Nâng cao chất lượng phục vụ
Thông tư 85/2019/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành có hướng dẫn danh mục, nguyên tắc, căn cứ xác định mức thu, miễn, giảm, quản lý và sử dụng phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo Thông tư, trong danh mục các khoản phí thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, có phí tham quan danh lam thắng cảnh (thuộc địa phương quản lý); phí tham quan di tích lịch sử (thuộc địa phương quản lý)... Thông tư nêu rõ, phí tham quan danh lam thắng cảnh, phí tham quan di tích lịch sử và phí tham quan công trình văn hóa, bảo tàng là khoản thu để bù đắp một phần hoặc toàn bộ chi phí về bảo quản, tu bổ, phục hồi và quản lý đối với danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng và bù đắp chi phí cho hoạt động thu phí.
Ban Quản lý Khu di tích lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào là đơn vị triển khai việc thu phí tham quan sớm nhất tỉnh. Từ những năm 90, việc thu phí tại đây đã được thực hiện.
Ông Lý Mạnh Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng tỉnh cho biết, qua từng năm, nguồn tiền thu được từ bán vé tham quan tại đây đều tăng. 40% nguồn kinh phí được giữ lại để trả lương cho 15 nhân viên hợp đồng (bao gồm hướng dẫn viên và bảo vệ trông coi), 60% chi cho các hoạt động sự nghiệp. Riêng trong năm 2022, tiền thu được từ thu phí tham quan tại đây đạt hơn 2,4 tỷ đồng.
Các hạng mục trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào thường xuyên được tu bổ, sửa chữa từ nguồn phí tham quan.
Theo ông Thắng, nguồn kinh phí này ngoài chi trả lương cho các nhân viên hợp đồng, thì hỗ trợ rất lớn cho việc tu bổ, bảo tồn các hạng mục trong Khu di tích đặc biệt. Vì hầu hết các hạng mục đều làm bằng vật liệu tự nhiên như nứa, lá cọ, chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, thời tiết làm hư hỏng nhiều hạng mục, như nấm mốc, mối mọt…
Tại nhiều điểm du lịch, việc thu phí tham quan, dịch vụ cũng bắt đầu manh nha thực hiện. Như tại thác Khuổi Nhi, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) mặc dù không thu phí tham quan nhưng mỗi du khách đến đây sẽ trả 10 nghìn đồng tiền phí vệ sinh môi trường do Hợp tác xã Thanh niên Thượng Lâm thực hiện.
Anh Chẩu Thanh Ngà, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Thượng Lâm cho biết: Hàng ngày, điểm du lịch thác Khuổi Nhi đón hàng chục đoàn du khách đến tham quan, trải nghiệm, cũng vì thế mà lượng rác thải du khách để lại không nhỏ. Trước đây, hoạt động tham quan nơi này diễn ra tự phát, rác thải bừa bãi ảnh hưởng xấu đến môi trường và cảnh quan. Hợp tác xã Thanh niên Thượng Lâm được UBND huyện Lâm Bình giao đảm nhận việc giữ gìn vệ sinh môi trường khu vực thác và đảm bảo an toàn cho du khách. Việc thu phí vệ sinh môi trường tại điểm du lịch này thời gian qua đã phát huy hiệu quả, không những giữ gìn vệ sinh môi trường mà du khách đến đây được các thành viên Hợp tác xã hướng dẫn tham quan, trải nghiệm hoặc cảnh báo những khu vực nguy hiểm.
Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ngày 10/12/2022 quy định: ► Mức thu phí tham quan danh lam thắng cảnh cấp quốc gia đặc biệt trở lên: 40 nghìn đồng/lần/người. ► Danh lam thắng cảnh khác: 20 nghìn đồng/lần/người; ► Phí tham quan di tích lịch sử và Phí tham quan công trình văn hóa, bảo tàng: 20 nghìn đồng/lần/người. |
Theo Bí thư Đoàn xã Thượng Lâm, nguồn phí này hiện cũng chỉ đủ chi trả cho các thành viên của Hợp tác xã Thanh niên Thượng Lâm để vệ sinh môi trường. Về lâu dài, ngoài việc hướng dẫn, bảo vệ môi trường thì việc đầu tư tôn tạo cũng cần được chú trọng thực hiện để xứng đáng hơn với hoạt động thu phí.
Từ đầu tháng 3-2023, điểm check-in Cây hạnh phúc (thị trấn Na Hang) được đầu tư, trang trí lại sau một thời gian khai thác tự nhiên cũng đã được giao về Đoàn thị trấn để bảo vệ, trông coi và thực hiện thu phí khách du lịch có nhu cầu check-in. Theo anh Lê Văn Thái, Bí thư Đoàn xã thị trấn, trước đây, khi chưa giao cho một đơn vị cụ thể trông coi, thu phí, thì điểm check-in này tuy đẹp, nhưng khá nhếch nhác, do gia súc thả rông, rác thải từ người tham quan… Sau khi được đầu tư, trông coi, Đoàn thị trấn bố trí người bảo vệ, dọn dẹp thường xuyên, đồng thời, có phương án thay thế cây, hoa trồng xung quanh điểm check-in theo mùa, vừa góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa tăng tính thẩm mỹ cho khu vực này.
Trách nhiệm với điểm đến
Theo đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh, việc thu phí các điểm tham quan trên địa bàn tỉnh đã được quy định cụ thể tại Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND ngày 10-12-2022. Vì Nghị quyết này khá mới mẻ, nên hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, điểm check-in Cây hạnh phúc và thác Khuổi Nhi... thực hiện thu phí dịch vụ.
Mới đây trên cơ sở tổng hợp đề xuất của các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo UBND tỉnh xem xét, phê duyệt các điểm tham quan danh lam thắng cảnh; di tích lịch sử; công trình văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Theo đồng chí Sơn, việc thu phí vào các điểm di tích, danh thắng vừa bù đắp chi phí phục vụ công tác thu, quản lý và sử dụng nguồn thu phí tham quan tại đơn vị, vừa bổ sung kinh phí cho hoạt động thường xuyên và công tác bảo quản, phục hồi, sửa chữa các di tích, bảo tàng. Đồng thời, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ khách tham quan, mà còn từng bước nâng cao nhận thức và tạo ý thức, thói quen cho người dân trong việc đóng góp cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Bài, ảnh: Nguyễn Đạt - Ngọc Hưng
Gửi phản hồi
In bài viết