Một bảo tàng đặc biệt
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (quận 3, thành phố Hồ Chí Minh) được thành lập sau ngày đất nước thống nhất (30-4-1975) nhằm lưu lại những chứng tích anh hùng của nhân dân Việt Nam đồng thời tố cáo những tội ác của thực dân, đế quốc. Ban đầu công trình có tên là “Nhà trưng bày tội ác Mỹ - Ngụy”, được mở cửa đón tiếp công chúng vào ngày 4-9-1975; sau đó đổi tên là “Nhà trưng bày tội ác chiến tranh xâm lược” (năm 1990) và từ năm 1995 đến nay mang tên “Bảo tàng Chứng tích chiến tranh”.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là thành viên của hệ thống Bảo tàng Hòa bình thế giới và Hội đồng Bảo tàng thế giới. Bảo tàng có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản và trưng bày các tài liệu, hiện vật về tội ác, hậu quả của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, qua đó kêu gọi chống chiến tranh phi nghĩa, bảo vệ hòa bình và tình đoàn kết nhân dân các nước trên thế giới.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là một công trình hiện đại, có khuôn viên 5.400m2. Kiến trúc chính là khối nhà trưng bày 3 tầng với tổng diện tích sàn là 4.522m2. Ngoài ra, còn có một số công trình phụ trợ cùng diện tích trưng bày ngoài trời là 3.026m2. Bảo tàng hiện lưu giữ 20.000 tài liệu, hiện vật và phim ảnh, trong đó, hơn 1.500 tài liệu, hiện vật được giới thiệu tại 8 chuyên đề trưng bày thường xuyên. Ngoài ra, bảo tàng còn thực hiện nhiều triển lãm lưu động phục vụ công chúng ở thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là một trong những điểm đến hấp dẫn ở thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là với du khách nước ngoài. Rất nhiều người Mỹ đã tìm đến đây để hiểu hơn về cuộc chiến tranh tàn khốc trong lịch sử nhân loại. Từ khi hoạt động đến nay, bảo tàng đã đón tiếp trên 15 triệu lượt khách tham quan trong và ngoài nước. Trước khi có dịch Covid-19, nơi đây thu hút khoảng 500.000 lượt khách mỗi năm. Năm 2013, trang Trip Advisor đã bình chọn Bảo tàng Chứng tích chiến tranh của Việt Nam là một trong 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á.
Những khoảng lặng...
Nếu nói về chuyên môn thì các phần trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh khá đơn giản. Hiện vật chủ yếu là những tấm ảnh do phóng viên chiến trường của cả hai phía và các hãng thông tấn quốc tế chụp trong và sau chiến tranh. Những tấm ảnh đó chính là lịch sử, là sự thật khách quan không thể chối cãi. Bên cạnh các bức ảnh còn có một số hiện vật, đa phần là vũ khí. Tại sân bảo tàng có trưng bày bộ sưu tập khí tài hạng nặng như xe tăng, máy bay, pháo...
Dù vậy, các trưng bày chuyên đề tại bảo tàng luôn gây ấn tượng mạnh với du khách, đặc biệt là không gian “Tội ác chiến tranh xâm lược” và “Hậu quả chất độc da cam trong chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam”. Nhiều du khách đã lặng người, không cầm được nước mắt khi xem những bức ảnh ghi lại sự tàn khốc của chiến tranh, như phần trưng bày về vụ thảm sát Sơn Mỹ (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) vào ngày 16-3-1968, vụ thảm sát Thạnh Phong (Thạnh Phú, Bến Tre) vào ngày 25-2-1969 hay bức ảnh “Em bé Napalm” nổi tiếng thế giới của phóng viên Nick Út (Mỹ) - tác phẩm ảnh báo chí đã giành nhiều giải thưởng quốc tế và đứng thứ 41/100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng lớn của thế kỷ XX do Đại học Columbia bình chọn... Trong không gian trưng bày “Hậu quả chất độc da cam trong chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam”, màu sơn da cam trên tường khiến không ít người bị ám ảnh bởi những hình ảnh thương tâm của nạn nhân chất độc da cam... Đứng trong không gian tĩnh lặng của bảo tàng có thể nghe rõ tiếng thở dài, tiếng lầm rầm cầu nguyện hay tiếng khóc. Đó là những cảm xúc khó diễn tả bằng lời của nhiều du khách khi đến thăm Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.
Nguyễn Văn Vũ, sinh viên Trường Đại học Tài chính - Marketing (thành phố Hồ Chí Minh) tới bảo tàng một mình, trên tay là cuốn sổ và cây bút. Anh cho biết: “Tôi tới đây để tìm hiểu lịch sử. Có quá nhiều điều để xem và suy nghĩ khi tham quan nơi này. Đây là bảo tàng ấn tượng nhất của thành phố. Nếu ai đã tới, chắc chắn sẽ không bao giờ quên”. Còn anh Richard Santos, một người Mỹ đến bảo tàng cùng vợ là người Việt Nam, chia sẻ: “Tôi chưa từng thấy bảo tàng nào gây ám ảnh như ở đây. Tôi là người Mỹ, dù gia đình không có ai liên quan đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam nhưng tôi vẫn cảm thấy có lỗi. Chiến tranh thật tàn nhẫn và vô nghĩa. Tôi chỉ mong thế giới không còn chiến tranh...”.
Gửi phản hồi
In bài viết