“Mỹ đã trở lại châu Á”
Sự hợp tác Mỹ - ASEAN được đánh giá sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình an ninh và hợp tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Kết thúc Hội nghị APEC ở Hawaii và sau chuyến thăm đến Australia, Tổng thống Mỹ Obama đến đảo Bali (Indonesia) để tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ tham dự Hội nghị này và việc Mỹ quyết định tham gia cho thấy một chương mới trong quan hệ Mỹ - ASEAN đã được mở ra.
Hội nghị Cấp cao Đông Á là một Diễn đàn đối thoại về các vấn đề chiến lược, kinh tế và chính trị bao gồm 10 nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và Ấn Độ.
Chính sách đối ngoại của Mỹ bắt đầu thay đổi kể từ khi Tổng thống Obama lên nắm quyền. Liên tục trong hơn 2 năm trở lại đây, ông Obama, Ngoại trưởng Hillary, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates và nay là ông Leon Panetta thường xuyên khẳng định rằng: “Mỹ đã trở lại châu Á”.
Song song với việc đưa ra tuyên bố trên, Mỹ đã tổ chức các cuộc họp cấp cao với các nhà lãnh đạo ASEAN bên lề Hội nghị Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và bên lề Cuộc họp Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc vào các năm 2009 và 2010. Chính quyền Tổng thống Obama cũng ra sắc lệnh tham gia vào Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác của ASEAN (TAC) vào tháng 7/2009.
Năm 2010 tại Hà Nội, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng với tư cách là Chủ tịch Hội nghị Đông Á 5, đã thông báo quyết định của lãnh đạo Cấp cao Đông Á mời Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 6/2011 tại Indonesia. Các nước ASEAN đều nhất trí rằng, việc mời Mỹ và Nga tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á sẽ làm tăng thêm giá trị, tầm quan trọng và ảnh hưởng của khối. Nó phản ánh mong muốn của ASEAN là hợp tác với các cường quốc một cách hòa bình.
Cũng tại Hội nghị Đông Á 5, Ngoại trưởng Mỹ Hillary đã tuyên bố với các nước ASEAN rằng, Tổng thống Mỹ mong muốn tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Indonesia năm 2011.
Theo đánh giá của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm, việc quyết định mở rộng thành viên của Cấp cao Đông Á, thêm Nga và Mỹ là một quyết sách có ý nghĩa chiến lược của ASEAN trong việc đưa Hội nghị Đông Á trở thành một Diễn đàn hợp tác có tầm mức cao hơn và quy mô rộng lớn hơn ở khu vực. ASEAN giữ vai trò chủ đạo và là hạt nhân gắn kết và hài hòa các lợi ích và nhu cầu hợp tác đan xen ở khu vực, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy hợp tác cùng phát triển vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Quyết định của Tổng thống Obama tham dự vào Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á năm nay là một phần nằm trong định hướng chính sách đối ngoại của Mỹ đối với một tổ chức khu vực đa phương. Sự thay đổi trong chính sách đối ngoại phản ánh một nỗ lực của Mỹ nhằm can dự mạnh mẽ vào khu vực Đông Nam Á và Mỹ cũng nắm lấy cơ hội để thay đổi quan điểm rằng: Mỹ không còn quan tâm hay bỏ quên khu vực này.
Với dân số 580 triệu người, GDP khoảng 1.500 tỷ USD, các nền kinh tế tăng trưởng ổn định và kim ngạch thương mại cao, ASEAN đang là một trong những định chế lớn nhất thế giới. Việc Mỹ quyết định tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 6 này được đánh giá là mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Mỹ và ASEAN và sự hợp tác này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình an ninh và hợp tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương./.
Ý kiến bạn đọc