Thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo việc làm
Xác định giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm nghèo bền vững nên cấp ủy, chính quyền xã Bình An (Lâm Bình) đã đề ra nhiều giải pháp trong công tác này, trong đó tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về lao động việc làm. Xã đã phối hợp với các đơn vị chức năng, doanh nghiệp tổ chức các hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm trên địa bàn làm thay đổi tư tưởng sợ đi lao động xa hay ngại đi học nghề. Nhờ đó nhiều người dân trong độ tuổi lao động được tư vấn, giới thiệu tìm việc làm phù hợp hoặc lựa chọn đi học nghề để nâng cao tay nghề. Tính từ năm 2020 đến 2024, trung bình mỗi năm xã giải quyết việc làm mới cho hơn 100 lao động tại chỗ và đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh với mức thu nhập bình quân từ 6 đến 15 triệu đồng/người/tháng.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang phối hợp tổ chức Ngày hội tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm năm 2024 cho người lao động, học sinh trên địa bàn tỉnh.
Tại xã Kháng Nhật (Sơn Dương), công tác giải quyết việc làm trong những năm gần đây đã có nhiều khởi sắc. Hàng năm, xã đều xây dựng kế hoạch giải quyết việc làm mới cho người lao động, đồng thời triển khai các giải pháp hiệu quả như: Khuyến khích phát triển kinh tế, kinh doanh dịch vụ, xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi tập trung... từ đó giúp các lao động có việc làm thường xuyên, tăng thu nhập cho gia đình. Tiêu biểu như trường hợp của gia đình anh Nguyễn Việt Lâm ở thôn Gốc Quéo đã mở Công ty TNHH MTV Sơn Dương Green Farm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tạo việc làm ổn định cho 7 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình từ 5 đến 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ quan tâm tạo việc làm tại chỗ, việc tổ chức các phiên tư vấn, giới thiệu việc, tuyển dụng lao động đi làm tại các khu, cụm công nghiệp trong nước đã được các ngành, đơn vị chức năng, các địa phương quan tâm, tổ chức. Qua đó đã tạo cơ hội giúp người dân địa phương tìm kiếm được việc làm phù hợp để nâng cao thu nhập cho gia đình. Đồng chí Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã phối hợp với các huyện, thành phố và các doanh nghiệp tổ chức các phiên giao dịch việc làm với sự tham gia của trên 100 doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh tham gia. Qua đó đã cung cấp trên 47.000 vị trí tuyển dụng việc làm và học nghề cho người lao động, học sinh trên địa bàn tỉnh. Thông qua các phiên giao dịch này đã giúp kết nối doanh nghiệp và người lao động, tạo cho người lao động của Tuyên Quang có nhiều cơ hội tìm kiếm cơ hội việc làm để đăng ký đi làm việc từ đó góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo trên địa bàn.
Về đích trước 3 tháng
Xuất khẩu lao động là một trong những điểm sáng trong giải quyết việc làm của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 1.022 lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, đạt trên 127% kế hoạch. Số lượng lao động đi xuất khẩu nước ngoài ngày càng tăng chứng tỏ uy tín và chất lượng của nguồn lao động trên địa bàn tỉnh cũng như những giải pháp được triển khai đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Gia đình ông Phạm Văn Đông ở thôn Cầu Cả, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) từng có vợ và con trai đi xuất khẩu lao động, trong đó vợ ông đi làm việc ở Đài Loan đã hết hợp đồng về nhà còn con trai ông đang xuất khẩu lao động ở thị trường Nhật Bản, mỗi tháng gửi về cho gia đình hơn 20 triệu đồng. Từ nguồn tiền này, gia đình ông Đông đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh tế ngày càng khá giả, gia đình ông đã xây được nhà 2 tầng khang trang. Ông Đông cho biết, trong thôn ông hiện có hàng chục người đi làm việc ở nước ngoài, thu nhập trung bình đạt hơn 20 triệu đồng/ người mỗi tháng. Nhờ xuất khẩu lao động mà nhiều gia đình đã đổi đời, có nguồn thu nhập ổn định từ xuất khẩu lao động, các gia đình đầu tư phát triển thêm các mô hình kinh tế, tích cực đóng góp, tham gia xây dựng nông thôn mới khiến diện mạo làng quê ngày càng khang trang, sạch đẹp.
Lao động làm việc trong lĩnh vực may mặc tại Khu Công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang).
Hiện nay, việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động cũng được các cơ sở đào tạo nghề quan tâm. Trong đó, việc đào tạo nghề ngắn ngày, đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nghề đã gắn với nhu cầu của xã hội hiện nay. Ông Trần Nhữ Thanh, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Liên kết và Giới thiệu việc làm, trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang cho biết, học sinh, sinh viên học nghề xong tại nhà trường 100% được giới thiệu việc làm, nếu đạt kết quả học nghề tốt không sợ không xin được việc làm vì trường liên kết, phối hợp doanh nghiệp về tận nơi để tuyển dụng.
Với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả đã giúp kế hoạch giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh về đích trước 3 tháng. 9 tháng qua, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 22.553 lao động, đạt 100% kế hoạch năm. Trong đó lao động làm việc tại các ngành kinh tế tại tỉnh là 14.123 người, lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong nước là 7.408 người và 1.022 lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. Việc giải quyết việc làm hiệu quả đã góp phần giảm nghèo bền vững, thúc đẩy kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác giải quyết việc làm cho người lao động, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các đơn vị, các huyện, thành phố tiến hành rà soát số người trong độ tuổi lao động để tư vấn giới thiệu việc làm và đào tạo nghề phù hợp. Cùng với đó, tạo điều kiện, cấp giấy phép cho các doanh nghiệp có uy tín tuyển dụng lao động trong tỉnh đi làm việc. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành Luật An toàn vệ sinh lao động, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho các lao động địa phương...
Gửi phản hồi
In bài viết