Cuộc khủng hoảng người hồi hương: Gánh nặng nhân đạo với Afghanistan

09:05, 14/07/2025

Với hơn 1,6 triệu người Afghanistan trở về quê hương từ Iran và Pakistan trong năm nay, Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) cảnh báo, quy mô và cường độ của làn sóng hồi hương hàng loạt này đang tạo ra tình trạng khẩn cấp về nhân đạo tại quốc gia Nam Á này, vốn đã chìm trong đói nghèo và bất ổn.

Các gia đình người Afghanistan trở về từ Iran tập trung tại một cửa khẩu biên giới ở tỉnh Herat, Afghanistan. Ảnh: UNHCR
Các gia đình người Afghanistan trở về từ Iran tập trung tại một cửa khẩu biên giới ở tỉnh Herat, Afghanistan. Ảnh: UNHCR

Dòng người hồi hương lớn nhất đến từ Iran, đặc biệt tăng mạnh sau ngày 13-6. Chỉ riêng ngày 1-7, hơn 43.000 người Afghanistan đã trở về từ Iran, gấp 9 lần mức trung bình hằng ngày (tính từ tháng 1 đến tháng 6-2025). Trong khi hơn 150.000 người trở về từ Pakistan vào tháng 4-2025 khi thời hạn trục xuất đã đến.

Thực tế, Iran và Afghanistan đã gắn kết với nhau qua nhiều thế kỷ. Mối quan hệ này khiến việc di cư giữa hai nước trở nên tự nhiên và thường xuyên. Sự hiện diện của các cộng đồng nói tiếng Ba Tư và một biên giới mở từ lâu đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc di cư của người Afghanistan vào Iran với nhiều mục đích khác nhau như để làm việc, tị nạn hay là điểm trung chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu.

Sau năm 1979, Iran bắt đầu coi người di cư từ Afghanistan là nguồn lao động, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng. Xu hướng này càng trở nên sâu sắc hơn sau khi Taliban trở lại nắm quyền vào năm 2021, tạo ra một làn sóng di cư lớn của người Afghanistan. Tuy nhiên, trước tình hình bất ổn địa chính trị bùng phát vào tháng trước, Iran đã ra lệnh cho người di cư Afghanistan rời khỏi đất nước này từ ngày 6-6.

Iran là nơi sinh sống của hơn 6 triệu người Afghanistan, phần lớn trong số họ không có giấy tờ và sống trong điều kiện bấp bênh. Việc đột ngột trục xuất người di cư của Tehran được cho là xuất phát từ những lo ngại về an ninh, nhất là sau xung đột Iran - Israel. Điều này càng làm gia tăng tâm lý bài Afghanistan ở Iran, vốn đã trở nên căng thẳng trong nhiều năm qua. Những áp lực kết hợp này đã dẫn đến hậu quả đáng báo động là 450.000 người Afghanistan bị trục xuất khỏi Iran kể từ đầu tháng 6-2025.

Đằng sau những con số trên là tình trạng khẩn cấp nhân đạo đang gia tăng, gây ra mối lo ngại nghiêm trọng tại quốc gia Nam Á. Afghanistan đã phải vật lộn với đói nghèo dai dẳng và chịu ảnh hưởng của thiên tai, khí hậu nghiêm trọng, đang xếp hạng 181/193 về Chỉ số Phát triển con người của Liên hợp quốc.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã ban hành cảnh báo về tình trạng hạn hán ngày càng trầm trọng trên khắp đất nước, trong khi Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) báo cáo rằng, 70% người dân Afghanistan đã sống ở mức tự cung tự cấp, do sự sụp đổ của các dịch vụ công và tình trạng vi phạm nhân quyền đang khiến hàng triệu người rơi vào cảnh tuyệt vọng.

Đất nước này đơn giản là không đủ khả năng tiếp nhận số lượng người hồi hương lớn như vậy. Do vậy, dù trở về quê hương nhưng họ không có nhà cửa, phải chịu nạn đói cùng cực và nhiều người bị kiệt sức vì nắng nóng.

Đại diện UNHCR tại Afghanistan Arafat Jamal lưu ý rằng, "tình trạng bấp bênh chồng chất nghèo đói" có nguy cơ gây ra các hình thái căng thẳng xã hội mới.

Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đã kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp 30 triệu USD để giúp những người hồi hương tại các cửa khẩu biên giới như Islam Qala và các trung tâm trung chuyển. Tuy nhiên, cho đến nay, mới có 10% số tiền kêu gọi được tài trợ, buộc các cơ quan viện trợ phải đưa ra những lựa chọn khó khăn.

Afghanistan, đang đối mặt với những thách thức kinh tế và nhân đạo sâu sắc khi không đủ khả năng tiếp nhận số lượng người hồi hương lớn như vậy.

“Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục diễn ra, Afghanistan có thể phải tiếp nhận hơn 3 triệu người hồi hương vào cuối năm 2025. Cộng đồng quốc tế không được phép quay lưng lại với người dân Afghanistan”, Giám đốc quốc gia của Hội đồng tị nạn Na Uy (NRC) tại Afghanistan Jacopo Caridi nhận định.

Người hồi hương không còn là vấn đề song phương giữa Iran và Afghanistan, mà là một cuộc khủng hoảng khu vực đòi hỏi sự phối hợp hành động từ các nước vùng Vịnh, các quốc gia Trung Á và các tổ chức nhân đạo toàn cầu.

Hơn lúc nào hết, việc viện trợ nhân đạo cũng như các hỗ trợ cơ bản như lương thực, chỗ ở, y tế nhằm giảm bớt gánh nặng cho người dân và chính quyền Afghanistan cần được tăng cường với hiệu quả cao nhất, qua đó bảo đảm sự ổn định cho một khu vực vốn đã chịu căng thẳng leo thang trên nhiều lĩnh vực.

Theo Nhân Dân điện tử


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Động lực mạnh mẽ để ASEAN củng cố vai trò trung tâm và thúc đẩy thương mại đa phương
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 (AMM-58) diễn ra ở Kuala Lumpur, Malaysia ra thông cáo chung, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của một hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, có thể dự đoán trước, minh bạch, toàn diện, tự do, công bằng và bền vững, với Tổ chức Thương mại thế giới đóng vai trò cốt lõi.
14/07/2025
Thỏa thuận thành lập Nhà nước New Caledonia
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo đã ký kết thỏa thuận lịch sử về cơ cấu thể chế của vùng lãnh thổ hải ngoại New Caledonia, qua đó thành lập một nhà nước mới ngay trong Cộng hòa (CH) Pháp.
14/07/2025
Liên minh châu Phi thúc đẩy hợp tác khu vực, đẩy nhanh thực hiện Chương trình nghị sự 2063
Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Mahmoud Ali Youssouf ngày 13/7 đã triệu tập cuộc họp điều phối cấp cao với lãnh đạo các Cộng đồng Kinh tế Khu vực (CER) và Cơ chế Khu vực (MR) bên lề Hội nghị điều phối giữa kỳ lần thứ VII của AU đang diễn ra tại thủ đô Malabo, Guinea Xích đạo.
14/07/2025
Đức phản đối kế hoạch di dời người dân Gaza đến trại tập trung
Thủ tướng Đức Friedrich Merz đã phản đối kế hoạch của Israel về việc di dời người Palestine đến một địa điểm tập trung được xây dựng tại thành phố Rafah phía Nam Gaza.
14/07/2025