Bộ 2 cuốn “Nguyễn Hiến Lê - tác phẩm đăng báo” gồm 320 bài viết của học giả Nguyễn Hiến Lê bàn luận về văn hóa, giáo dục và tình bạn trong làng văn. Sách do Nguyễn Tuấn Bình biên soạn, gồm các mục: giới thiệu sơ lược về con người và sự nghiệp Nguyễn Hiến Lê, toàn cảnh báo chí miền Nam trước 1975, các tác phẩm đăng báo của ông. Các bài báo là loạt tiểu phẩm, tùy bút, hồi ký… thể hiện tâm tư, tình cảm, trách nhiệm của ông về mọi mặt của đời sống xã hội.
Điểm nổi bật trên các trang viết của ông là tính suy tư về thời cuộc. Ông luôn đau đáu với sự tiến bộ của đất nước, sự mở mang dân trí, các trang viết của ông luôn truyền tải kiến thức đến độc giả một cách khoa học, rõ ràng, dễ hiểu. Nhắc tới sách dịch của Nguyễn Hiến Lê, độc giả thường nhớ đến hai tác phẩm Đắc nhân tâm của Dale Carnegie và Quẳng gánh lo đi và vui sống.
Là học giả, nhưng ông không đứng bên ngoài cuộc sống để nhìn nó bằng lăng kính xa lạ. Các vấn đề cuộc sống ông đặt ra luôn kịp thời, sát với tình hình thực tế, phân tích có chứng lý, nêu bật nguyên nhân, đề xuất giải pháp cụ thể trên tinh thần xây dựng nhất là giáo dục và văn hóa. Chính những điều đó đã làm nên giá trị của ngòi bút Nguyễn Hiến Lê.
Nguyễn Hiến Lê viết báo thường với tư cách là nhà nghiên cứu, nhà văn. Nhiều vấn đề ông đưa ra mang tính khảo cứu, học thuật và ít có thời gian tính. Tuy nhiên, ông luôn có quan điểm kịp thời trước những sự kiện mang tính thời sự nóng bỏng, hay nêu lên ý kiến trước những vấn đề mà xã hội đang quan tâm, bức xúc. Ở góc độ đó, ông là nhà báo viết bình luận sắc sảo, cũng là người đề xuất những ý tưởng tiến bộ, khả thi.
Bộ tác phẩm Nguyễn Hiến Lê - Tác phẩm đăng báo. Cuốn một chủ đề “Theo dòng thời cuộc”. Cuốn hai chủ đề “Bên lề con chữ” (NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh) một lần nữa minh chứng cho một đời cầm bút miệt mài với kiến thức sâu sắc ở đa lĩnh vực nghiên cứu của học giả Nguyễn Hiến Lê. Với 120 tác phẩm (kể cả sáng tác và dịch) bao gồm văn chương, triết học, sách học làm người, khảo luận, tùy bút, du ký… và hơn 300 bài báo đăng trên nhiều tạp chí, 23 lời tựa cho các tập sách mà Nguyễn Hiến Lê để lại đến nay vẫn vẹn nguyên tính thời sự, “vẫn có giá trị tham khảo thiết thực” trong đánh giá của nhiều bậc tri thức Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết