Tạo bứt phá trong thực hiện Chương trình MTQG vùng đồng bào dân tộc thiểu số

- Với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi bền vững, mỗi năm phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm bình quân 4%, tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc và Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Kết quả tích cực

Đông Thọ một trong những địa phương khó khăn của huyện Sơn Dương, cùng với chú trọng tuyên truyền, vận động Nhân dân tự lực vươn lên, xã đã triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất theo các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giúp nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Để nguồn vốn đầu tư Chương trình đạt hiệu quả cao nhất, UBND xã đã ban hành các kế hoạch, thông báo đến các thôn và người dân thuộc đối tượng được hưởng lợi đăng ký nhu cầu hỗ trợ, từ đó, phân bổ vốn thực hiện các dự án, tiểu dự án.

Người dân thôn Tân An, xã Đông Thọ (Sơn Dương) nhận hỗ trợ gà giống và thức ăn chăn nuôi.

Từ năm 2023, từ nguồn vốn chương trình xã đã hỗ trợ 43 nhà ở cho hộ đồng bào DTTS nghèo, kinh phí 1,9 tỷ đồng; hỗ trợ 286 téc nước sinh hoạt cho bà con nhân dân; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 40 hộ nghèo với kinh phí 400 triệu đồng; duy tu bảo dưỡng tuyến hàng chục tuyến đường; hỗ trợ hàng nghìn con gà giống, dê và cây trồng cho đồng bào DTTS…

Đồng chí Nguyễn Thanh Ba, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đông Thọ cho biết, chương trình thực sự đã thổi một luồng gió mới vào đời sống của bà con. Từ nguồn vốn hỗ trợ, nhiều hộ gia đình đã có điều kiện đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi theo hướng bền vững, áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng như đường giao thông, trường học, trạm y tế cũng được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, học tập và chăm sóc sức khỏe. Đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của xã giảm còn 7,01%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch giao là 8,35%).

Xã Tân Thành (Hàm Yên) có 20 thôn, trên 2.400 hộ, với 12 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó người DTTS chiếm 64% chủ yếu là người Tày, Dao… Thời gian qua, các chương trình, dự án, chính sách dân tộc được triển khai đã phát huy hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích, đối tượng.  Xã đã tập trung triển khai các dự án như hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi, đa dạng hóa sinh kế, cải thiện dinh dưỡng, đào tạo nghề, xây dựng hạ tầng nông thôn...  

Ngoài ra, xã tập trung nguồn lực các chương trình, dự án thực hiện hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đơn cử, gia đình anh Dương Văn Bính, thôn 2 Thuốc Thượng, xã Tân Thành được hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng nhà ở. Anh vay thêm 100 triệu đồng và nhờ bà con, họ hàng giúp ngày công, vật tư để xây căn nhà mới. Anh Bính vui mừng: “Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, gia đình tôi đã có ngôi nhà mới. Bây giờ yên tâm sinh sống, chăm chỉ làm ăn để phát triển kinh tế gia đình”.

Phát huy hiệu quả chương trình

Xác định nguồn lực từ chương trình giữ vai trò quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là nâng cao đời sống cho người dân vùng đồng bào DTTS, tỉnh đã triển khai đồng bộ và hiệu quả nhiều giải pháp. Trong đó, tỉnh tập trung ưu tiên phân bổ nguồn vốn hợp lý, đảm bảo đến đúng đối tượng và mục tiêu đề ra. Cùng với đó, tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình, khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo trong phát triển kinh tế hộ gia đình và cộng đồng. Tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình ở các cấp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo tiến độ và chất lượng các dự án, góp phần tạo ra những thay đổi tích cực và bền vững cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Người dân xã Tân Thành (Hàm Yên) được hỗ trợ téc nước sinh hoạt.

Các chương trình, chính sách dân tộc được triển khai tại tỉnh đã phát huy được hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh giảm từ 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm bình quân 5%/năm; bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều chuyển biến; hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư mở rộng, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, sinh hoạt, giao thương trao đổi hàng hóa ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Đến nay, đã có 20/50 xã thoát ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.  

Năm 2025, UBND tỉnh giao vốn sự nghiệp ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là trên 321 tỷ đồng. Trong đó, các huyện, thành phố trên 268 tỷ đồng; các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh trên 53 tỷ  đồng.

Đồng chí Hoàng Thị Thắm, Phó Giám đốc Sở  Dân tộc và Tôn giáo tỉnh cho biết, với quyết tâm chính trị cao và những nỗ lực không ngừng, các cấp, các ngành đang dồn lực thực hiện các mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đặc biệt, mục tiêu đến hết năm 2025 giảm tỷ lệ 50% số xã và 50% số thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh đang được triển khai đồng bộ các giải pháp quyết liệt và hiệu quả. Trong thời gian tới, Sở sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương để rà soát, đánh giá chính xác thực trạng khó khăn ở từng xã, từng thôn, từ đó xây dựng các chương trình, kế hoạch hỗ trợ sát với thực tế và nhu cầu của người dân.

Một trong những giải pháp then chốt là tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện, nước sạch, trường học, trạm y tế ở các vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, đơn vị sẽ đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số sẽ tiếp tục được chú trọng; tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ, giúp người dân có thể tự vươn lên, thoát khỏi đói nghèo một cách bền vững.

Năm 2025 là năm cuối để các địa phương tiếp tục bứt phá trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Dù còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng với nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận của Nhân dân, việc thực hiện Chương trình đã và đang tạo nhiều chuyển biến đáng kể ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Bài, ảnh: Thanh Tùng

Tin cùng chuyên mục