Thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Áp-ga-ni-xtan

Cơ sở để Mỹ duy trì ảnh hưởng ở Áp-ga-ni-xtan

08:06, 26/04/2012

Theo bản dự thảo thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược sau năm 2014 mà các quan chức Mỹ và Áp-ga-ni-xtan mới đạt được cách đây vài ngày, Mỹ cam kết sẽ hỗ trợ quân sự và tài chính cho Áp-ga-ni-xtan trong ít nhất một thập kỷ kể từ năm 2014, thời điểm các lực lượng nước ngoài rút quân khỏi quốc gia Nam Á này. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy, Mỹ sẽ không khoan dung đối với mạng lưới Al-Qaeda.


Lính Mỹ và Áp-ga-ni-xtan tại một căn cứ quân sự ở Can-đa-ha, phía nam Ca-bun. Ảnh: AP

Văn kiện trên đã được Đại sứ Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan Rai-ân Crốc-cơ (Ryan Croker) và Cố vấn An ninh quốc gia Áp-ga-ni-xtan Ran-gin Xpan-ta (Rangin Spanta) ký tắt tại thủ đô Ca-bun. Thỏa thuận sẽ được trình lên Tổng thống hai nước xem xét và Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) có thể ký phê chuẩn trước thềm hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra tại Mỹ vào cuối tháng 5 tới, trước hạn chót mà hai bên đã đặt ra. Trước đó, giới quan sát đã bày tỏ lo ngại hai bên sẽ không đạt được thỏa thuận trước thời hạn vì tiến độ thương lượng tiến triển chậm và phía chính quyền Áp-ga-ni-xtan tiếp tục có các đòi hỏi mới.

Cùng với việc ký được hiệp ước này, Ca-bun cũng đã đạt được hai điều kiện tiên quyết, theo đó, Áp-ga-ni-xtan sẽ kiểm soát hoàn toàn nhà tù Ba-gram do Mỹ điều hành cũng như nắm quyền chỉ huy các cuộc đột kích ban đêm của lực lượng đặc nhiệm nhằm vào phiến quân Ta-li-ban tại quốc gia Hồi giáo này. Phát biểu trước báo giới tại Ca-bun, Đại sứ Mỹ Crốc-cơ khẳng định thỏa thuận sẽ giúp củng cố chủ quyền, sự ổn định và thịnh vượng của Áp-ga-ni-xtan cũng như góp phần vào mục tiêu chung của hai nước trong cuộc chiến chống khủng bố nói chung và mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda nói riêng.

Các nhà quan sát đánh giá rằng, thỏa thuận đối tác chiến lược này là mấu chốt trong chiến lược rút quân của Mỹ khỏi Áp-ga-ni-xtan với những điều khoản quan trọng về các lực lượng Mỹ còn ở lại sau thời hạn rút quân cũng như hỗ trợ về tài chính cho Áp-ga-ni-xtan và các lực lượng an ninh của nước này. An-đriu Ê-xăm (Andrew Exum), chuyên gia cấp cao của Trung tâm An ninh nước Mỹ tại Oa-sinh-tơn nhận xét, Mỹ và chính phủ Áp-ga-ni-xtan đã có thể tìm ra tiếng nói chung đủ để đạt được thỏa thuận về những vấn đề gai góc như nhà tù Ba-gram, và cái gọi là các cuộc đột kích ban đêm... “Đây thực sự là thành tích ngoại giao của chính quyền Ô-ba-ma”, ông An-đriu nói.

Thực tế cho thấy, từ đầu năm nay, quan hệ giữa Mỹ và Áp-ga-ni-xtan khá căng thẳng sau khi một đoạn phim được công bố cho thấy các lính thủy đánh bộ Mỹ có hành vi xúc phạm những người đã chết được cho là các phần tử Ta-li-ban. Tiếp đó, vụ đốt kinh Cô-ran tại một căn cứ của Mỹ cùng việc một binh sĩ Mỹ xả súng bừa bãi vào người dân Áp-ga-ni-xtan đã dẫn đến các cuộc biểu tình bạo lực leo thang. Do đó, giới quan sát đánh giá thỏa thuận trên được xem là một thành tích cho cả Mỹ và Áp-ga-ni-xtan sau nhiều tháng đầy biến động đe dọa mối quan hệ giữa hai nước, đồng thời cũng cho thấy hai chính phủ vẫn cam kết hợp tác với nhau và có thể đạt được sự hiểu biết chung.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thỏa thuận này vẫn còn "nặng về hình thức, nhẹ về nội dung", bởi lẽ nó không đề cập tới những chi tiết như Mỹ sẽ tài trợ bao nhiêu để hỗ trợ cho lực lượng an ninh Áp-ga-ni-xtan, hay số lượng quân Mỹ ở lại nước này sau thời hạn chót rút quân... Trong khi đó, phía Áp-ga-ni-xtan tuyên bố đồng ý với bất kỳ chiến dịch quân sự nào của Mỹ sau năm 2014 nhưng không cho phép quân Mỹ dùng lãnh thổ Áp-ga-ni-xtan để tấn công các nước khác như nước láng giềng Pa-ki-xtan - nơi có nhiều căn cứ của Ta-li-ban, Al-Qaeda và các nhóm phiến quân có liên quan tới Al-Qaeda.

Mặc dù được cho là "nhẹ về nội dung", nhưng thỏa thuận đối tác này là cơ sở cho mối quan hệ dài hạn giữa hai nước. Thỏa thuận này là lời khẳng định với người dân Áp-ga-ni-xtan, rằng Mỹ sẽ không bỏ rơi họ, đồng thời phát đi thông điệp mạnh mẽ tới phiến quân Ta-li-ban, rằng Mỹ sẽ vẫn ở Áp-ga-ni-xtan để hỗ trợ cho lực lượng an ninh non trẻ của Áp-ga-ni-xtan. Điều quan trọng hơn, thỏa thuận này là lời nhắc nhở đối với những nước láng giềng của Áp-ga-ni-xtan như Pa-ki-xtan rằng, họ phải tích cực hơn trong việc tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến chống Ta-li-ban đã bước sang năm thứ 11.


qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

EU áp đặt trừng phạt mới đối với Syria
Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí áp đặt biện pháp trừng phạt mới đối với chính quyền Syria, theo đó là siết chặt việc xuất nhập khẩu những thiết bị hỗ trợ chính quyền Syria trong cuộc xung đột.
25/04/2012
Ghi nhận ngày cuối nộp hồ sơ ĐH, CĐ theo tuyến trường
Ghi nhận của phóng viên cuối giờ chiều nay (23/4) – thời điểm kết thúc nhận hồ sơ ĐKDT tại các trường ĐH, CĐ – tại nhiều trường ĐH lớn, lượng hồ sơ thu được không biến động nhiều so với năm trước, nhưng tại một số địa phương, lượng hồ sơ năm nay giảm mạnh.
24/04/2012
Tổng thống Xác -cô-di đối mặt với ứng viên ô -lăng-đơ tại vòng 2
Đúng như dự đoán, ứng cử viên Phrăng -xoa ô -lăng-đơ (Franỗois Hollande) của Đảng Xã hội và Tổng thống đương nhiệm Ni -cô-la Xác -cô-di (Nicolas Sarkozy) đã bỏ xa 8 ứng cử viên còn lại và sẽ đối mặt nhau tại vòng hai cuộc bầu cử vào ngày 6-5 tới.
24/04/2012
Kế hoạch B của Mỹ cho I-ran
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lê-ôn Pa-nét-ta vừa có cuộc trả lời phỏng vấn trên CNN, trong đó xác nhận Mỹ đã chuẩn bị kế hoạch B để đối phó với I-ran nếu nước này không từ bỏ chương trình hạt nhân.
23/04/2012