có các giải pháp chỉ đạo, giải quyết kịp thời những vấn đề tồn đọng, bức xúc của người dân. Từ đó, đã tạo ra sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân.
Cùng với đó, tỉnh đã huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều công trình dự án mới đang được triển khai hứa hẹn sẽ là động lực, là chìa khóa để tháo gỡ các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: các công trình, dự án trọng điểm, nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy sự phát triển của tỉnh như: Đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; đường từ Hồ Ba Bể kết nối với hồ Thủy điện Tuyên Quang; đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đến trung tâm huyện Yên Sơn và từ thành phố Tuyên Quang đi khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm...
Chắc hẳn, những ai khi trở lại thăm các vùng chiến khu cách mạng năm xưa hay đến với địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh hôm nay sẽ cảm nhận rõ sự thay đổi nhanh chóng về diện mạo cũng như đời sống của người dân nơi đây ngày càng được nâng lên. Những con đường đất năm xưa, nay không còn nữa mà thay vào đó là những tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông rộng đẹp; những ngôi trường mới, những ngôi nhà khang trang hay những mô hình kinh tế trù phú hiện hữu…
Tiếp nối sự nghiệp cách mạng, góp phần phát huy giá trị, tầm vóc lịch sử của Quốc dân Đại hội Tân Trào lên một tầm cao mới, Tuyên Quang quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết XVII của Đảng bộ tỉnh với mục tiêu cao nhất là mang lại cho nhân dân được hưởng cuộc sống an toàn, bình yên, ấm no và hạnh phúc, xây dựng Tuyên Quang thành "tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc".
Gửi phản hồi
In bài viết