Giáo dục và đào tạo là vấn đề được Đảng ta đặc biệt coi trọng, điều này được khẳng định qua các kỳ Đại hội. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ năm 2011, Đảng ta đã đưa ra quan điểm, định hướng lớn về phát triển giáo dục và đào tạo: “Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu”, thể hiện rõ vai trò, tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo. Thực tiễn cho thấy, bất kỳ một quốc gia nào, muốn phát triển phải bắt nguồn từ nâng cao dân trí và trực tiếp nhất là nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Sau 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh năm 2011, giáo dục và đào tạo của nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Chất lượng từng bước được nâng lên, hệ thống giáo dục quốc dân từng bước được hoàn thiện, mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo tiếp tục được mở rộng ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành học. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, giáo dục, đào tạo vẫn còn không ít những hạn chế về nhận thức và tổ chức thực hiện cần sớm được khắc phục.
Những kết quả và hạn chế trong giáo dục và đào tạo thời gian qua đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chủ trương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo trong thời gian tới. Văn kiện Đại hội XIII của của Đảng đã nêu ra những điểm mới đối với nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, cụ thể là: so với Đại hội XII, tại mục V về giáo dục, đào tạo, tên đề mục đã thay cụm từ “phát triển” bằng cụm từ “nâng cao” chất lượng nguồn nhân lực và thêm cụm từ “phát triển con người”. Điểm mới này trực tiếp đề cập đến giáo dục, đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế, trước đây chỉ mới nhấn mạnh “phát triển nhanh giáo dục và đào tạo”.
Quan điểm chỉ đạo của Đảng tại các kỳ Đại hội trước chỉ đề cập phương hướng chung: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Văn kiện Đại hội XIII yêu cầu xác định rõ mục tiêu của giáo dục, đào tạo trong giai đoạn tới nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức trách nhiệm cao với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc, trong đó “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, trang 136, 137).
Những kết quả đạt được của sự nghiệp giáo dục, đào tạo thời gian qua và những quan điểm, chủ trương mới của Đảng trong thời gian tới đã và đang tạo niềm tin vững chắc đối với toàn xã hội, là tiền đề quan trọng để giáo dục và đào tạo của nước ta phát triển vững chắc hơn trong giai đoạn mới.
Gửi phản hồi
In bài viết