Socotra lạ kỳ
Quần đảo Socotra, ở phía Tây Bắc Ấn Độ Dương, gần vịnh Aden, dài 250km, bao gồm 4 hòn đảo và 2 đảo đá nhỏ xuất hiện như một phần kéo dài của Sừng châu Phi, trong đó đảo lớn nhất là Socotra chiếm 95% diện tích của quần đảo.
Socotra là quần đảo kỳ lạ nhất hành tinh. Khác với đa số đảo có nguồn gốc từ sự phun trào núi lửa, Socotra có nguồn gốc lục địa, được tách ra khỏi châu Phi khoảng 6 triệu năm trước. Chính sự biệt lập với phần còn lại của thế giới và nguồn gốc cổ xưa đã khiến thời gian như ngừng lại ở Socotra, giúp bảo vệ một hệ động thực vật vô cùng đặc biệt ở đây.
Theo đánh giá của UNESCO: Địa điểm này có tầm quan trọng toàn cầu vì tính đa dạng sinh học với hệ động thực vật phong phú và khác biệt: 37% trong số 825 loài thực vật của Socotra, 90% loài bò sát và 95% loài ốc sên không xuất hiện ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Socotra có tầm quan trọng đặc biệt đối với điểm nóng đa dạng sinh học vùng Sừng châu Phi, được mệnh danh là “Galápagos của Ấn Độ Dương” - một “bảo tàng sống và nơi trưng bày quá trình tiến hóa” độc đáo của tự nhiên.
Độc đáo bậc nhất ở Socotra là loài cây Dragon’s Blood (cây máu rồng hay long huyết), là loại thực vật có hoa trong họ măng tây. Sở dĩ có tên gọi như vậy là bởi nhựa cây mang màu đỏ như máu. Loài cây này có hình dáng rất đặc biệt, nhánh rất dài, vươn cao tạo thành một tán tròn như những chiếc ô hay cây nấm khổng lồ. Nhìn cả một rừng cây long huyết mọc trên những rặng núi đá, người ta có cảm giác như đang ở hành tinh khác bởi vẻ lạ lùng của nó. Loài cây này được người dân địa phương tôn quý, là một loại dược liệu truyền thống để chữa nhiều bệnh. Một loại thực vật kỳ lạ không kém khác tồn tại trên đảo là Desert Rose - hồng sa mạc. Tên gọi này gắn với đặc trưng của loài cây: Thân phình to, có khả năng giữ nước cao giúp cây có thể bám rễ chắc chắn và sống tươi tốt trên các ngọn núi đá khô cằn. Loại cây này rất phổ biến, khi nở hoa vào tháng 4 hằng năm nó dường như nhuộm hồng cả không gian với màu sắc lãng mạn.
Cây hồng sa mạc trên đảo Socotra.
Phát triển phải đi đôi với bảo tồn
Bên cạnh hệ động thực vật kỳ lạ, Socotra còn có những bãi biển đẹp thơ mộng, rộng lớn, các hang động đá vôi có thể dài đến 7km cùng một nền văn hóa bản địa độc đáo, gây tò mò. Đây là những điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch.
Sự cô lập đã làm nảy sinh những huyền thoại ở Socotra. Vào thế kỷ XII, nhà du hành người Ý Marco Polo đã mô tả Socotra là một căn cứ hải tặc đáng sợ và cư dân của nó là "những người phù phép giỏi nhất thế giới". Vào thế kỷ trước, nơi đây trở thành tiền đồn thuộc địa của Anh, sau đó là căn cứ của Liên Xô, tuy nhiên, do khó khăn trong việc di chuyển, nơi này vẫn ít được biết đến. Những năm 1990, nhà sử học người Anh Tim Mackintosh-Smith đã đến đây và nhận định: Hòn đảo là "sự cộng sinh của một sự đa dạng sinh học phi thường với sự đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ". Những người dân trên đảo vẫn sống theo lối cổ xưa, ở trong những ngôi nhà đá với mái lợp bằng cành cây.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng khi một sân bay được mở ở đây từ năm 2003. Lượng khách du lịch đến đây ngày một đông, làm dấy lên mối lo ngại về môi trường. Các chai nước và túi nhựa làm tắc nghẽn các con lạch gần các ngôi làng. Các khu lưu trú mới mọc lên khiến cho vẻ đẹp của quần đảo trở nên mong manh trước tác động của con người. Rừng long huyết cổ thụ đang bị tàn phá bởi những cơn bão ngày càng dữ dội do biến đổi khí hậu, trong khi cây non thay thế bị gặm cụt bởi những đàn dê sinh sôi nảy nở, khiến điểm nóng đa dạng sinh học vốn mong manh lại càng dễ bị sa mạc hóa. Không chỉ long huyết, có tới 10 loài cây trầm hương đặc hữu của Socotra cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão, các loài xâm lấn và thói quen chăn thả gia súc vô tội vạ. Một nghiên cứu cho thấy, số lượng cây trầm hương trên đảo đã giảm 75% trong khoảng từ năm 1956 đến năm 2017.
Sự cân bằng giữa việc bảo vệ môi trường với nhu cầu của người dân về chăm sóc sức khỏe, việc làm và cơ hội phát triển du lịch... luôn là một nhiệm vụ khó khăn. Người dân trên đảo Socotra tự hào về di sản của họ và rất muốn bảo vệ nó, nhưng nếu không có ngay những biện pháp quyết liệt thì vẻ đẹp kỳ lạ của Socotra có thể cũng sẽ biến mất sau hàng triệu năm tồn tại.
Gửi phản hồi
In bài viết