Từ sáng sớm Phụ nữ xã Thượng Lâm đã có mặt tại nương để trồng bông.
Từ những năm 1980 của thế kỷ trước, cả xã Thượng Lâm là vùng trồng bông rộng lớn mênh mông. Cây bông mơn mởn rì rào ngoài soi bãi, cây bông óng ả phủ màu xanh non trên các đồi nương. Người Tày trồng bông để dệt vải, làm chăn, làm thổ cẩm… Bởi thế mà thổ cẩm của người Tày ở Thượng Lâm cũng nổi tiếng từ giống bông bản địa. Tuy nhiên, dòng chảy thời gian đã mang theo sự thay đổi, khiến cho những sản phẩm công nghiệp dần thay thế những giá trị thủ công truyền thống. Nghề trồng bông, dệt vải một thời vinh quang bắt đầu phai nhạt trong ký ức của người dân nơi đây.
Không để cây bông chỉ nằm lại trong ký ức của người già, Hội LHPN xã Thượng Lâm đã triển khai chương trình khôi phục diện tích cây bông truyền thống, mang theo khát vọng khôi phục lại nghề trồng bông dệt vải, dệt thổ cẩm sống động một thời. Chương trình được triển khai bắt đầu từ thôn Nà Va với diện tích khoảng 2 sào và được chị em hội viên phụ nữ nơi đây tích cực hưởng ứng.
Những hạt bông được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi tra hạt.
Có mặt tại thôn Nà Va từ sáng sớm, khi ánh nắng ấm dần len lỏi qua những ngọn núi chúng tôi được chứng kiến không khí trồng bông đã lan tỏa khắp nơi, thổi bùng lên tinh thần hân hoan và kỳ vọng mới của phụ nữ xã Thượng Lâm. Họ cùng nhau gieo xuống đất những hạt giống bông như gieo những ước mơ và hy vọng mới đang bắt đầu nảy mầm.
Chị Chẩu Thị Kiều, thôn Bản Bó, xã Thượng Lâm vừa gieo những hạt bông xuống đất chị vừa kể: "Trước kia, khi sản phẩm vải công nghiệp chưa nhiều, nghề trồng bông dệt vải phát triển rất mạnh. Người làng chúng tôi cùng nhau trồng và thu hoạch những mẻ bông để dệt ra những sản phẩm làm trang phục, làm khăn đội đầu, làm chăn ga gối đệm… phục vụ việc cưới, việc tang.
Đối với những gia đình có con gái thì việc trồng bông dệt vài còn quan trọng hơn. Bởi theo truyền thống của người Tày ở Thượng Lâm, phụ nữ đi lấy chồng phải thêu đủ 12 tấm chăn trở lên và các sản phẩm khác như gối, khăn... Cô con gái gia đình nào có đủ 12 tấm chăn thì mới được chàng trai của bản đến cầu hôn xin được cưới hỏi về làm vợ".
Cùng nhau gieo xuống đất những hạt giống bông như gieo những ước mơ và hy vọng mới.
Bà Ngô Thị Minh, Chủ tịch Hội LHPN xã Thượng Lâm cho biết: Kế hoạch trồng bông là một phần của việc bảo tồn gìn giữ văn hóa truyền thống của người Tày nơi đây. Sự nhiệt huyết của các hội viên phụ nữ trong xã đã thắp sáng hơn ngọn lửa hi vọng đánh thức những giá trị quý báu từ tri thức bản địa trồng bông dệt vải của quá khứ và gửi gắm vào tương lai.
Gửi phản hồi
In bài viết