Sẵn sàng cho vụ ép mía mới

- Theo kế hoạch tháng 12 tới, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương sẽ vào vụ ép mới. Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, người trồng mía đã chuẩn bị sẵn sàng để đón chờ một mùa mía ngọt.

Vượt khó cho một vụ ép thành công

Xã Hào Phú (Sơn Dương), lõi vùng nguyên liệu mía đường của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương những cánh đồng mía bạt ngàn, xanh ngút ngát chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch. Người dân đang thu dọn lá khô - phần việc cuối cùng của chu kỳ sản xuất, chuẩn bị đón thành quả sau một năm vất vả vun trồng để mùa mía ngọt...

Còn 1 tháng nữa mới đến vụ thu hoạch mía song gia đình ông Vũ Văn Thực, thôn Trại Mít, xã Hào Phú đã tập trung nhân lực để thu dọn lá khô, phát quang cỏ dại 4 xung quanh nương, chờ đón một mùa mía ngọt. Ông Thực phấn khởi cho biết, gia đình có 1,2 ha, nương mía quanh khu vực nhà nên thuận tiện chăm sóc. Nhờ vậy mà cây mía to, lóng dài, chắc. Ước tính sản lượng năm nay đạt khoảng hơn 80 tấn, với giá mía như hiện nay là 1,3 triệu đồng/tấn, gia đình sẽ thu được một khoản kha khá từ mía.

Gia đình ông Hoàng Văn Đối, thôn Khán Cầu, xã Chi Thiết (Sơn Dương) cũng đang kỳ vọng vào một vụ mía thắng lợi. Ông Đối chia sẻ, đầu năm thời tiết bất lợi, nắng hạn kéo dài, khiến những diện tích mía mới trồng bị mất khoảng. Tuy nhiên khi vừa mưa xuống và sự hỗ trợ giống từ công ty, gia đình ông đã trồng dặm lại, tập trung chăm sóc theo đúng hướng dẫn của cán bộ nông vụ. Ông Đối khẳng định, với 1 ha, năm nay ông cầm chắc khoảng 75 tấn, trừ chi phí phân bón, giống, công lao động lợi nhuận đem lại vài chục triệu đồng.

Người dân thôn Khổng, xã Hồng Lạc (Sơn Dương) bóc lớp lá khô chuẩn bị thu hoạch mía.

Ông Nguyễn Ngọc Sỹ, cán bộ nông vụ Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cho biết, hầu hết diện tích mía trên địa bàn huyện Sơn Dương đều được trồng trên đất bãi, đồi có độ dốc thấp. Nhiều năm trở lại đây người trồng mía ứng dụng cơ giới hóa trong trồng, chăm sóc nên chi phí sản xuất giảm. Ông Sỹ tính toán với giá mía thu mua nguyên liệu hiện nay là 1,3 triệu đồng/tấn, người trồng mía sẽ có thu nhập 80 - 100 triệu đồng/ha, lợi nhuận ước đạt 40 - 50 triệu đồng. 

Theo đánh giá của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, sản xuất mía đường năm nay thời tiết khá bất lợi, hạn hán kéo dài khiến những diện tích mía trồng mới bị ảnh hưởng. Khắc phục thiệt hại, Công ty đã hỗ trợ người trồng mía trồng bổ sung, trồng dặm kịp thời với các giống mía có khả năng kháng chịu sâu, bệnh, thời tiết cực đoan và hướng dẫn người dân thực hiện chăm sóc đúng kỹ thuật. Do đó, diện tích mía vẫn phát triển tốt cây cao, mập, độ đường cao; năng suất, sản lượng cao.

