Tổng thống Mỹ ban hành đạo luật tiền số GENIUS: Bước ngoặt lịch sử cho tiền điện tử

07:40, 21/07/2025

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành Đạo luật Hướng dẫn và Thiết lập đổi mới quốc gia trong sử dụng stablecoin (GENIUS) được các nhà quan sát đánh giá là đã mở đường cho tài sản số được phổ cập trong thanh toán và chuyển tiền tại Mỹ, đồng thời khẳng định vị thế đi đầu của Xứ Cờ hoa trong lĩnh vực tài chính kỹ thuật số.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và sắc lệnh ban hành đạo luật GENIUS mới. Ảnh: Aletihad
Tổng thống Mỹ Donald Trump và sắc lệnh ban hành đạo luật GENIUS mới. Ảnh: Aletihad

Đạo luật mới nhằm tới việc quản lý các loại tiền số duy trì giá trị ổn định (stablecoin), tức tiền điện tử được gắn với một tài sản cố định như đồng tiền pháp định (USD, euro...), vàng hoặc tài sản khác.

Trên thực tế, trước khi GENIUS được ban hành, stablecoin đã được sử dụng rộng rãi, thường với tỷ lệ 1 đồng stablecoin = 1 USD. Theo Ngân hàng Standard Chartered, thị trường stablecoin được định giá hơn 260 tỷ USD và có thể đạt 2.000 tỷ USD năm 2028.

Trong bối cảnh đó, GENIUS quy định mọi stablecoin phát hành tại Mỹ phải được bảo đảm bằng tài sản dự trữ theo tỷ lệ 1:1. Các đơn vị phát hành cần công bố danh mục tài sản bảo đảm hằng tháng, đồng thời thực hiện kiểm toán định kỳ nếu quy mô đạt mức vốn hóa lớn. Một điểm đặc biệt là GENIUS cho phép doanh nghiệp phát hành xin cấp phép từ chính quyền bang hoặc liên bang, đồng thời chịu giám sát chéo nhằm bảo đảm tính minh bạch và an toàn hệ thống. Đạo luật cũng giao quyền cho Ủy ban Giao dịch Hàng hóa tương lai (CFTC) giám sát phát hành và vận hành stablecoin.

Người sở hữu các loại stablecoin sẽ được bồi thường nếu đơn vị phát hành phá sản - một điểm tiến bộ về quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, GENIUS không cho phép stablecoin được tính lãi suất và cũng không yêu cầu bảo hiểm như tài khoản ngân hàng truyền thống, nhằm giữ sự tách biệt rõ ràng giữa tiền điện tử và các sản phẩm tài chính truyền thống.

Giới quan sát cho rằng, việc ban hành GENIUS là cột mốc mở đường cho việc phổ cập tài sản số trong thanh toán và chuyển tiền tại Mỹ. Theo Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, đạo luật cũng đặt nền móng để Mỹ trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực tài chính kỹ thuật số. Việc GENIUS yêu cầu dự trữ bằng tài sản an toàn như trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng thúc đẩy nhu cầu mua USD và công cụ nợ của Chính phủ Mỹ, đồng nghĩa với vai trò của USD trong thanh toán toàn cầu được củng cố. Các doanh nghiệp tiền số còn cho rằng, đạo luật này sẽ nâng cao độ tin cậy của stablecoin, khuyến khích các ngân hàng, nhà bán lẻ và người tiêu dùng sử dụng chúng để chuyển tiền.

Nhìn xa hơn, GENIUS có thể thúc đẩy stablecoin trở thành một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái thương mại điện tử, chuyển tiền quốc tế, tài chính phi tập trung (DeFi) và thậm chí là chi tiêu công. Nếu được mở rộng phạm vi và tích hợp bảo hiểm, stablecoin có thể trở thành “ngân hàng trong túi” cho hàng triệu người không tiếp cận dịch vụ tài chính truyền thống. Với chính sách dự trữ nghiêm ngặt, GENIUS cũng có thể tạo ra một chuẩn mực mới cho stablecoin toàn cầu - minh bạch, ổn định và ít rủi ro hơn.

Tuy vậy, đạo luật này cũng gây tranh cãi. Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren chỉ trích đạo luật thiếu cơ chế bảo vệ người tiêu dùng vì chưa bắt buộc bảo hiểm tiền gửi như ngân hàng truyền thống. Do đó, người dùng có thể chịu rủi ro mất trắng nếu đơn vị phát hành stablecoin sụp đổ. Mặt khác, đạo luật chưa quy định rõ ràng về cách thức xử lý trong các vụ lừa đảo tài chính, gian lận hay thất thoát. Các nhà lập pháp cũng lo ngại về khả năng xung đột lợi ích, liên quan tới các cá nhân hay tổ chức sở hữu cổ phần tại công ty phát hành stablecoin mới. Một số ý kiến cho rằng, cần cấm các hãng công nghệ lớn phát hành stablecoin, đồng thời siết quy định về chống rửa tiền và cấm các tổ chức ở nước ngoài phát hành stablecoin tại Mỹ.

Cũng có nhiều lo ngại GENIUS sẽ tạo ra sự phân mảnh trong nỗ lực hướng tới một chuẩn chung toàn cầu về stablecoin, khi Washington chủ động xây dựng quy định riêng. Nguy cơ này gia tăng trong bối cảnh các tập đoàn lớn như Amazon, Walmart... cũng như các công ty tài chính như PayPal và Stripe đang tìm cách phát hành stablecoin riêng. Sự phát triển của stablecoin còn đe dọa đến doanh thu của các hệ thống thanh toán như Visa và Mastercard. Ngân hàng thương mại có thể giảm lượng tiền gửi truyền thống nếu stablecoin trở thành phương tiện lưu giữ tài sản an toàn.

Nhìn chung, GENIUS không chỉ là một đạo luật kỹ thuật về tiền điện tử mà còn là một tuyên bố chiến lược của Mỹ về vai trò dẫn dắt trong kỷ nguyên tài chính số. Tuy nhiên, đạo luật cũng đặt ra những thách thức về bảo mật, quyền riêng tư và vai trò của Nhà nước trong điều tiết tài sản kỹ thuật số, đòi hỏi tiếp tục có những đánh giá, điều chỉnh phù hợp.

Theo Hà Nội Mới


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hơn 200 người thiệt mạng, 560 người bị thương khi mưa liên tục đổ xuống Pakistan
Hơn 200 người đã thiệt mạng, trong đó có gần 100 trẻ em, kể từ khi mưa gió mùa bắt đầu tại Pakistan vào cuối tháng 6, tờ Tribune India trích dẫn báo cáo của Cơ quan Quản lý Thảm họa quốc gia Pakistan (NDMA) ngày 20-7 cho biết.
20/07/2025
Gần 20 người thiệt mạng và mất tích do lũ lụt tại Hàn Quốc
Ngày 20-7, Chính phủ Hàn Quốc cho biết, đã có 10 người thiệt mạng và 9 người mất tích trong các trận mưa lớn và lở đất xảy ra trên khắp đất nước 4 ngày qua.
20/07/2025
Căng thẳng tại Trung Đông: Liên hợp quốc kêu gọi điều tra về bạo lực ở Syria
Ngày 18/7, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk đã kêu gọi chính quyền lâm thời Syria nhanh chóng điều tra về tình trạng bạo lực tại thành phố Suweida, miền nam nước này, được cho là đã khiến gần 600 người thiệt mạng.
19/07/2025
Cuba quyết liệt cải cách nền kinh tế
Trong kỳ họp thường kỳ thứ 5 Quốc hội khóa X, Chính phủ Cuba công bố hàng loạt biện pháp ứng phó cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.
19/07/2025