Niêm Sơn chủ động ứng phó với thiên tai
BHG - Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của thiên tai, xã Niêm Sơn (Mèo Vạc) đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm phòng, chống thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Cuối tháng 4 vừa qua, trên địa bàn xã Niêm Sơn xảy ra trận mưa lớn kéo dài kèm theo mưa đá gây thiệt hại nghiêm trọng đến nhà cửa, chuồng trại và hoa màu của người dân. Đáng chú ý, mặc dù nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện cũng ghi nhận mưa lớn nhưng chỉ riêng Niêm Sơn xuất hiện mưa đá với những viên đá to bằng quả mận, thậm chí có viên to bằng quả trứng gà. Sau trận mưa, toàn xã có gần 420 hộ bị thủng mái nhà, 23 hộ bị hư hỏng chuồng trại và gần 2 ha hoa màu bị tàn phá. Tổng giá trị thiệt hại ước tính gần 2 tỷ đồng.
![]() |
Cán bộ xã Niêm Sơn tuyên truyền cho người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai. |
Chia sẻ về trận mưa đá vừa qua, ông Sùng Mí Mỷ, thôn Niêm Đồng vẫn chưa hết bàng hoàng: “Tôi năm nay đã ngoài 40 tuổi, từng chứng kiến nhiều đợt mưa to, gió lớn nhưng chưa bao giờ thấy trận mưa đá khủng khiếp như thế. Tiếng đá rơi xuống mái nhà lợp pro xi-măng ầm ầm như ai đập từng nhát búa. Có nhiều viên rất to, rơi trắng sân nhà. Chỉ trong chưa đầy 20 phút, mái nhà tôi bị thủng lỗ chỗ, may là cả nhà tôi đều an toàn”.
Ánh mắt ông Mỷ trùng xuống khi nhắc đến thiệt hại: “Mái thủng, nước tràn vào nhà, chuồng trâu bị tốc mái, hoa màu bị hư hại. Cả nhà chỉ biết đứng nhìn, không kịp làm gì. May nhờ cán bộ xã và thanh niên đến giúp rất nhanh, hỗ trợ bạt che lại, nếu không thì chắc phải ra ngoài trú tạm đêm hôm ấy”.
Sau thiên tai, cấp ủy, chính quyền xã Niêm Sơn đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để chỉ đạo, hướng dẫn người dân khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, các nhóm hỗ trợ, tình nguyện, nòng cốt là lực lượng dân quân và đoàn viên, thanh niên được thành lập ngay để giúp người dân dọn dẹp, che chắn tạm thời, đảm bảo an toàn tính mạng và sinh hoạt. Xã cũng trích một phần kinh phí để mua tấm lợp và bạt để hỗ trợ các hộ khó khăn có mái nhà bị hư hỏng nặng.
Xác định thiên tai ngày càng diễn biến cực đoan, bất thường, xã Niêm Sơn chủ động xây dựng phương án phòng, chống thiên tai sát thực tế địa phương. Trong đó, chú trọng phương châm “4 tại chỗ”, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Hằng năm tổ chức rà soát kỹ các điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét, mưa đá để xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp, tránh bị động, bất ngờ. Đồng thời, danh sách các hộ dân cần sơ tán khi có mưa lớn cũng được lập và cập nhật thường xuyên, giúp việc di dời diễn ra nhanh chóng, an toàn.
Một trong những giải pháp thiết thực đang được xã Niêm Sơn tập trung triển khai là nâng cao năng lực cho người dân trong việc nhận diện, phòng tránh và ứng phó với thiên tai. Bằng hình thức tuyên truyền qua loa truyền thanh, họp thôn, tờ rơi minh họa bằng hình ảnh, người dân từng bước hiểu được mức độ nguy hiểm của thiên tai, chủ động chằng chống nhà cửa, gia cố chuồng trại, thu hoạch nông sản sớm khi có dự báo thời tiết bất lợi. Xã cũng chỉ đạo các đoàn thể tổ chức nhiều buổi tập huấn về sơ tán, cứu hộ, chăm sóc sức khỏe trong điều kiện thiên tai, góp phần giúp người dân nâng cao kỹ năng tự bảo vệ bản thân và cộng đồng. Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng phục vụ phòng, chống thiên tai. Các tuyến mương thoát nước nội đồng, đường dân sinh, taluy dương ở khu vực có nguy cơ sạt lở được gia cố kịp thời trước mùa mưa. Một số điểm xung yếu đã được ưu tiên bố trí kinh phí tu sửa; các điểm sơ tán tạm thời tại nhà văn hóa thôn, trường học cũng được kiểm tra, đảm bảo có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, điện nước, giúp người dân yên tâm hơn khi phải di dời khẩn cấp.
Chủ tịch UBND xã Niêm Sơn Hà Văn Thành cho biết: Niêm Sơn là địa phương có địa hình phức tạp, dân cư phân tán, thời tiết ngày càng cực đoan nên nguy cơ xảy ra thiên tai như lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, mưa đá luôn thường trực. Do vậy, thời gian tới, xã tiếp tục rà soát, cập nhật các khu vực có nguy cơ cao về thiên tai; xây dựng các điểm sơ tán tập trung, kiên cố; ưu tiên đầu tư các công trình phòng, chống sạt lở, hệ thống thoát nước tại các thôn vùng trũng và ven suối. Đồng thời, xã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao năng lực ứng phó cộng đồng, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể và đội xung kích thôn bản, hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng an toàn, giúp người dân yên tâm ổn định đời sống và phát triển sản xuất.
Bài, ảnh: TRẦN KẾ
Ý kiến bạn đọc