Nhiều công dân nước ngoài rời Li-bi

09:42, 24/02/2011

Tình hình ở Li-bi vẫn tiếp tục căng thẳng sau tuyên bố không từ chức và sẽ không rời khỏi đất nước của nhà lãnh đạo Mô-a-mơ Ca-đa-phi (Muammar Gaddafi). Trước đó, trong bài phát biểu trên truyền hình tối 22-2 (giờ địa phương) dài hơn một giờ, ông Ca-đa-phi cáo buộc những người biểu tình chống chính phủ đã gây bất ổn và kêu gọi người dân xuống đường vào ngày 23-2 để bày tỏ sự ủng hộ đối với ông.


Ông Ca-đa-phi cũng bác bỏ các cáo buộc cho rằng, chính phủ đã ra lệnh cho lực lượng an ninh giết hại người biểu tình trong tuần qua và khẳng định cho đến thời điểm này, chính phủ vẫn chưa dùng vũ lực. Tuy nhiên, ông cảnh báo sẽ có hành động cứng rắn với người biểu tình nếu tình hình xấu thêm, song sẽ thực hiện "trong khuôn khổ luật pháp quốc tế và Hiến pháp Li-bi".

Ngay sau bài phát biểu của nhà lãnh đạo Li-bi, lực lượng quân đội trung thành với nhà lãnh đạo Ca-đa-phi đã được tăng cường ở thủ đô Tri-pô-li. Người dân thành phố không dám ra  đường để tránh tai họa có thể xảy ra. Trong khi đó, phe đối lập chống chính phủ tuyên bố giành quyền kiểm soát nhiều thành phố khác của Li-bi. Theo AP, trong một đoạn băng vi-đê-ô do phe đối lập tung lên mạng internet ngày 23-2 cho biết, hàng nghìn người vẫn tiến hành biểu tình ở ngoại ô thủ đô Tri-pô-li để phản đối bài phát biểu của ông Ca-đa-phi.

Một phụ nữ Nga từ Tri-pô-li trở về Mát-xcơ-va. Ảnh: Roi-tơ

Bạo lực leo thang ở Li-bi trong 9 ngày qua đã khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương. Kênh truyền hình quốc gia Li-bi dẫn nguồn tin từ Ủy ban An ninh quốc gia cho biết, khoảng 300 người, trong đó có 111 binh sĩ và 189 dân thường, đã thiệt mạng trong các vụ bạo loạn ở Li-bi tuần qua.

Trong bối cảnh tình hình Li-bi diễn biến căng thẳng, Pê-ru đã trở thành quốc gia đầu tiên tuyên bố đình chỉ mọi quan hệ ngoại giao với nước này. Trong khi đó, Liên đoàn A-rập (AL) đã đình chỉ sự tham gia của Li-bi vào các cuộc họp trong tương lai của liên đoàn cũng như các tổ chức và thể chế liên quan đến AL. Trong tuyên bố đưa ra sau cuộc họp các phái đoàn thường trực của các nước thành viên, AL kêu gọi chính quyền Li-bi tiến hành đối thoại dân tộc và đáp ứng những yêu cầu chính đáng của người dân. Liên minh châu Âu (EU) cũng đang thảo luận các biện pháp trừng phạt giới lãnh đạo Li-bi. Đề xuất được đưa ra là áp dụng lệnh cấm nhập cảnh cũng như phong tỏa tài sản đối với ông Ca-đa-phi và các nhân vật thân cận; hoặc đình chỉ tiến trình thương lượng bắt đầu từ năm 2008 giữa Li-bi và EU nhằm thiết lập mối quan hệ đối tác đặc biệt giữa hai bên. Tuy nhiên, dự định trừng phạt đang vấp phải sự phản đối của một số nước, đặc biệt là I-ta-li-a và Man-ta.

Trước cuộc khủng hoảng tại Li-bi, các nước châu Á đang xem xét sử dụng tàu thủy, máy bay và các lộ trình đường bộ tới Ai Cập để sơ tán an toàn cho công dân. Đa phần người châu Á bị mắc kẹt ở Li-bi là công nhân Băng-la Đét, Phi-líp-pin, Thái Lan,  Ấn Độ và Việt Nam. Trung Quốc đã có kế hoạch sơ tán khoảng 30.000 công dân nước này, trong đó rất nhiều người là kỹ sư làm việc trong những dự án đầu tư về dầu lửa, đường sắt và viễn thông. Tân Hoa xã đưa tin, một máy bay chở khách của hãng hàng không Air China rời Bắc Kinh sáng 23-2 để tới thủ đô A-ten của Hy Lạp do các sân bay tại Li-bi đóng cửa. Trong khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ai Cập cho biết, 43 công dân Trung Quốc cũng rời Li-bi qua Ai Cập trở về Bắc Kinh tối 23-2. Cùng ngày, Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga đã đưa 118 công dân Nga rời khỏi Li-bi trở về Mát-xcơ-va an toàn.

* Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) thuộc Bộ Lao Động-Thương binh và Xã hội, trước những diễn biến phức tạp ở Li-bi, chiều 22-2, Cục QLLĐNN đã tổ chức cuộc họp với đại diện các doanh nghiệp có lao động đang làm việc tại Li-bi, Cục Lãnh sự và Vụ Tây Á-châu Phi (Bộ Ngoại giao) để bàn biện pháp xử lý nhằm bảo đảm an toàn và đời sống cho người lao động Việt Nam tại Li-bi. Cuộc họp đã thảo luận các giải pháp nhằm đối phó với tình huống xấu có thể xảy ra và trình các cấp có thẩm quyền để triển khai khi cần thiết, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp có lao động tại Li-bi tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đối tác.

Theo báo cáo của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Li-bi và báo cáo nhanh của các doanh nghiệp có lao động đang làm việc tại Li-bi, trong số lao động Việt Nam đang làm việc tại Li-bi, có khoảng 2000 người đang làm việc tại Ben-ga-di - thành phố xảy ra bạo động lớn, số còn lại đang làm việc tại thủ đô Tri-pô-li và các vùng lân cận. Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các công trường đều đã tạm ngừng hoạt động. Lao động ta đã được chủ sử dụng yêu cầu ở trong trại hoặc sơ tán đến nơi an toàn và cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm.

Ngay sau khi nhận được thông tin về các cuộc biểu tình tại Li-bi, ngày 18-2, Cục QLLĐNN đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Li-bi theo dõi sát tình hình, nếu có ảnh hưởng đến tính mạng, công việc, thu nhập của lao động Việt Nam, phải báo cáo kịp thời Ban Quản lý lao động, Đại sứ quán ta tại Li-bi để được hướng dẫn và hỗ trợ xử lý; Khuyến cáo người lao động tránh những địa điểm có biểu tình, tránh tụ tập nơi đông người. Cục QLLĐNN cũng chỉ đạo các doanh nghiệp không đưa lao động mới sang Li-bi.

Cục QLLĐNN cho biết hiện có 10 doanh nghiệp xuất khẩu lao động đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Li-bi trong các công trình xây dựng. Các công ty Việt Nam có số lượng lao động lớn làm việc tại Li-bi đều có đại diện và hệ thống điều phối viên, phiên dịch nên kịp thời xử lý các vụ việc phát sinh liên quan đến lao động ta.


qdnd

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

ASEAN thảo luận về xung đột trên biên giới Cam-pu-chia - Thái Lan
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không chính thức đã được tổ chức vào ngày 22-2 tại Gia-các-ta, In-đô-nê-xi-a, nước Chủ tịch đương nhiệm của ASEAN, để thảo luận về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có các vụ xung đột biên giới gần đây giữa Cam-pu-chia và Thái Lan. Thừa ủy quyền của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, Trợ lý Bộ trưởng
23/02/2011
Ngành truyền thống: Dồi dào việc làm nhưng ít thí sinh thi
Hiện nay, nhiều thí sinh chọn vào học ngành được gọi là “nóng” như kinh tế, ngân hàng, tài chính… mà lãng quên ngành truyền thống Nông - Lâm - Ngư, trong khi đó ngành này đang rất hiếm nhân lực.
22/02/2011
Mỹ sẽ đánh đòn phủ đầu Triều Tiên?
Kế hoạch đánh phủ đầu mang bí số Oplan 8010-08 do Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ (Stracom) phác thảo được coi là nhằm đối phó với việc Triều Tiên chuẩn bị thử hạt nhân lần thứ 3.
22/02/2011
Điểm ưu tiên khu vực được tính như thế nào?
Điểm chuẩn năm trước giảm thì năm nay sẽ tăng? Sinh viên thi lại ĐH thì có cần xin phép ban giám hiệu nhà trường? Ngành kinh tế học sau khi tốt nghiệp sẽ làm gì? Quy định về chuyển trường ĐH? Có đủ điều kiện dự thi cao học?...
21/02/2011