Ông Nguyễn Thanh Hùng chăm sóc “Cây hoa Bác Hồ”.
Nhìn cây lại nhớ đến Người
Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, do tình hình chiến sự nên Chủ tịch Hồ Chí Minh thường không ở một địa điểm quá 3 tháng để đảm bảo an toàn, bí mật. Ngày 19 tháng 12 năm 1948, Người chuyển đến ở và làm việc tại Lũng Trò thuộc xóm 5, xã Trung Trực. Trong thời gian Bác ở và làm việc tại Lũng Trò, cán bộ và nhân dân địa phương đều không biết cụ già thường mặc áo chàm của người dân tộc Tày, đi đôi dép cao su, đội chiếc nón lá, không quản ngày đêm hăng say làm việc, phong cách giản dị thanh cao là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người dân nơi đây tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc "ba không", không qua lại Lũng Trò để giữ bí mật, bảo vệ cán bộ. Lán Bác làm theo kiểu nhà sàn, tầng trên để Bác ngủ và làm việc ban đêm, tầng dưới làm việc ban ngày, như vậy tránh được thú dữ và không khí ẩm thấp của núi rừng.
Từ nhà sàn của Bác xuống suối được đánh thành các bậc cho dễ đi. Buổi sáng Bác thường đi xuống suối rửa mặt, tay cầm theo ống bương nước để khi đến thềm nhà dùng để rửa chân rồi vào làm việc. Bác có thói quen thích chơi hoa, cũng như ở các nơi khác, tại Lũng Trò, Người trồng khóm hoa trước cửa, vừa để ngụy trang nhà, vừa có hoa đẹp. Tuy chỉ có 21 ngày làm việc ở Trung Trực nhưng khi ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành một khối lượng công việc lớn cùng với công tác lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến. Người đã viết thư thăm hỏi, động viên, khích lệ nhân dân hăng hái thi đua ái quốc để huy động sức mạnh vật chất và tinh thần của khối đại đoàn kết dân tộc vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Cho đến nay, người dân xã Trung Trực vẫn giữ trọn tình yêu lớn lao với vị cha già dân tộc. Qua thời gian, tuy lán Bác ở không còn nhưng vẫn còn đó những cây hoa Người đã trồng. Hoa được người dân Lũng Trò gọi là “Cây hoa Bác Hồ”.
Đời sống nhân dân Lũng Trò, thôn 5, xã Trung Trực có nhiều đổi thay nhờ trồng cây ăn quả.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, chủ ngôi nhà gần di tích lán Bác ở cho biết, mấy chục năm nay, dù nắng gắt, mưa dầm nhưng khóm hoa Bác Hồ có sức sống kỳ lạ. Cây vẫn đâm chồi, nảy lộc tươi tốt và ra hoa đều đặn hàng năm. Hoa có màu đỏ tươi rất đẹp, rễ cắm sâu vào lòng đất. Hoa thường nở rộ từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau. “Cây hoa Bác Hồ” được ông Hùng và người dân xung quanh chăm sóc, tưới nước, cắt tỉa thường xuyên nên rất phát triển. Cây hoa còn được người dân ở Trung Trực và nhiều nơi khác mang giống về trồng ở nhà, các tuyến đường, khuôn viên trường học, công sở.
Xây dựng cuộc sống no ấm hơn
Đến xã Trung Trực đúng những ngày mưa nhưng con đường không còn lầy lội như trước kia bởi đã được bê tông hóa gần 100%. Đường bê tông đã vào tận vườn bưởi, nhà dân. Tháng 3, vườn bưởi ngát hương hoa báo hiệu một mùa thu hoạch đầy hứa hẹn bội thu của người dân nơi đây. Đồng chí Trần Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Trực cho biết, phát huy truyền thống cách mạng, có di tích Bác Hồ đã ở và làm việc, người dân Trung Trực quyết tâm xây dựng cuộc sống mới no ấm hơn để Trung Trực trở thành một mảnh đất trù phú.
Những năm trở lại đây, đời sống người dân Trung Trực từng bước được nâng lên nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Người dân đã tích cực trồng rừng, trồng cây ăn quả như bưởi, hồng không hạt. Hiện nay, toàn xã có trên 1.000 ha rừng và 400 ha cây ăn quả. Trong đó có 200 ha rừng người dân trồng giống keo mô theo Nghị quyết hỗ trợ của HĐND tỉnh. Đường liên thôn và nội thôn đã được bê tông hóa đạt 97%. Tỷ lệ nhà xây kiên cố, hộ gia đình có 3 công trình vệ sinh đạt chuẩn đạt trên 70%. Thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt 30 triệu đồng/người/năm. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn trên 7%.
Nhân dân xã Trung Trực bê tông hóa đường giao thông nông thôn.
Xóm 5 là điển hình trong phong trào làm kinh tế của xã. Ông Lương Tiến Tùng, trưởng thôn 5 cho biết, người dân trong thôn tự hào vì nơi đây có di tích Bác Hồ ở và làm việc trong kháng chiến chống Pháp, tự hào vì còn lưu giữ cây hoa Bác trồng. Bởi vậy, những năm qua thôn luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, hăng hái làm đường bê tông, kiên cố hóa kênh mương nội đồng và vươn lên thoát nghèo.
Nhiều năm qua, thôn luôn đạt thôn văn hóa. Thôn dẫn đầu trong xã về diện tích trồng rừng và cây ăn quả. Nhiều hộ trong thôn đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Anh Lục Văn Chiến, hộ mới thoát nghèo trong thôn nhờ trồng rừng và trồng cây ăn quả chia sẻ: “Là thế hệ thanh niên sinh ra trên mảnh đất quê hương cách mạng thì không thể để cái nghèo đeo bám. Tôi luôn cố gắng thoát nghèo để cùng bà con trong thôn xây dựng cuộc sống ấm no như Bác hằng mong”.
Thời gian qua đi, Trung Trực ngày càng đổi thay để tương lai không xa sẽ trở thành một mảnh đất trù phú. Chỉ có những khóm hoa Bác Hồ trồng sẽ còn mãi như tình cảm của Người dành cho người dân nơi đây và tình yêu thủy chung, sắt son của nhân dân Trung Trực đối với Bác.
Gửi phản hồi
In bài viết