Giữ mạch nguồn văn hóa, lịch sử trong từng tên xã

14:52, 10/05/2025

BHG - Mỗi tên làng, tên xã đều mang trong mình giá trị văn hóa, lịch sử. Vì vậy, khi thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, tên gọi xã mới không chỉ là “bài toán” về tổ chức bộ máy mà là câu chuyện về sự hài hòa giữa hiệu quả quản lý nhà nước và gìn giữ bản sắc.

Theo Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã năm 2025, bên cạnh 10 ĐVHC không thực hiện sắp xếp do đủ điều kiện về tự nhiên, quy mô dân số và yếu tố đặc thù; tỉnh sẽ tiến hành sắp xếp 183 ĐVHC cấp xã. Sau khi sáp nhập, toàn tỉnh còn 71 xã và 2 phường. Một trong những điểm đáng chú ý và rất được người dân đồng thuận cao là tên gọi các xã mới sau sáp nhập đều đảm bảo các yếu tố về văn hóa, lịch sử, bản sắc cộng đồng và đặc biệt là thương hiệu du lịch đã được gây dựng trong thời gian qua.

Xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) là địa danh có tên gọi từ lâu đời.
Xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) là địa danh có tên gọi từ lâu đời.

Có thể kể đến việc thành lập xã Lũng Cú trên cơ sở nhập nguyên trạng 3 xã Lũng Cú, Má Lé và Lũng Táo (Đồng Văn). Xã Lũng Cú sau sắp xếp có diện tích tự nhiên 95,20 km², dân số 15.115 người. Tên gọi Lũng Cú không chỉ là một địa danh lâu đời, mà còn là biểu tượng thiêng liêng nơi cực Bắc của Tổ quốc, gắn với di tích Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, điểm đến nổi bật trên Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Tương tự, xã Sà Phìn được giữ lại tên gọi khi sáp nhập 4 xã gồm: Sà Phìn, Sủng Là, Sính Lủng và Sảng Tủng (Đồng Văn) mặc dù trụ sở xã mới đặt tại trung tâm Sủng Là. Lấy tên gọi Sà Phìn bởi đây là vùng đất có truyền thống lâu đời, nơi có Di tích lịch sử quốc gia Dinh thự họ Vương.

Tại huyện Mèo Vạc, xã Sơn Vĩ được chọn làm tên gọi cho xã mới sau khi sáp nhập 3 xã: Sơn Vĩ, Thượng Phùng và Xín Cái, trụ sở đặt tại Xín Cái. Tên gọi Sơn Vĩ có từ trước năm 1961 và là xã duy nhất tiếp giáp với hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc). Việc giữ lại tên Sơn Vĩ không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn bảo đảm yếu tố chính trị, kinh tế và ngoại giao. Xã Bằng Hành là tên mới thành lập từ 3 xã: Kim Ngọc, Bằng Hành và Vô Điếm (Bắc Quang). Dù trụ sở được đặt tại xã Kim Ngọc để thuận tiện trong phát triển KT - XH nhưng lấy tên gọi Bằng Hành vì tên gọi này gắn liền với di tích lịch sử căn cứ cách mạng tiểu khu Trọng Con, niềm tự hào của nhiều thế hệ Nhân dân địa phương.

Hà Giang là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Mỗi tên xã là một lát cắt văn hóa, một phần ký ức cộng đồng. Nhiều địa danh gắn liền với truyền thuyết dân gian, lịch sử đấu tranh dân tộc, cảnh quan đặc trưng và bản sắc tộc người, đặc biệt trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển du lịch hiện nay, việc xây dựng thương hiệu địa phương, giữ lại những tên gọi quen thuộc càng trở nên cần thiết. Ví như các tên gọi: Phố Bảng, Khâu Vai, Thanh Thủy, Phú Linh... đều mang đậm giá trị biểu tượng về lịch sử, bản sắc và được người dân gắn bó sâu đậm. Tại thành phố Hà Giang, việc chia thành xã Ngọc Đường và phường Hà Giang 1, Hà Giang 2 đảm bảo yếu tố kế thừa địa danh “Hà Giang”, vốn đã được định vị như một thương hiệu du lịch quốc tế khi liên tục lọt top điểm đến hấp dẫn của châu Á và thế giới.

Việc đặt tên ĐVHC mới không đơn thuần là chọn một từ dễ nhớ, dễ đọc, mà phải dựa trên nhiều tầng giá trị: Văn hóa, lịch sử, địa lý, tâm lý cộng đồng và tiềm năng phát triển. Mỗi tên xã được đặt là một sự kết nối giữa quá khứ và tương lai. Theo kết quả lấy ý kiến Nhân dân về đề án sáp nhập cấp xã trên địa bàn tỉnh, có hơn 94% người dân được lấy ý kiến đồng thuận với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có nội dung đặt tên xã mới. Chỉ một số ít cử tri đề nghị giữ tên gọi đơn vị hành chính theo nơi mình đang sinh sống. Lấy lịch sử, văn hóa và sự đồng thuận của Nhân dân làm trung tâm trong quá trình tái cấu trúc ĐVHC cấp xã, tỉnh đang đi đúng hướng với cách làm bài bản, khoa học và nhân văn.

  Bài, ảnh: BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bộ Nội vụ trình Chính phủ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký tờ trình gửi Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh năm 2025.
10/05/2025
Vị Xuyên rà soát cơ sở vật chất chuẩn bị cho sáp nhập cấp xã
BHG - Để chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo xã mới sau thành lập đi vào hoạt động thông suốt, phục vụ tốt người dân và công tác quản lý nhà nước tại cơ sở, huyện Vị Xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất tại các xã dự kiến đặt trụ sở hành chính khi sáp nhập gồm: Xín Chải, Thanh Thủy, Minh Tân, Thuận Hòa, Tùng Bá, Cao Bồ, Thượng Sơn, Ngọc Linh, Bạch Ngọc, Phú Linh và Việt Lâm.
09/05/2025
Thống nhất phương án hợp nhất Văn phòng Tỉnh ủy Tuyên Quang và Hà Giang
BHG - Sáng 9.5, tại Tuyên Quang, Văn phòng Tỉnh ủy hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang đã tổ chức Hội nghị thống nhất phương án hợp nhất hai Văn phòng Tỉnh ủy. Đồng chí Nguyễn Văn Dưng, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Tuyên Quang và đồng chí Phan Ngọc Hiệp, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Hà Giang đồng chủ trì hội nghị.
09/05/2025
Thủ tướng: Khẩn trương bố trí kinh phí chi trả cho người xin nghỉ và dôi dư trong quá trình sắp xếp
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương bố trí ngay kinh phí để chi trả cho người xin nghỉ theo chế độ và dôi dư trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.
09/05/2025