Reviewer - Xu hướng của giới trẻ

- Đi đâu? Ăn gì? Dùng sản phẩm nào? Ở thời đại ngày nay, giữa vô vàn sự lựa chọn, chắc hẳn nhiều người khá đắn đo và bối rối. Như một nhu cầu thiết yếu, nghề reviewer sản phẩm ra đời giúp cho khách hàng có thể tham khảo để đưa ra quyết định tốt nhất cho mình. Cùng với sự phát triển nền tảng mạng xã hội, nghề reviewer càng trở nên cực “hot” và hấp dẫn người trẻ.

 Nghề ăn thử, dùng trước, trải nghiệm thường xuyên

Nghề reviewer là gì? Đó là nghề đánh giá những trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ, thông qua các video ngắn người làm review sẽ chia sẻ nội dung cảm nhận của mình khi trải nghiệm đồ ăn hoặc phim ảnh, âm nhạc, du lịch... Bởi tính chân thực và gần gũi, các video này đã trở thành là một kênh tham khảo hữu ích dành cho người tiêu dùng.

Theo đồng chí Vũ Tuấn, Giám đốc Sở Truyền thông và Thông tin thì nghề reviewer xuất hiện trên thế giới khoảng gần 20 năm nay. Tại Việt Nam, thuật ngữ “reviewer” đã không còn quá xa lạ, nghề này thịnh hành từ gần chục năm trở lại đây. Từ các trang mạng xã hội đến các sàn thương mại điện tử, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều bạn trẻ đang  theo đuổi công việc này.

Lướt một vòng quanh các mạng xã hội lớn như Facebook, TikTok, youtube, Instagram… người dùng có thể dễ dàng nhìn thấy các video ngắn với đa dạng các nội dung từ review một bộ phim, một bộ quần áo, thiết bị công nghệ, hay món ăn… Chúng ta có thể điểm qua những cái tên reviewer ấn tượng nổi đình đám hiện nay như: Nguyễn Hoàng Long với kênh Ăn sập Hà Nội, Đinh Võ Hoài Phương với kênh Khoai lang thang, Võ Hà Linh với kênh Ha linh official…

Đặng Hà Trang, chủ nhân kênh TikTok “Thuồng luồng mini” review tại một quán ăn trên địa bàn TP Tuyên Quang.

Tại Tuyên Quang, hiện đã có nhiều bạn trẻ đến với nghề reviewer. Bắt đầu lên sóng những video ngắn đánh giá đồ ăn từ tháng 4-2022, đến nay, Đặng Hà Trang, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) chủ nhân kênh TikTok “Thuồng luồng mini” đã có hơn 3.500 lượt theo dõi. Trang chia sẻ, ban đầu do đam mê và yêu thích ẩm thực cùng thói quen xem các video review như vậy, em bắt đầu cho lên sóng những sản phẩm đầu tiên của mình. Nhiều video nhận được sự ủng hộ tới từ cộng đồng do đó em càng ngày càng cố gắng tạo ra video chất lượng, đánh trúng thị hiếu của khán giả.

Cosonnu là kênh Tiktok của Chẩu Thị Nga, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Cô Sơn Nữ. Kênh review về du lịch Tuyên Quang, giới thiệu cảnh đẹp, địa điểm check-in, trải nghiệm homestay ở Tuyên Quang. Kênh thu hút hơn 10 nghìn lượt theo dõi và hơn 61 nghìn lượt thích. Chị Nga chia sẻ, là người làm trong ngành du lịch nên việc đi nhiều, thực hiện cảnh quay đẹp là điều không khó. Ý tưởng trở thành một tiktoker chuyên giới thiệu, quảng bá du lịch quê hương hình thành ngay từ khi mới thành lập công ty. Nhiều video chị thực hiện thu hút người xem và nhận được phản hồi tích cực qua đó góp phần quảng bá cho du lịch xứ Tuyên.

Với sự phát triển không ngừng nghỉ và sức hút khó cưỡng với cộng đồng, các video review đang thực sự “len lỏi” vào cuộc sống của nhiều người. Chị Nguyễn Thị Phúc Hậu, tổ 2, phường An Tường (TP Tuyên Quang) chia sẻ: “Tôi thường có thói quen là trước khi mua sản phẩm gì hoặc đi du lịch ở đâu thường lên mạng xem video review để hiểu rõ hơn về chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Từ đó mới đưa ra quyết định nào hợp lý nhất”.

