Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm và các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu Tuyên Quang.
Dự tại điểm cầu Tuyên Quang có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Hoàng Việt Phương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ma Thị Thúy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Tuyên Quang; các đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh và một số sở, ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp lần này được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở tổng hợp các nguồn thông tin và đề xuất của các Đoàn đại biểu Quốc hội, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, rà soát phạm vi là chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 và các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đồng thời, xuất phát từ tình hình thực tiễn tạo điều kiện cho tất cả các bộ trưởng, trưởng ngành đều được tham gia trả lời chất vấn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định lựa chọn chất vấn đối với các nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao.
Các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu Tuyên Quang.
Tại phiên chất vấn buổi sáng, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính về các nhóm vấn đề: Công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính; việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng; thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; công tác quản lý giá và việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Các đại biểu tham gia chất vấn, tranh luận đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời làm rõ vai trò, trách nhiệm và giải pháp để hạn chế tiêu cực trong kiểm toán; chấn chỉnh tình trạng hàng hóa cấm trót lọt qua cửa hải quan; ngăn chặn sai phạm trong việc bán sản phẩm nhân thọ thông qua các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng; việc xếp hạng tín nhiệm nhằm tăng cường bảo vệ tài sản của nhà đầu tư; việc giải quyết bồi thường thiệt hại tài sản cho bên thứ ba; tình trạng doanh nghiệp thua lỗ do giá công trình xây dựng giao thông dân dụng thấp; khắc phục tình trạng lợi dụng thời gian thông quan nhanh cho tờ khai luồng xanh để buôn lậu, gian lận thương mại; kiểm soát thị trường vàng và ngoại tệ; nâng cao chất lượng thẩm định giá khung pháp lý cấp phép đào tạo môi giới bảo hiểm; làm rõ điểm mới liên quan đến xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, xổ số; chỉ rõ trách nhiệm của các tổ chức liên quan qua kết quả thanh tra của Bộ Tài chính…
Đồng chí Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy tham gia chất vấn.
Đồng chí Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy tham gia chất vấn với 2 nội dung: Đề nghị Bộ trưởng cập nhật tiến độ cho phép thành lập các quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện và tình hình hoạt động của các quỹ đã được cấp phép. Quan điểm của Bộ trưởng trong lĩnh vực này? Trong bối cảnh trình độ quản lý của các doanh nghiệp còn hạn chế, mức độ rủi ro thị trường tài chính tiền tệ của Việt Nam còn lớn thì liệu có nguy cơ vỡ quỹ gây mất mát toàn bộ tiền của người đầu tư hay không? Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đã có nhiều quy định mới về giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Công tác phối hợp với Bộ Y tế trong việc quản lý giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện như thế nào?
Trả lời chất vấn của đại biểu Ma Thị Thúy, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện có 4 doanh nghiệp tham gia, với 10 quỹ đang hoạt động, Bộ Tài chính đang thẩm định một số hồ sơ xin cấp phép hoạt động Quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện.
Bộ trưởng đồng tình quan điểm của đại biểu Ma Thị Thúy, cần xác định được mức độ rủi ro nếu doanh nghiệp hoặc quỹ bị phá sản sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, cần quản lý từ sớm, từ xa, đặc biệt là quản lý rủi ro trong dài hạn. Bởi đối với thị trường này, thời gian tối đa 99 năm nên sẽ có rủi do khi doanh nghiệp và quỹ không bảo toàn được.
Vì vậy, Bộ Tài chính rất thận trọng vấn đề này. Tham gia Quỹ hưu trí này chủ yếu là cán bộ, người lao động trong hệ thống tham gia. Còn về phía cán bộ bên ngoài và Nhân dân chưa nhiều vì vậy với loại hình quỹ này một mặt khuyến khích, một mặt giám sát để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia Quỹ hưu trí.
Đối với vấn đề liên quan đến công tác quản lý giá dịch vụ khám, chữa bệnh, Bộ Tài chính sẽ tham gia phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế theo quy định của Luật giá, Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, trong quá trình quản lý giá dịch vụ khám, chữa bệnh liên quan đến giá tối đa (trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế) còn giá tối thiểu do Bộ Y tế quyết định.
Với trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Tài chính và các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam... đã tham gia trả lời chất vấn, giải trình thẳng thắn, làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục kịp thời, hiệu quả các yếu kém, hạn chế trước mắt, vừa tạo được chuyển biến thực chất căn cơ lâu dài đối với từng nội dung được chất vấn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành, lĩnh vực quản lý đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước.
Gửi phản hồi
In bài viết