Ngay trong bài tổng quan về cuốn sách, tư tưởng chủ đạo xuyên suốt toàn bộ các bài viết, bài phát biểu, kết luận của Tổng Bí thư là tập trung trả lời một số câu hỏi lớn như: Tham nhũng, tiêu cực là gì? Tác hại của tham nhũng, tiêu cực? Nhận thức của Đảng, Nhà nước ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực? Kết quả đạt được và bài học rút ra từ thực tiễn? Phải làm gì và làm như thế nào để tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng , tiêu cực trong thời gian tới?
Cuốn sách của Tổng Bí thư như một bức tranh toàn cảnh về thực trạng công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng trong những nhiệm kỳ gần đây, đặc biệt nêu quyết tâm và những cách làm hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Với cách phân tích sâu sắc, nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, khi đọc cuốn sách, người đọc sẽ hiểu thế nào là tham nhũng, tiêu cực, vì sao nó được ví như “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, là giặc nội sinh nguy hiểm, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Nguyên nhân cơ bản và sâu xa của tham nhũng là do chủ nghĩa cá nhân, do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, những người “có ít nhiều quyền hành trong bộ máy chính trị”. Những người này, ban đầu có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sạch, lành mạnh. Tuy nhiên, khi trong tay có quyền hành thì đã không thắng được “giặc ở trong lòng”, dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Chính sự suy thoái này là cái gốc của tiêu cực, từ đó nảy sinh lòng tham, dẫn đến tham ô, tham nhũng, lãng phí.
Việc phòng chống tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống là một công việc rất quan trọng và vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục bền bỉ, không ngừng nghỉ ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; được thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm.
Như vậy, phòng chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng chống sự suy thoái trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chính là trị tận gốc của tham nhũng. Bản thân cán bộ, đảng viên trước hết phải nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình, tích cực rèn luyện, phấn đấu để không sa vào chủ nghĩa cá nhân, không suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống để không dám, không thể, không cần và không muốn tham nhũng./.
Gửi phản hồi
In bài viết