Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Quốc phòng trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng không nhân dân. (Ảnh: DUY LINH)
Chiều 1/4, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng không nhân dân.
Đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
Trình bày tờ trình, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Quốc phòng nhấn mạnh, thế trận phòng không nhân dân là một bộ phận cấu thành, không tách rời trong khu vực phòng thủ. Hoạt động tác chiến phòng không nhân dân là nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự Việt Nam đã được vận dụng hiệu quả trong chiến tranh giải phóng đất nước của dân tộc ta.
Ngày nay, các phương án tác chiến mới trong chiến tranh hiện đại, tiến công đường không và phòng chống tiến công đường không trở thành yêu cầu hết sức quan trọng, quyết định đến thành bại trong cục diện chiến trường. Từ đó đặt ra yêu cầu tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để chủ động phòng ngừa, xử lý có hiệu quả các tình huống về quốc phòng, an ninh trên không.
Các đại biểu dự phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Cũng theo Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Luật Quốc phòng và các văn bản pháp luật có liên quan đến nhiệm vụ phòng không nhân dân, quản lý tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ mới quy định khung, mang tính nguyên tắc nên đặt ra yêu cầu đòi hỏi phải tạo lập khung pháp lý đầy đủ, toàn diện cho hoạt động phòng không nhân dân để đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, công tác quản lý, bảo vệ vùng trời ở độ cao dưới 5.000 mét đang được nhiều quốc gia trên thế giới hết sức coi trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay với sự xuất hiện của tàu bay không người lái đang được các nước nghiên cứu, chế tạo, khai thác, sử dụng cho mục đích quân sự như một lực lượng tác chiến mới mang lại hiệu quả chiến đấu cao.
Ở trong nước, tình trạng vi phạm pháp luật của các tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ diễn ra ngày càng gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến quốc phòng, an ninh và an toàn, an ninh hàng không.
Từ những lý do nêu trên, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh, việc xây dựng, ban hành Luật Phòng không nhân dân là rất cần thiết, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, có ý nghĩa thiết thực bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Điều kiện khai thác tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ
Theo dự thảo Luật, người trực tiếp điều khiển tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ phải đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự và có kiến thức về hàng không. Đồng thời phải thông báo hoạt động bay và được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Ủy ban đề nghị cân nhắc quy định điều kiện đối với người điều khiển phải đủ 18 tuổi trở lên và được đào tạo kiến thức về hàng không để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.
Theo ông Lê Tấn Tới, nội dung quy định điều kiện phải “có kiến thức về hàng không” là chưa rõ, có thể phát sinh thủ tục, yêu cầu về đào tạo, cấp chứng chỉ không cần thiết.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật. (Ảnh: DUY LINH)
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị đánh giá kỹ về tác động của quy định này để bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế-xã hội; có quy định cụ thể hơn về tiêu chí được miễn trừ cấp phép bay để thuận lợi hơn trong tổ chức thực hiện. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để có quy định cho phù hợp.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí quy định về tạm giữ, thu giữ, chế áp tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ như dự thảo Luật với một số trường hợp: tổ chức hoạt động bay khi không có giấy phép bay; bay vào khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay mà cơ quan có thẩm quyền đã cảnh báo vẫn cố tình bay vào, trừ các chuyến bay công vụ; xâm phạm khu vực cảng hàng không, sân bay hoặc khu vực lân cận mà có khả năng gây mất an toàn cho hoạt động bay…
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng thống nhất về hậu quả pháp lý tại Điều 31 với quy định tại Điều 30 dự thảo Luật với các biện pháp, thẩm quyền đình chỉ, thu giữ, chế áp...
Có ý kiến đề nghị bổ sung thẩm quyền của chỉ huy đơn vị Cảnh sát biển Việt Nam đình chỉ các chuyến bay, tạm giữ, thu giữ phương tiện bay không người lái để phù hợp với thẩm quyền của Cảnh sát biển.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước, có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định về trách nhiệm của Bộ Công an; cơ chế phối hợp, quản lý, cấp phép bay, thông báo việc cấp phép bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ do Bộ Công an cấp phép, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là trong trường hợp khẩn cấp.
Gửi phản hồi
In bài viết