Chuẩn bị cho vụ ép thành công, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cũng đã hoàn thành việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, dây chuyền nhằm đảm bảo công suất 2.500 tấn/ngày. Với công suất này, công ty sẽ sử dụng hết nguồn mía nguyên liệu của nông dân, hạn chế tình trạng ứ đọng nguyên liệu vào thời điểm chính vụ, đồng thời nâng cao chất lượng đường thành phẩm. Để đảm bảo mía chặt đến đâu, vận chuyển luôn đến đó, công ty cũng đã hợp đồng với hơn 200 phương tiện bao gồm: 180 ô tô và 20 máy bốc xếp hỗ trợ bà con thu hoạch. Mặt khác, công ty cũng hợp tác với các địa phương vùng nguyên liệu tu sửa, nâng cấp đường giao thông nội đồng để phục vụ cho việc vận chuyển nguyên liệu mía dễ dàng, thuận lợi. 

Nhiều chính sách ưu đãi cho người trồng mía

Ngày 16-10, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương chính thức có thông báo chính sách đầu tư, thu mua phát triển nguyên liệu mía từ niên vụ 2023 - 2024, đến niên vụ 2025 - 2026. Giá mía nguyên liệu sẽ tăng từ 1,05 triệu đồng lên 1,3 triệu đồng/tấn; giá mía giống tăng lên trên 1,4 triệu đồng/tấn; mía giống cũng sẽ được điều chỉnh lên 1,4 triệu đồng/tấn. Điều chỉnh giá mía nguyên liệu, mía giống cũng điều chỉnh tăng định mức vốn hỗ trợ đầu tư, trong đó: trồng mới, trồng lại mía là 45 triệu đồng/ha; mía lưu gốc là 25 triệu đồng/ha.

Anh Trương Công Định, thôn Trại Mít, xã Hào Phú phấn khởi cho biết, giá thu mua mía nguyên liệu tăng như hiện nay, anh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích mía trên đất bãi, đất vườn đồi. Theo anh Định, so với cây ăn quả, cây ngô thì cây mía hiệu quả hơn hẳn, không tốn công chăm sóc, mía có thể lưu gốc 3 - 4 năm nên phù hợp với thực tế lao động của gia đình. Đặc biệt là vốn, chi phí đầu tư ban đầu được công ty cho ứng, cho vay đến khi thu hoạch mới hoàn trả. Thêm vào đó là sản phẩm được công ty bao tiêu không lo mía bị ế đọng, dư thừa. Do vậy anh yên tâm để mở rộng diện tích.

Cán bộ nông vụ Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương và người dân rà soát diện tích mía trước khi thu hoạch.

Ông Ngụy Như Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương chia sẻ, đây là năm thứ 3 liên tiếp, công ty thực hiện điều chỉnh tăng giá thu mua mía nguyên liệu để khuyến khích người dân đầu tư phát triển, mở rộng vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến mía đường. Ngoài ra, Công ty còn áp dụng chế độ thưởng đối với mía có trữ đường cao. Đây là biện pháp khuyến khích nông dân đầu tư, chăm sóc để nâng cao chất lượng cây mía.

Niên vụ 2023 - 2024, diện tích mía nguyên liệu của Công ty cổ phần Mía đường gần 2.000 ha, tập trung ở các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên và Chiêm Hóa. Năng suất dự kiến ước đạt khoảng trên 60 tấn mía cây/ha, tương đương với niên vụ 2022 - 2023, sản lượng mía ước đạt 130 nghìn tấn, sản lượng đường ước tính khoảng 10 nghìn tấn.

Đồng hành cùng người dân trong việc mở rộng vùng nguyên liệu mía, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương tiếp tục hỗ trợ 3 triệu đồng/ha đối với hộ trồng mới chuyển từ đất đang có cây trồng hàng năm sang trồng mía; 5 triệu đồng/ha đối với hộ chuyển đổi từ đất đang trồng cây lâu năm sang trồng mía. Với hộ trồng lại là đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ máy móc làm đất... với mức lãi suất 0%.

Với những cơ chế, chính sách có lợi cho người trồng mía, diện tích mía nguyên liệu sẽ được mở rộng, ngành sản xuất mía đường của tỉnh sớm phục hồi - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương Ngụy Như Tiến Dũng hy vọng.  

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục