Quả còn ngày xuân và khát vọng no ấm

Điều làm nên sự hấp hẫn của trò chơi ném còn không chỉ đến từ không khí rộn ràng, náo nức của lễ hội mà còn bắt đầu từ khâu chuẩn bị. Làm sao để có một quả còn đẹp, một cây nêu cao chót vót nhưng vẫn dẻo dai và tạo được thử thách cho người chơi luôn được chuẩn bị trước ngày hội chính cả một tháng trước đó.

 

Bà Hà Thị Nghiệp, thôn Bảo Ninh, xã Yên Nguyên (CHiêm Hóa) năm nay đã hơn 70 tuổi nhưng từng đường kim, mũi chỉ khi khâu còn vẫn còn rất nhanh nhẹn và khéo léo. Bà chia sẻ, Tết năm nào bà cùng gia đình cũng làm hàng trăm quả còn để chuẩn bị cho hội xuân, những quả còn với sắc màu tươi sáng như mời gọi mùa xuân về với bản làng.

Các công đoạn làm quả còn được thực hiện thủ công bằng tay.

Bà Nghiệp bảo, nhiều dân tộc có tục ném còn nên mỗi nơi quả còn lại có chút khác biệt, có nơi người ta khâu còn bằng vải len và dùng dây vải, nhồi các loại hạt giống, có nơi lại dùng một mảnh vải cỡ găng tay rồi nhồi vào vải vụn sau đó buộc còn thành các múi, còn ở đây bà luôn làm còn thành hình vuông có 4 múi, bên trong nhồi cát để tăng sức nặng cho quả còn. Từ ngày còn là thiếu nữ, những quả còn của bà đã nổi danh khắp vùng bởi đường kim mũi chỉ khéo léo, quả còn tạo thành hình vuông hoàn chỉnh, công đoạn tạo hình này chính là bước khó nhất khi làm còn bởi nếu căn đường khâu không khéo quả còn sẽ bị méo mó, các múi còn chỗ to, chỗ nhỏ trông rất xấu.

 

Một điều thú vị là ở Bảo Ninh người ta làm dây còn bằng lạt buộc bánh, thứ lạt được chẻ từ những cây giang tươi rồi được luộc qua nước sôi để trở nên thật dẻo dai. Cứ 3 sợi lạt được xoắn lại thành một sợi dây còn, trên mỗi sợi cứ cách 10cm lại được chèn vào các sợi tua rua để trang trí. Loại dây còn này được mọi người ở đây khẳng định là vô cùng chắc chắn, đảm bảo mỗi lần ném sẽ tạo ra được lực bay lớn nhất.

Làm còn là công việc của phụ nữ thì dựng cây nêu là công việc của cánh đàn ông. Cây nêu được làm bằng cây tre có chiều cao từ 15 đến 20m, phía trên có một vòng tròn để làm đích ném, vòng tròn một mặt dán giấy đỏ biểu tượng cho mặt trời, mặt kia dán giấy vàng biểu tượng cho mặt trăng. Cây nêu phải dựng giữa bãi đất rộng để số lượng người tham gia càng nhiều càng tốt. Những cây nêu có chiều cao trên 20m khá hiếm luôn là một thử thách không nhỏ cho người chơi. Và để ném trúng vòng còn không chỉ cần may mắn mà còn cần đến những kỹ thuật đã được đúc kết qua nhiều thế hệ. Về cơ bản, khi ném còn người chơi cầm gần cuối đoạn dây quay quả còn vài vòng theo chiều kim đồng hồ rồi mới tung lên, hướng vào phông còn, quả còn bay trúng vào giữa phông còn trên cột tre thì thắng cuộc. Lực tay khi quay tùy thuộc vào chiều cao cây nêu và hướng gió, nếu thuận thì quay nhẹ hơn để còn không bay vượt qua cây nêu.

Là một người đã từng giành chiến thắng ở hội còn xuân, anh Hoàng Văn Khanh cùng thôn vẫn nhớ như in cảm giác vỡ òa khi ném thủng vòng còn. Anh vui vẻ cho biết: “Năm tôi ném trúng còn cây nêu cao tới 25m, gần như là một kỷ lục về chiều cao, từ sáng đến trưa vẫn chưa ai ném thành công, đến tận buổi chiều tôi mới là người ném trúng. Khoảnh khắc ấy tất cả mọi người đều reo vang và gọi tôi lên bục nhận giải. Theo quan niệm dân gian, ném trúng còn là một điều may mắn, nó sẽ mang đến cho bản thân tôi một năm mới tốt lành và cho cả làng một năm mùa màng ấm no, hạnh phúc”.

Khi quả còn bay lên cũng là lúc hội vui nhất, cây nêu cao vút như một điểm nhấn của ngày hội. Dòng người nườm nượp mỗi lúc một đông hơn tụ về, tiếng cười nói, tiếng hát, tiếng nhạc rộn rã.

 

Nghệ nhân Nhân dân Hà Thuấn, xã Tân An (Chiêm Hóa) chia sẻ, ném còn là trò chơi dân gian đã có từ lâu đời, gắn liền với đời sống, sinh hoạt, lao động của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trò chơi này tổ chức vào dịp đầu năm mới khi mà hoa đào, hoa mơ nở rộ, nhà nào cũng thóc lúa đầy bồ. Theo quan niệm xưa, người tung quả còn bay cao vượt qua vòng tròn tượng trưng cho mặt trời sẽ xua đi mọi điều bất hạnh trong năm cũ, thời khắc quả còn đâm thủng vòng còn ấy là khi đất trời giao hòa, tình đất, tình người nở hoa, hứa hẹn một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Nghi lễ do thầy cúng chủ trì trước giờ khai hội, đoàn tế lễ đi vòng quanh cây nêu để làm lễ.

Cũng vì mang theo trong mình lớp ý nghĩa ấy, trò chơi ném còn ngày xuân còn gợi nhắc về tính phồn thực trong tín ngưỡng nguyên thủy, cầu mong giao hoà âm - dương, để vạn vật được sinh sôi, nảy nở. Ông Thuấn cũng cho biết, trong lễ hội, trước khi ném còn bao giờ cũng phải làm lễ trước, người thầy cúng đi vòng quanh cây nêu đọc bài cúng cổ truyền bên tiếng chiêng, tiếng trống, sau nghi lễ ấy thì mới vào hội.

 

Là một người con của mảnh đất Kim Phú (TP Tuyên Quang), bà Bế Thị Định, dân tộc Cao Lan chia sẻ, mối duyên của bà và chồng cách đây 50 năm bắt đầu từ chính lễ hội đình làng Giếng Tanh. Ông bà gặp nhau khi bà bắt được quả còn mà ông tung. Bà bảo, ngày ấy còn đôi mươi, khi đi hội tự dưng thấy có người vẫy tay với mình rồi tung còn, tung rất nhẹ thế là bà bắt được, vậy là thành cái cớ để ông bắt chuyện làm quen. Ông cũng hát rất hay, điệu Sình ca giao duyên ngày ấy chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí của bà. Giờ đây khi đã bước sang tuổi xế chiều nhưng mỗi lần Giếng Tanh mở hội vào mùng 10 tháng Giêng ông bà đều cố gắng tham dự, dù chỉ nhìn thôi cũng cảm thấy lòng mình trẻ lại. Thế mới thấy trò chơi ném còn không chỉ là để có cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai, mà còn là dịp để các đôi nam nữ lấy quả còn tung qua, tung lại, giao duyên. Chàng trai khi để ý và thích cô gái nào thì tung còn cho người mà mình yêu mến, xem đó như là một lời tỏ tình, làm quen đầy ý nhị. Quả còn tượng trưng như vật giao duyên, tác thành cho đôi lứa có tình.

Dù 2 năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà nhiều hội xuân bị hoãn tổ chức, nhưng nhiều gia đình vẫn làm và treo những quả còn để gợi nhớ vị xuân. Chị Nguyễn Hồng Nhung, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) cho biết: “Tôi rất thích những quả còn rực rỡ sắc màu và thường treo chúng vào trong nhà dịp Tết. Quả còn này của một người bạn ở xã Bình An, huyện Lâm Bình làm tặng, chúng tượng trưng cho lời chúc một năm mới no đủ, ấm no, hạnh phúc và đặc biệt nó là tấm lòng, là tình cảm mà bạn tôi gửi gắm cùng lời nhắn Tết này bình an nhé”.

 

Ném còn, dù là xưa hay nay đều là một trò chơi dân gian không thể thiếu và ngày càng được phổ biến rộng rãi hơn vào dịp đầu xuân năm mới. Qua hình ảnh quả còn tung bay trong gió sẽ cảm nhận được một trò chơi dân gian giải trí đầy cuốn hút, chứa đựng những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp, một nét đẹp văn hóa độc đáo ở miền sơn cước xứ Tuyên.