Hội nghị Thượng đỉnh EU - Trung Quốc: Tìm tiếng nói chung để thúc đẩy hợp tác

22:04, 26/07/2025

Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 25 giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc vừa diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), đánh dấu cột mốc 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai chủ thể có ảnh hưởng sâu rộng trong cấu trúc địa chính trị - kinh tế toàn cầu.

Thời điểm hiện tại, Trung Quốc - EU đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm việc "an ninh hóa" quan hệ kinh tế song phương, mất cân bằng thương mại... Do đó, một mối quan hệ tốt đẹp không chỉ quan trọng đối với cả hai bên mà còn có lợi cho sự ổn định và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế.

Quang cảnh cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa tại Bắc Kinh, ngày 24-7. Ảnh: Xinhua
Quang cảnh cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa tại Bắc Kinh, ngày 24-7. Ảnh: Xinhua

Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa tại Bắc Kinh trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - EU.

Tại cuộc gặp, nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh: “Tình hình quốc tế ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, Trung Quốc và EU cần tăng cường liên lạc, củng cố sự tin cậy lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác”.

Ông Tập Cận Bình đưa ra 3 đề xuất cho phát triển quan hệ Trung Quốc - EU trong tương lai, bao gồm: Kiên trì tôn trọng lẫn nhau; cởi mở hợp tác và xử lý đúng đắn những khác biệt, mâu thuẫn; thực hành chủ nghĩa đa phương, duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Trong khi đó, bà Ursula von der Leyen cho rằng, quan hệ giữa EU và Trung Quốc đang đứng trước "bước ngoặt", hợp tác ngày càng mở rộng song cũng phát sinh những mất cân đối. Chủ tịch EC nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hai bên nhìn nhận những mối quan tâm chung và cùng tìm giải pháp hiệu quả. Bà Ursula von der Leyen cũng bày tỏ quan ngại khi thâm hụt thương mại của EU với Trung Quốc tăng lên mức kỷ lục 305,8 tỷ euro (360 tỷ USD) vào năm ngoái.

Quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu đang phải đối mặt với những thách thức không thể phủ nhận, đó là sự khác biệt về mất cân bằng thương mại và căng thẳng địa chính trị. Trong khi các quan chức EU liên tục bày tỏ lo ngại về cái gọi là hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc đang tràn ngập thị trường châu Âu, Bắc Kinh đã có nhiều động thái siết chặt chuỗi cung ứng đất hiếm và tiếp tục ủng hộ Nga trong cuộc chiến ở Ukraine. Mặt khác, Bắc Kinh phản ứng gay gắt trước động thái tăng thuế đối với xe điện của EU cũng như việc tiến hành một loạt cuộc điều tra thương mại.

Ngay sau khi EU tuyên bố cấm các công ty Trung Quốc tham gia đấu thầu công khai các thiết bị y tế có giá trị vượt quá một hạn mức nhất định, Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách hạn chế việc Chính phủ mua các thiết bị do châu Âu sản xuất...

Tuy nhiên, những khác biệt này không thể làm lu mờ tiềm năng to lớn mà hợp tác Trung Quốc - EU mang lại cho tương lai ổn định và thịnh vượng toàn cầu. Theo Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc và EU đều được coi là "những người lớn" trong cộng đồng quốc tế, do đó hai bên nên duy trì mối quan hệ song phương phát triển đúng hướng và cùng nhau đưa mối quan hệ này tiến tới tương lai tươi sáng hơn trong 50 năm tới.

Trung Quốc và EU có nền kinh tế đan xen, ảnh hưởng chung trong các vấn đề quốc tế và có trách nhiệm chung trong quản trị toàn cầu, do vậy, mối quan hệ đối tác trở nên thiết yếu đối với trật tự quốc tế. Bất chấp những lo ngại của một số nước phương Tây về vấn đề tiếp cận thị trường và "mất cân bằng thương mại", thương mại song phương Trung Quốc - EU đã tăng từ 2,4 tỷ USD lên 780 tỷ USD trong 5 thập niên vừa qua. Điều này nhấn mạnh sự phụ thuộc kinh tế sâu sắc mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Sự phát triển mạnh mẽ về thương mại của Trung Quốc - EU được minh họa rõ nét qua dịch vụ tàu chở hàng. Năm ngoái, chuyến tàu chở hàng thứ 100.000 giữa Trung Quốc và châu Âu đã đến Duisburg, Đức, cho thấy tầm quan trọng, độ bền vững và tác động ngày càng tăng của tuyến kết nối xuyên lục địa này.

Ngoài hợp tác kinh tế, thương mại, Trung Quốc và EU còn chia sẻ những lợi ích chung trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu. Biến đổi khí hậu, y tế công cộng và đổi mới công nghệ là những lĩnh vực mà sự hợp tác giữa hai bên không chỉ mang lại lợi ích hữu hình mà còn thể hiện vai trò lãnh đạo trong cộng đồng quốc tế.

Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ leo thang và sự dịch chuyển các liên minh, quan hệ đối tác Trung Quốc - EU mang lại ổn định, cân bằng các động lực kinh tế và chiến lược toàn cầu. Bất chấp mối quan hệ đang bị thử thách bởi bất ổn gia tăng, hội nghị thượng đỉnh vừa qua đã thể hiện cam kết vững chắc từ cả Bắc Kinh và Brussels: Kiên trì đối thoại, tìm kiếm tiếng nói chung để thúc đẩy hợp tác.


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Trung Quốc ban hành cảnh báo lũ lụt khẩn cấp tại 5 tỉnh
Ngày 25-7, theo Anadolu, Trung Quốc đã kích hoạt phản ứng khẩn cấp ở mức cao nhất đối với tình trạng lũ lụt tại 5 tỉnh trước khi bão Francisco dự kiến đổ bộ.
26/07/2025
Ukraine gia hạn tình trạng thiết quân luật và lệnh tổng động viên
Ngày 25/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký ban hành luật gia hạn tình trạng thiết quân luật và lệnh tổng động viên thêm 90 ngày, đến ngày 5/11 tới.
26/07/2025
Thái Lan ủng hộ đàm phán song phương trong giải quyết xung đột với Campuchia
Ngày 25/7, Thái Lan cho biết nước này ủng hộ đàm phán song phương trong việc giải quyết xung đột quân sự. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh giao tranh dọc biên giới tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia tiếp diễn sang ngày thứ hai.
26/07/2025
Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Anh để đàm phán thương mại với EU
Ngày 26-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến Scotland (Anh) để chơi golf và đàm phán song phương trong bối cảnh có nhiều thông tin cho rằng, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sắp đạt được thỏa thuận thương mại.
26/07/2025