Cái tâm của “chuột bạch”

Tại Tuyên Quang, cư dân mạng biết đến tiktoker Nông Cẩm Quỳnh, xã Thượng Ấm (Sơn Dương). Quỳnh thường xuyên trải nghiệm và review mặt hàng nông sản địa phương. Quỳnh chia sẻ: “Mình thường thực hiện một clip review sản phẩm thông qua Tiktok và Youtube, đây là hai nền tảng mạng xã hội đang được nhiều người sử dụng nhất, đặc biệt là giới trẻ. Trước khi thực hiện một clip review sản phẩm, mình sẽ trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là sử dụng sản phẩm, tiếp đến là lên ý tưởng, sáng tạo nội dung (content) để làm sao tạo được sự thu hút đối với người tiêu dùng. Sau đó là quay clip đánh giá sản phẩm, cuối cùng là xử lý hậu kỳ và đăng tải lên mạng xã hội”.

Chị Nguyễn Bích Ngọc, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) sở hữu một kênh review đồ ăn. Công việc hàng ngày của Ngọc là làm “chuột bạch”, thử các món ăn tại nhiều địa điểm và đưa ra đánh giá khách quan nhất đến khán giả. Chị Bích chia sẻ, khi trở thành một food reviewer, mình có cơ hội trải nghiệm, tiếp xúc với nhiều món ăn. Tuy nhiên, chị luôn cho rằng mỗi food reviewer đều có chất riêng, nên phải luôn cố gắng tạo cái gì đó khác lạ để không bị nhầm lẫn với những người khác. Ngoài gương mặt, ngoại hình, cách ăn mặc ra thì có lẽ yếu tố quyết định là cách nói chuyện vui vẻ, hài hước sẽ thu hút nhiều lượt người xem.

Tiktoker Nông Cẩm Quỳnh review sản phẩm nông sản xứ Tuyên.    

Việc reviewer thực hiện những video nói lên những trải nghiệm của mình với sản phẩm là cơ hội để mặt hàng tiếp cận đến người tiêu dùng một cách chân thực. Chị Hồ Phượng, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) chủ quán Bún bò Huế chia sẻ, thời gian qua có rất nhiều người đến quán, quay video đánh giá tích cực, khen món ăn ngon, chất lượng. Từ đó nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến quán ăn ngày càng nhiều hơn.

Tuy nhiên bên cạnh reviewer có tâm, chân thực thì hiện nay có một số reviewer chạy theo lợi nhuận, nhận quảng cáo để bóp méo sai sự thật chất lượng sản phẩm. Anh Bùi Toàn Thắng, xã Nhân Mục (Hàm Yên) cho biết, nhiều lần xem video đánh giá sản phẩm cứ nghĩ cũng là người tiêu dùng các reviewer sẽ đưa ra nhận xét có tâm thế nhưng khi mua về thì sản phẩm kém chất lượng, khác hẳn lời xuýt xoa, khen ngợi của reviewer. Từ đó khiến mình mất niềm tin từ các video đánh giá của các bạn trẻ.

Phạm Đoàn Trà My và Nguyễn Bùi Linh Chi, TP Tuyên Quang, hiện nay là admin của Fanpage Tuyên Quang ăn gì? Fanpage thực hiện từ năm 2018 với nhiều bài viết có tâm và khá chất lượng từ ảnh đến nội dung.  Phạm Đoàn Trà My chia sẻ, để làm được nghề review, điều quan trọng nhất là bạn phải đánh giá một cách công bằng, chia sẻ đúng cảm nhận của mình. Trước khi bắt đầu vào hành trình trở thành một reviewer đúng nghĩa, bạn cần phải có kiến thức về lĩnh vực mình lựa chọn review để có một cái nhìn đúng đắn. Từ đó, những nội dung mà bạn chia sẻ mới trở thành những thông tin có ích cho người theo dõi. 

Trước sự phát triển vận động liên tục của xã hội thì một số nghề mất đi còn một số nghề mới xuất hiện như một nhu cầu thiết yếu. Trong thời đại công nghệ thông tin thì nghề reviewer mang đến những cơ hội việc làm, trải nghiệm và sự năng động, sáng tạo cho những người trẻ. Đồng thời giúp sản phẩm tiếp cận và tự hoàn thiện để đến gần hơn với người tiêu dùng và cũng giúp người tiêu dùng có những lựa chọn thông thái trong mua sắm, sử dụng các dịch vụ.

Ghi chép: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục