Chủ động ứng phó thời tiết cực đoan
BHG - Trước diễn biến ngày càng cực đoan, khó lường của thời tiết và thiên tai, tỉnh xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Với tinh thần chủ động từ sớm, từ xa, ứng phó kịp thời và phục hồi hiệu quả, tỉnh đang từng bước nâng cao năng lực chống chịu, hướng tới xây dựng cộng đồng an toàn và phát triển bền vững.
Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới, có địa hình bị chia cắt mạnh, nhiều núi cao, vực sâu, sông suối dày đặc. Những năm gần đây, tỉnh ta thường xuyên chịu tác động của các loại hình thiên tai như lũ quét, sạt lở đất, mưa đá, ngập úng, hạn hán... Trong đó, các huyện vùng cao như Hoàng Su Phì, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ là những địa bàn trọng điểm, thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề. Thiên tai không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản mà còn tác động lớn đến đời sống Nhân dân, làm chậm quá trình phát triển KT - XH của địa phương.
![]() |
Các lực lượng giúp người dân thôn Đồng Tâm, xã Yên Thành (Quang Bình) khắc phục hậu quả trận lũ quét năm 2024. |
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, năm 2024, tỉnh ghi nhận tới 21 đợt thiên tai lớn nhỏ; làm 37 người chết, 29 người bị thương; hơn 11.600 nhà ở bị hư hỏng, đổ sập; thiệt hại hơn 8.000 ha cây trồng, 1.500m đường quốc lộ cùng nhiều công trình thủy lợi, trường học, cơ sở y tế bị phá hủy. Đặc biệt, vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại km49, Quốc lộ 2 (huyện Bắc Quang) ngày 29.9.2024 khiến 4 người tử vong là minh chứng đau lòng cho mức độ nguy hiểm của thiên tai tại địa phương.
Trước thực tiễn đó, tỉnh ta xác định phòng, chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Tỉnh triển khai đồng bộ phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Đồng thời, xây dựng mô hình cộng đồng dân cư ba sẵn sàng (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục hiệu quả).
Tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức rà soát, đánh giá nguy cơ thiên tai theo từng khu vực cụ thể; xây dựng phương án ứng phó chi tiết theo phương châm sát thực tế, dễ triển khai và đảm bảo tính khả thi. Lực lượng Công an, Quân đội, dân quân tự vệ, các tổ chức đoàn thể... được tập huấn, diễn tập thường xuyên nhằm nâng cao năng lực phối hợp, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Trong giai đoạn 2017–2019, tỉnh triển khai hiệu quả mô hình di dân xen ghép với 4.692 căn nhà an toàn được xây dựng, góp phần di dời hàng nghìn hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đây là giải pháp tiết kiệm chi phí, tận dụng được cơ sở hạ tầng hiện có và phù hợp với khả năng hỗ trợ của Nhà nước. Hiện vẫn còn trên 5.500 hộ dân đang sinh sống tại các khu vực có nguy cơ cao cần được di dời khẩn cấp. Tỉnh đang kiến nghị T.Ư hỗ trợ khoảng 90 triệu đồng/hộ để tiếp tục thực hiện chương trình trong thời gian tới.
Một trong những giải pháp nhằm ứng phó với thiên tai đó là ứng dụng công nghệ trong cảnh báo sớm. Đến nay, toàn tỉnh đã lắp đặt 27 trạm đo mưa tự động, phục vụ thu thập dữ liệu thời gian thực về lượng mưa và tình hình thủy văn. Hệ thống quản lý, giám sát, dự báo và cảnh báo thiên tai cũng được thiết lập, giúp nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành, hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin nhanh chóng, chính xác.
Dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia và Đài Khí tượng thủy văn Hà Giang cho thấy: Năm 2025, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan do ảnh hưởng của El Nino. Nguy cơ xảy ra rét đậm, rét hại, mưa lớn, lũ quét, cháy rừng… với cường độ và tần suất cao hơn. Tỉnh ta chủ động chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát, cập nhật phương án ứng phó; củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai cho người dân.
Đồng chí Hoàng Nhị Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường - Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh nhấn mạnh: “Năm 2025, tỉnh xác định phương châm hành động là chủ động từ sớm, phòng ngừa từ xa, ứng phó kịp thời, phục hồi hiệu quả. Trên cơ sở đánh giá sát thực tế rủi ro thiên tai tại từng địa phương, ngành đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, huyện, thành phố cập nhật, hoàn chỉnh phương án ứng phó phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo nguyên tắc “4 tại chỗ”; tiếp tục đầu tư cho hệ thống cảnh báo sớm, nâng cao chất lượng dự báo và đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự lan tỏa, nâng cao nhận thức cộng đồng. Phòng, chống thiên tai không thể chỉ chờ ứng cứu – phải bắt đầu từ sự chủ động của từng cơ sở, từng người dân.
Bài, ảnh: VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc