Tháng 2-1813, Lý Trương Hoàng tự xưng là dòng dõi nhà Lý, làm hịch chiêu dụ Hà Mỹ, Hà Cá định đánh úp trấn thành Tuyên Quang, nhưng việc bại lộ. Thuộc hiệu bảo Tụ Long là Ma Doãn Điền và Thủ bảo Phúc Nghi là Ma Doãn Trinh đem quân ập tới dẹp tan. Sau sự kiện này, Ma Doãn Điền được làm Tuyên úy thiêm sư, Ma Doãn Trinh và Hà Mỹ, Hà Cá được làm Chánh phó thuộc hiệu.
Năm 1822, một thủ lĩnh tên là Lý Khai Hoa, người châu Thủy Vỹ (Sách Thực lục chép là Lý Bá Khai) từ rừng núi Tuyên Quang đem lực lượng ra đánh phá ở phố Hà Dương (thành phố Hà Giang ngày nay). Đây là cuộc nổi dậy có tiếng vang lớn trong cả nước, khiến Lê Văn Duyệt phải xin tạm hoãn việc đào kênh Vĩnh Tế ở Gia Định để trấn an dân lục tỉnh. Trong dân gian Bắc Hà, Lý Khai Hoa được coi là một trong vài thủ lĩnh kiệt hiệt trong phong trào đấu tranh chống triều Nguyễn thời Gia Long, Minh Mệnh.
Thời Minh Mệnh, có những chính sách can thiệp mạnh mẽ của Nhà nước vào bộ máy hành chính vùng dân tộc thiểu số. Vì vậy, thổ tù ở các vùng dân tộc phía Bắc đã nổi dậy chống lại Nhà nước. Một đặc điểm lớn trong cục diện đấu tranh ở nửa đầu thế kỷ XIX là sự phát triển mạnh mẽ, đều khắp của các cuộc khởi nghĩa ở miền núi từ Việt Bắc, Tây Bắc, thượng du Thanh Nghệ và suốt dọc Trường Sơn đến cực nam Trung Bộ, nhất là từ năm 1825. Điều đáng lưu ý là cuộc đấu tranh của các dân tộc thiểu số miền núi từ Bắc chí Nam cũng diễn ra tập trung và quyết liệt như phong trào ở đồng bằng và trung du trong những năm 1833 - 1835. Một trong những cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất của dân tộc thiểu số chống lại nhà Nguyễn là cuộc khởi nghĩa của Nông Văn Vân (1833 - 1835) khởi phát từ Tuyên Quang.
Nơi khởi phát cũng là căn cứ chính của Nông Văn Vân, đó là huyện Bảo Lạc(1). Thời Nguyễn, Bảo Lạc là một châu vùng cao thuộc tỉnh Tuyên Quang.
Nông Văn Vân là anh vợ của Lê Văn Khôi, Tri châu châu Bảo Lạc(2). Phản ứng trước chính sách của nhà Nguyễn đối với vùng dân tộc thiểu số, Nông Văn Vân đã bí mật liên kết với các thổ tù và tri châu trong vùng chuẩn bị khởi nghĩa.
Hầu hết các tri châu, thổ tù ở các tỉnh Việt Bắc đều nhiệt liệt hưởng ứng, suy tôn Nông Văn Vân làm thủ lĩnh tối cao. “Thổ phỉ Tuyên, Cao, Thái, Lạng lan tràn, chỗ nào cũng có đưa hùng trưởng, mà đều lấy giặc Vân làm chủ”(3). Thực lục chép thêm: “Việc nổi loạn là do Nông Văn Vân xướng xuất, tù trưởng các châu đều họa theo và đều nhận chức quan của Nông Văn Vân”(4). Khi mới khởi sự, Nông Văn Vân tự xưng là Tiết chế thượng tướng quân. Năm 1834, quân triều lại bắt được một lá thư của nghĩa quân ghi niên hiệu “Nguyên Thống nguyên niên”.
Vân Trung (thị trấn Vân Trung, huyện Bảo Lạc) và Ngọc Lạc (xã Đồng Mu, huyện Bảo Lạc) là hai căn cứ chủ yếu của Nông Văn Vân, cũng là đại bản doanh của bộ tham mưu nghĩa quân(5).
Dựa vào hai căn cứ này, nghĩa quân đã bẻ gãy nhiều cuộc tấn công của quân triều đình vào Bảo Lạc. Cũng nhờ những căn cứ hiểm yếu này, lại được sự che chở của dân địa phương, Nông Văn Vân nhiều lần thoát khỏi các cuộc truy lùng của quan quân. Ngót hai năm vây ráp, rút cục hàng vạn binh tướng triều Nguyễn vẫn không bắt sống được Nông Văn Vân.
Cuộc khởi nghĩa chính thức bùng nổ ngày 2-7 năm Quý Tỵ (1833), ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân trong vùng.
Trong suốt hai năm hoạt động, từ Bảo Lạc (Tuyên Quang), địa bàn của nghĩa quân mở rộng ra nhiều tỉnh ở vùng núi phía Bắc: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn...; trong đó, Tuyên Quang là một trong những địa bàn hoạt động chính. Mục tiêu đầu tiên của Nông Văn Vân là tỉnh thành Tuyên Quang và trên thực tế, Tuyên Quang đã trở thành địa bàn hoạt động trọng yếu của nghĩa quân với nhiều trận đánh ác liệt.
Sau đây là những trận chiến tiêu biểu:
Đánh chiếm đồn Ninh Biên - Vây đánh đồn Phúc Nghi
Ngày 3-8-1833, nghĩa quân đánh chiếm đồn Ninh Biên (thuộc thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang ngày nay)(6) để mở thông con đường dọc theo sông Lô tiến đánh tỉnh thành Tuyên Quang. Bố chính Tuyên Quang là Phạm Phổ không chống cự nổi phải thắt cổ tự tử. Cuối tháng 8-1834, nghĩa quân bao vây tỉnh thành Tuyên Quang. Triều đình cử tướng Lê Văn Đức và Nguyễn Công Trứ đem đại quân đến đàn áp, nhưng đã thất bại. Quân triều đình bị bao vây trong vùng núi Bảo Lạc, khó khăn lắm mới thoát ra được, về tập kết ở thành Tuyên Quang.
Sông Gâm đoạn qua thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa). Ảnh: Hoàng Thảo.
Nghĩa quân tiếp tục vây đánh đồn Phúc Nghi nằm trên hữu ngạn sông Gâm, đối diện với cửa quan Đài Vạn (tức Đài Thị), cách đồn Vĩnh Yên (Na Hang) 25km về phía Nam. Cuối tháng 7-1833, nghĩa quân do thủ lĩnh Ma Sĩ Vinh chỉ huy từ các cao điểm kéo đến vây chặt bốn mặt đồn Phúc Nghi. Đồng thời, một cánh quân khác “cưỡi thuyền độc mộc từ thượng lưu bơi qua phía trước đồn rồi bỏ thuyền lên bờ giáp lại cùng đánh... lực lượng giặc ước hơn 1.000 tên”.
Vây hãm thành Tuyên Quang
Sau khi chiếm được đồn Ninh Biên, Nông Văn Vân lập kế hoạch đánh chiếm tỉnh thành Tuyên Quang.
Vào hạ tuần tháng 8 âm lịch năm 1833, nghĩa quân chủ động chiếm lĩnh các cao điểm xung quanh thành ở hai bên bờ sông Lô, xây dựng đồn lũy dã chiến. Ngày 21-8-1833, khoảng 4.000 - 5.000 quân “chiếm đồn Cao Tụ ở phía sau tỉnh thành”. Trong khi cuộc chiến đang diễn ra ác liệt ở phía bờ sông thì khoảng 400 - 500 nghĩa quân “từ phía rừng bên hữu tiến về tỉnh thành, chỗ nền đền Xã Tắc”. Do quân triều đình tập trung đông với voi chiến và súng lớn, mà cánh quân xuất phát từ Ninh Biên lại chưa kịp đến, nên không thể chiếm được thành, phải rút về đồn Núi Đền (trên núi Dùm hay Tràng Đà) ở bên kia sông. Nhưng quân triều đình đuổi theo đến bờ sông cũng phải dừng lại vì không có thuyền.
Chiến thắng ở Đồn Trinh, Đèo Bụt
Trong lần thứ nhất, khi đại quân Lê Văn Đức và Nguyễn Công Trứ vừa đến Bảo Lạc thì ở phía nam châu Đại Man, nghĩa quân từ các tỉnh Thái Nguyên kéo sang đánh chiếm Đồn Trinh (nay thuộc xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa) vào ngày 25-10 âm lịch năm 1833, buộc quân triều đình đóng ở đồn này phải rút chạy về xã Bình Trạch (nay là xã Bình Nhân, huyện Chiêm Hóa). Trên đà thắng lợi, nghĩa quân truy kích binh lính triều đình đến Đèo Bụt (thuộc xã Bình Trạch) và chiến đấu dũng cảm ở đèo này.
Ngày 4-11-1833, quân triều đình chiếm lại Đồn Trinh. Nhưng một tháng rưỡi sau, nghĩa quân từ các xã Tông Hiên, Kiên Đài, Đài Mãn lại đến đánh Đồn Trinh lần thứ hai, buộc vua Minh Mệnh phải ra lệnh cho Nguyễn Công Trứ đang ở Bảo Lạc cử một bộ phận binh lính xuôi dòng sông Gâm giải vây cho Đồn Trinh.
Những trận đánh dồn dập trên đây chứng tỏ nghĩa quân đã giành lại thế chủ động trên một địa bàn rộng lớn thuộc châu Đại Man, có tác dụng phân tán lực lượng đàn áp của quân triều đình trên đường tiến lên Vân Trung.
Giam chân quân triều đình trong rừng núi Bảo Lạc
Trên chặng đường từ Ninh Biên vào Vân Trung (lần đàn áp thứ nhất), đạo quân của Lê Văn Đức và Nguyễn Công Trứ phải đi mất một tháng rưỡi. Điểm lại số quân, khi đi có một vạn (500 quân triều với một lực lượng thổ dũng tương đương), vào đến Vân Trung đã có 2.400 lính ốm với hơn 100 tên bỏ mạng dọc đường, và “hiện nay chỉ còn 1.900 lính nhưng cũng sắp ốm cả”. Nhiều thổ dũng bỏ trốn, khi đến Vân Trung chỉ còn non một nửa.
Sáng ngày 8-12-1833, khi cánh quân của Lê Văn Đức đi qua cầu nổi ở tổng Mông Ân, liền bị nghĩa quân phục kích, “hai khẩu súng đại luân rơi xuống mé sông”. Cánh quân của Nguyễn Công Trứ cũng bị nghĩa quân “vây đánh nhiều lần, lính tráng bị tổn thất nhiều”. Trên đường về, Công Trứ tức giận tâu xin: “Nếu chưa bắt được giặc Vân thì xin bắt hết dân một huyện ba châu... một tấc cỏ cũng không để sót”.
Đến cuối tháng 12-1833, nghĩa là sau hơn hai tháng kể từ khi rút lui, đạo quân của Lê Văn Đức và Nguyễn Công Trứ mới thoát ra khỏi Bảo Lạc, chạy về thành Tuyên Quang.
Bẻ gãy cuộc tiến quân đàn áp lần thứ hai
Bước vào hạ tuần tháng 2-1834, đại quân Lê Văn Đức vừa từ thành Tuyên Quang xuất phát được mấy hôm thì vua Minh Mệnh đã xuống dụ thúc giục: “Phải tiến gấp vào Vân Trung, Ngọc Mạo hợp với quân của Tạ Quang Cự ở Cao Bằng và Nguyễn Mưu ở Thái Nguyên... góp sức vây đánh, quyết bắt cho được tên đầu sỏ Nông Văn Vân”.
Mãi đến giữa tháng 3-1834, cánh quân của Đức mới tới Ngòi Dầu (nay thuộc xã Linh Hồ, Vị Xuyên), từ đó tiến lên Ninh Biên. Nhưng nghĩa quân không chủ trương cố thủ trong đồn Ninh Biên mà chuyển toàn bộ lực lượng lên hướng Bắc, nhằm kéo quân triều đình ra khỏi đồn lũy kiên cố, buộc phải tiến vào trận địa đã bố trí sẵn ở hai bờ sông Miện. Quả nhiên, quân triều đình sợ sa bẫy phục kích, không dám sang sông, đành quay trở về Ninh Biên. Nhưng khi quân triều đình trở lại thì Ninh Biên đã bị nghĩa quân chiếm giữ.
Cánh quân của Nguyễn Công Trứ tiến theo hướng sông Gâm liên tiếp bị nghĩa quân “chặn đánh ở các xã Khai Quán, Năng Khả, Chung Khánh, Thượng Lâm, Khuẩn Hà cho đến xã Côn Lôn trở lên”(7). Ngày 3-4 âm lịch năm 1834, Nguyễn Công Trứ cho quân tiến vào xã Năng Khả liền bị nghĩa quân chặn đánh, không sang sông được.
Năm hôm sau, quân triều đình tiến đến đồn Vĩnh Yên (thị trấn Na Hang ngày nay) lại bị nghĩa quân phục kích ở Núi Bụt (hay Đèo Bụt). Trận đánh chỉ diễn ra chớp nhoáng, nghĩa quân rút nhanh về phía Thanh Tương “thì trời vừa tối, giặc mất tích”. Vượt qua được Đèo Bụt, cánh quân của Nguyễn Công Trứ lọt vào tổng Côn Lôn và bị mắc kẹt trong rừng núi Côn Lôn hơn 10 ngày. Trên thực tế, đến thượng tuần tháng 4 âm lịch năm 1834, khi cánh quân của Lê Văn Đức bị giam lỏng trong đồn Ninh Biên và cánh quân của Nguyễn Công Trứ bị mắc kẹt ở Côn Lôn thì cuộc đàn áp lần thứ hai của đạo quân Lê Văn Đức đã bị thất bại về cơ bản.
Trận chiến đấu chống cuộc đàn áp lần thứ ba
Trận Đèo Ve, Tòng Bá, Đèo Hoạch: Ngày 18-10-1834, trên đường từ Ninh Biên tiến vào Vân Trung, cánh quân Lê Văn Đức đến xứ Đèo Ve (tiếng địa phương là Kẻm Ve) thuộc xã Phú Linh.
Nghĩa quân lợi dụng địa hình hiểm trở chặn đánh quyết liệt ở đoạn đường lên đèo, sau đó rút nhanh về phía Tòng Bá. Đức cho quân đuổi theo đến xã Tòng Bá thì bị nghĩa quân phản công, nhử cho vào khu vực bố trí sẵn ở cửa hang. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, “hai bên giáp lá cà vật lộn nhau ở trong rừng”(8).
Cánh quân của tướng Phạm Văn Điển đến xứ Đèo Hoạch (tức Kẻm Kiếng) phía trên sông Miện đối diện với Đèo Ve thì thấy “giặc cũng bố trí ở Đèo Ve”.
Nghĩa quân đóng ở Đèo Hoạch lợi dụng địa thế hiểm trở để ngăn chặn và tiêu hao lực lượng quân triều. Tiếp đó, nghĩa quân rút sâu vào rừng bố trí những cuộc phục kích mới, bảo vệ căn cứ Vân Trung.
Trận Bạch Đích
Quân triều đìnhmuốn thông đường vào Vân Trung thì nhất thiết phải hạ được đồn của nghĩa quân ở xã Bạch Đích. Còn nghĩa quân thì phải cố sức giữ vững đồn lũy, coi đây là tấm lá chắn cản đường tiến của quân triều kéo vào Vân Trung từ hướng tây.
Sau nhiều đợt chống trả quyết liệt, nghĩa quân nhanh chóng rút lui bằng nhiều ngả.
Tấm lá chắn Bạch Đích bị chọc thủng, nhưng cuộc chống trả quyết liệt đã tạo điều kiện cho lực lượng nghĩa quân và nhân dân ở Vân Trung, Ngọc Mạo có đủ thời giờ rút ra khỏi căn cứ một cách an toàn sau khi “cửa nhà đã đốt bỏ, thóc gạo cũng không còn”(9).
Bên cạnh địa bàn Tuyên Quang, nghĩa quân cũng hoạt động khá mạnh mẽ trên địa bàn các tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên.
Cuối năm 1833, sau hơn một tháng bao vây, nghĩa quân chiếm được tỉnh thành Cao Bằng. Bố chính Bùi Tăng Hổ, Án sát Phạm Đình Trạc, Lãnh binh Phạm Văn Lưu đều tự sát. Năm 1833, Tuần phủ Lạng Sơn Hoàng Văn Quyền bị nghĩa quân bắt sống. Khi quân triều đình do Tạ Quang Cự cử đến, nghĩa quân đã phóng hỏa, rồi rút khỏi tỉnh thành. Khoảng giữa năm 1834, nghĩa quân lại tiến đánh và chiếm lại tỉnh thành Cao Bằng lần thứ hai. Quân triều đình rút chạy. Phải đến cuối năm 1834, triều đình Huế mới đàn áp được cuộc khởi nghĩa. Nông Văn Vân bị thiêu sống trong rừng Thẩm Bát (Bảo Lạc).
Cũng như các cuộc khởi nghĩa của nông dân và các dân tộc thiểu số khác, cuộc khởi nghĩa của Nông Văn Vân phản ánh sự bất bình cao độ của nhân dân đối với triều Nguyễn. Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa của Nông Văn Vân mang đậm tính địa phương, riêng rẽ, trong khi triều đình Nguyễn nắm trong tay lực lượng quân sự lớn nên cuối cùng cuộc khởi nghĩa đã bị dập tắt.
------------------------------------------
(1). Huyện Bảo Lạc ngày nay gồm hai huyện Bảo Lạc và Bảo Lâm ở phía Tây Bắc tỉnh Cao Bằng.
(2). Họ Nông trực tiếp cai trị châu Bảo Lạc từ thời nào, hiện nay chưa đủ tài liệu xác minh. Căn cứ “Bắc Kỳ tiễu phỉ”, vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, châu Bảo Lạc đã thuộc quyền quản lý của thổ ty Nông Văn Bật. Thời Tây Sơn, con cháu Bật là Nông Văn Liêm thế tập cai quản đất Bảo Lạc. Sang thời Nguyễn, sau khi Liêm và con trưởng Nông Văn Trang mất, người con thứ hai là Nông Văn Vân giữ chức tri châu Bảo Lạc.
(3). Khâm định tiễu bình lưỡng kỳ [Bắc Kỳ và Nam Kỳ] nghịch phỉ phương lược, Quyển 47, Tư liệu Viện sử học (Bản dịch).
(4). Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, t.XVIII, tr.139.
(5). Ngày nay địa danh Vân Trung chỉ còn lại trong ký ức các cụ già ở Bảo Lạc. Đại Nam nhất thống chí chép: “Huyện Để Định có phố Ân Quang, tục gọi là phố Vân Trung do thổ ty họ Nông mở từ lâu. Đường thủy, bộ thuận tiện, buôn bán tấp nập, nhà ngói như bát úp, xe thuyền như mắc cửi, cũng là một nơi đô hội ở biên giới. Từ ngày nghịch Vân nổi dậy, phong cảnh tiêu điều khác hẳn”.
(6). Sau cuộc tiến quân đàn áp khởi nghĩa Nông Văn Vân lần thứ nhất, vua Minh Mệnh sai đổi tên Ninh Biên thành An Biên. Ngày nay vẫn còn tên phố An Biên.
(7). Khai Quán: nay là xã Lang Quán, huyện Yên Sơn. Năng Khả: nay vẫn là xã Năng Khả, huyện Na Hang. Chung Khánh: tức là xã Trùng Khánh, huyện Na Hang (đã giải thể khi xây dựng Thủy điện Tuyên Quang). Thượng Lâm: nay vẫn là xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình. Khuẩn Hà nay là xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình.
(8). Khâm định tiễu bình lưỡng kỳ [Bắc Kỳ và Nam Kỳ] nghịch phỉ phương lược, Quyển 68, Tư liệu Viện sử học (Bản dịch).
(9). Khâm định tiễu bình lưỡng kỳ [Bắc Kỳ và Nam Kỳ] nghịch phỉ phương lược, Quyển 70, Tư liệu Viện Sử học (Bản dịch).
Gửi phản hồi
In bài viết