Đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của tỉnh
Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang được doanh nhân Bùi Thị Thúy dẫn dắt, chèo lái từ một hộ kinh doanh vươn lên thành doanh nghiệp tư nhân phát triển hàng đầu của tỉnh. Doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với ngành nghề chính là mua bán chế biến các mặt hàng nông lâm sản. Những năm qua, doanh nghiệp đồng hành, gắn kết và hỗ trợ người nông dân, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông lâm sản của địa phương.
Doanh nhân Bùi Thị Thúy chia sẻ: Sự phát triển của doanh nghiệp luôn gắn liền với sự phát triển của tỉnh Tuyên Quang. Đây vừa là niềm tự hào, vừa là động lực lớn thúc đẩy Sao Việt phát triển trong từng giai đoạn. Hiện Sao Việt đã xây dựng và vận hành ba nhà máy chế biến gỗ rừng trồng cùng 34 cơ sở thu mua và chế biến nằm trong vùng nguyên liệu tại các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh, mỗi năm đóng góp vào ngân sách tỉnh hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 300 lao động và đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ dân chăn nuôi và trồng rừng tại địa phương thông qua các hợp đồng đầu tư, tài trợ và hợp tác, cộng tác, liên doanh.
Đối tác nước ngoài thăm khu sản xuất ván ép xuất khẩu của Nhà máy PLYWOOD tại Khu công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang) của Công ty TNHH Sao Việt Tuyên Quang.
Đặc biệt, sản phẩm ván gỗ công nghiệp của doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Với những gì đã và đang làm, doanh nghiệp này kỳ vọng trong những năm tới sẽ tiếp tục phát triển bền vững cùng những người nông dân tỉnh nhà, nâng cao giá trị sản phẩm nông lâm sản và hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời hoàn thành xây dựng nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu với quy mô hơn 4 ha, sản lượng trên 3.000 m3/tháng gỗ thành phẩm xuất khẩu tại Khu công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang) theo quy mô đã được phê duyệt. Dự án không chỉ góp phần tạo thêm việc làm cho người lao động mà còn đặc biệt góp sức phát triển công nghiệp, đóng góp vào việc phát triển tỉnh Tuyên Quang trở thành trung tâm chế biến lâm sản lớn nhất vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
3 dự án thủy điện được đầu tư xây dựng bởi Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Lam Sơn, gồm: Thủy điện Sông Lô 8A, 8B và Sông Lô 7 đóng góp cho ngân sách nhà nước, cho tỉnh hơn 55 tỷ đồng/năm. Ông Bàn Văn Giáp, Phó giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Lam Sơn cho biết: Đầu tư các nhà máy ở tỉnh Tuyên Quang được các cấp chính quyền tạo điều kiện, giúp đỡ rất nhiều nên 3 nhà máy hoàn thành đúng tiến độ. Dự kiến năm 2025 sản xuất 200 tr.Kwh, đóng góp 107 tỷ đồng vào giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh.
Theo báo cáo của Sở Tài chính, trên địa bàn tỉnh hiện có 2.837 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, 19 doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu về thương mại, dịch vụ trên 1.506 doanh nghiệp, chiếm 53%; công nghiệp - xây dựng trên 1.203 doanh nghiệp, chiếm trên 42%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 128 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 4,5%. Năm 2024, thu thuế từ các doanh nghiệp đạt trên 2.424,8 tỷ đồng, chiếm 60% tổng thu nội địa.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã khai thác được tiềm năng thế mạnh của địa phương; góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, giải quyết việc làm, tăng thu cho ngân sách, cải thiện đời sống cho nhân dân.
Cần thêm động lực
Tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 15/2022/NQ-CP ngày 13/7/2022 của HĐND tỉnh. Theo đó, đã hỗ trợ 205 doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh (mỗi doanh nghiệp 1 con dấu pháp nhân và 1 chữ ký số sử dụng trong 3 năm đầu sau khi thành lập) với tổng số tiền hỗ trợ trên 659,87 triệu đồng,… Đồng thời hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử và sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực song khu vực kinh tế tư nhân của tỉnh phát triển chưa xứng với tiềm năng. Nguyên nhân như nhận định của Tổng Bí thư Tô Lâm Trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”: Có đóng góp quan trọng nhưng kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, không thể bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh.
Phần lớn doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tiềm lực tài chính và trình độ quản trị hạn chế, thiếu sự kết nối với nhau cũng như với khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài; chưa tận dụng tốt các cơ hội mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, vẫn chậm chuyển đổi số, rất ít doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, ít chú trọng đổi mới mô hình kinh doanh, đổi mới công nghệ hoặc sáng tạo sản phẩm mới. Vì vậy, rất khó nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy năng lực cạnh tranh, nâng tầm giá trị doanh nghiệp và vươn tới đẳng cấp quốc tế.
Sản xuất gạch tuynel công nghệ cao tại Công ty cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang.
Ngoài những hạn chế nội tại, các doanh nghiệp tư nhân còn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn tín dụng, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các ngành công nghệ, kỹ thuật và tài chính. Hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, chồng chéo, môi trường kinh doanh nhiều trở ngại, thủ tục hành chính phức tạp, tốn nhiều thời gian, chi phí và tiềm ẩn rủi ro. Mặt khác, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ chưa thực sự hiệu quả và công bằng giữa các khu vực kinh tế và không dễ tiếp cận đối với kinh tế tư nhân…
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: Cần xác định kinh tế tư nhân là chiến lược, chính sách lâu dài quốc gia. Kinh tế tư nhân phải là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, có trách nhiệm xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tham gia xây dựng xã hội văn minh, hiện đại và góp phần xây dựng một Việt Nam năng động và hội nhập quốc tế.
Kinh tế tư nhân cần phấn đấu trở thành lực lượng chủ lực, đi đầu trong ứng dụng công nghệ và đổi mới, sáng tạo, để đạt mục tiêu đóng góp khoảng 70% GDP vào năm 2030; ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân có năng lực cạnh tranh toàn cầu, làm chủ công nghệ và hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng quốc tế; cùng cả nước xây dựng nên một Việt Nam năng động, độc lập, tự chủ, tự cường và phát triển thịnh vượng.
Đồng hành cùng doanh nhân, doanh nghiệp tạo động lực phát triển khu vực kinh tế tư nhân, tại hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp tháng 3 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: Thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 và những năm tiếp theo lên 2 con số, tỉnh đang thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho từng dự án, từng doanh nghiệp khi có phát sinh. Đồng thời yêu cầu các sở, ngành thực hiện nghiêm việc cắt giảm 30% TTHC. Tỉnh cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp gỡ vướng để các doanh nghiệp có dư địa phát triển. Đồng thời tỉnh sẽ làm tốt công tác quy hoạch để thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh…
Với sự hỗ trợ của các chính sách Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự chủ động của doanh nghiệp, kỳ vọng khu vực kinh tế tư nhân ngày càng phát huy được thế mạnh trong nền kinh tế thị trường, đóng góp vào sự tăng trưởng của tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết