Scotland tìm đường trở lại EU: Mục tiêu không dễ thực hiện

Câu chuyện về việc Scotland muốn tách khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (gọi tắt là Vương quốc Anh) nhằm có thể trở lại làm thành viên đầy đủ của Liên minh châu Âu (EU) đang "nóng" lên trước thềm cuộc bầu cử nghị viện vùng Scotland, dự kiến diễn ra vào ngày 6-5 tới. Hiện tại, cả 2 đảng phái lớn của Scotland gồm Dân tộc Scotland (SNP) cầm quyền và Alba đều xác định đó là vấn đề trọng tâm trong cương lĩnh tranh cử dù thực tế, không dễ thực hiện mục tiêu này.


Nhiều người dân Scotland mong muốn vùng đất này là thành viên của EU.

Đây không phải lần đầu tiên các nhà lãnh đạo Scotland đề cập tới việc tách khỏi nước Anh. Năm 2014, dưới sự lãnh đạo của Thủ hiến Alex Salmond, Scotland đã thực hiện cuộc trưng cầu dân ý để rời khỏi xứ sở Sương mù. Tuy nhiên, thời điểm đó, có 55% số cử tri ủng hộ ở lại, chỉ có 45% muốn độc lập.

Lựa chọn ở lại Vương quốc Anh của người dân vùng đất phương Bắc nước Anh này đã nhận được sự hoan nghênh của hầu hết các quốc gia châu Âu, cho rằng đây là điều cần làm để duy trì sự thống nhất của nước Anh cũng như EU, giúp thúc đẩy một ngôi nhà chung EU đoàn kết, cởi mở và phát triển mạnh mẽ hơn. Chủ đề này tạm lắng xuống cho tới khi Anh khởi động tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Các nhà phân tích cho rằng, Brexit không phải là ý nguyện của đa số người dân Scotland. Trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6-2016, có đến 62% cử tri Scotland phản đối việc rời khỏi “mái nhà chung” EU. Đây là tỷ lệ phản đối cao nhất trong toàn bộ các vùng lãnh thổ của nước Anh. Vì thế, đối với Scotland, việc không thể đảo ngược tiến trình Brexit là một thực tế rất khó chấp nhận.

Hầu hết người dân Scotland cho rằng, lợi ích và nguyện vọng của họ đã không được tính đến một cách đầy đủ. Bằng chứng là trong tất cả các cuộc bầu cử tại Scotland kể từ sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016, đảng SNP, chính đảng theo đường lối ly khai ở Scotland, đều giành được trên 70% phiếu bầu của các cử tri muốn ngăn chặn Brexit.

Thủ hiến hiện tại của Scotland đồng thời là lãnh đạo SNP, bà Nicola Sturgeon từng nhiều lần tuyên bố, chỉ khi trở thành một quốc gia độc lập thì Scotland mới có thể trở lại làm thành viên đầy đủ của EU và bảo vệ được các lợi ích của mình. Trong chiến dịch tranh cử lần này, bà Nicola Sturgeon cam kết sẽ nỗ lực thúc đẩy tổ chức một cuộc trưng cầu lần 2 về vấn đề độc lập của Scotland vào khoảng cuối tháng 11-2023.

Trong khi đó, lãnh đạo đảng Alba, cựu Thủ hiến vùng Scotland Alex Salmond cũng khẳng định, vấn đề độc lập của vùng Scotland là ưu tiên hàng đầu trong cương lĩnh tranh cử của đảng này, bởi đó là một phần thiết yếu của việc xây dựng một xã hội mới. Quan điểm của lãnh đạo 2 đảng SNP và Alba nhận được sự đồng tình của nhiều người dân vùng đất này. Kết quả cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy, 51% cử tri sẽ ủng hộ tổ chức trưng cầu dân ý trong vòng 5 năm tới về tương lai của vùng này.

Tuy nhiên, kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý về độc lập của Scotland sẽ không dễ dàng thực hiện. Theo Hiến pháp Anh, Scotland cần phải nhận được sự đồng ý của Chính phủ và Nghị viện Anh thì mới có thể tổ chức trưng cầu ý dân một cách hợp pháp. Nếu không, Scotland sẽ rơi vào tình huống vi hiến như vùng Catalonia ở Tây Ban Nha năm 2017. Thủ tướng Anh Boris Johnson từng nhiều lần tuyên bố, cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của Scotland năm 2014 có giá trị trong một thế hệ, tức khoảng 10 đến 20 năm, nên rất khó để Chính phủ Anh “bật đèn xanh” cho Scotland thực hiện ý định của mình.

Với những ràng buộc về mặt pháp lý cũng như quyết tâm duy trì một nước Anh thống nhất như nhiều năm qua của Chính phủ Anh, cơ hội để Scotland tách khỏi Vương quốc Anh nhằm thực hiện mục tiêu trở lại EU là rất nhỏ.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục