Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển được thể hiện ở chỗ, mọi hoạt động của văn hóa là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp, đây chính là nguồn lực quan trọng nhất để phát triển đất nước. Các nguồn lực khác như vốn, hạ tầng kỹ thuật, tài nguyên... chỉ có thể phát huy tác dụng thông qua hoạt động của con người có trí tuệ, có kỹ năng nghề nghiệp cao. Các nguồn lực khác có thể cạn kiệt, hạn chế, nhưng nguồn lực con người lao động thông minh, sáng tạo, được tiếp nối qua các thế hệ luôn phát minh, sáng tạo ra các nguồn lực phát triển mới. Do vậy, phát triển văn hóa luôn phải hướng vào nhiệm vụ xây dựng con người mới và xây dựng con người mới cũng chính là để phát triển sự nghiệp văn hóa.
Sau hơn 35 năm đổi mới đất nước, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đại hội XIII của Đảng nhận định đất nước ta “đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật”, trong đó “phát triển văn hóa, xã hội, con người đạt nhiều kết quả quan trọng”. Tuy nhiên, Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ rõ: Lĩnh vực văn hóa xã hội chưa có nhiều đột phá, hiệu quả chưa cao. Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thực sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh cho sự phát triển. Trách nhiệm của văn hóa trong xây dựng con người chưa được chú ý đúng mức.
Như vậy, xây dựng văn hóa và con người Việt Nam là lĩnh vực quan trọng đặc biệt. Thực tiễn công cuộc đổi mới cho thấy việc tiếp tục xây dựng, phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần” và là một nhiệm vụ quan trọng bên cạnh “phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm”, “xây dựng Đảng là then chốt”, “bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”; với nhiều phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục “xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam”.
Gửi phản hồi
In bài viết