Việt Nam đã tham gia tích cực và hiệu quả vào Công ước Liên Hợp Quốc về quyền của người khuyết tật, hệ thống luật pháp về người khuyết tật cũng đã được hoàn thiện từng bước, Luật Người khuyết tật được Quốc hội ban hành, năm 2010 cùng với nhiều chính sách trợ giúp người khuyết tật đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực.
Anh Lương Văn Tùng (thứ 3 từ trái sang), xóm 3, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) được vay vốn không lãi suất từ Đề án để phát triển sinh kế, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Ở tỉnh ta các hoạt động bảo trợ chăm sóc người khuyết tật được thực hiện với nhiều hình thức, và đạt hiệu quả cao. Điển hình như: khám bệnh, phát thuốc miễn phí; hướng dẫn phục hồi chức năng tại nhà; tặng xe lăn, xe đẩy, máy trợ thính; xây mới và sửa chữa nhà ở, nhà vệ sinh; tặng học bổng và quà cho người khuyết tật và trẻ mồ côi. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh đã sáng tạo trong việc xây dựng “Đề án Chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ sinh hoạt, sinh kế cho người khuyết tật và trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh”.
Tuy nhiên bên cạnh những việc đã làm được, việc tạo điều kiện để người khuyết tật tái hòa nhập vẫn còn gặp một số khó khăn như: nhiều nơi công cộng như công viên, khu vui chơi... còn thiếu, hệ thống giao thông hữu ích hỗ trợ người khuyết tật; hiện có nhiều công trình đang xây dựng thiếu phương tiện và trang thiết bị để người khuyết tật có thể sử dụng; một số trẻ khuyết tật chưa được đến trường. Đặc biệt là vấn đề tạo việc làm đối với người khuyết tật, còn nhiều cơ sở lao động không nhận người khuyết tật vào làm việc nên tỷ lệ người khuyết tật thất nghiệp vẫn còn cao.
Trên thực tế đã có nhiều tấm gương khuyết tật vươn lên khẳng định năng lực bản thân. Họ luôn tâm niệm “Khuyết tật chỉ là sự bất tiện, không phải là sự bất hạnh”. Tuy nhiên để tất cả người khuyết tật có cơ hội hòa nhập họ cần nhiều hơn sự quan tâm hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể và tinh thần của cộng đồng.
Gửi phản hồi
In bài viết