Nguyên nhân sâu xa của vấn nạn tham nhũng xuất phát từ lòng tham của con người, do chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy trong mỗi người. Khi có những điều kiện có thể bớt xén của công làm của riêng thì lập tức bỏ qua danh dự, lòng tự trọng để vơ vét, đục khoét từ những thứ nhỏ đến khối tài sản lớn, có giá trị. Nếu ví tham nhũng vặt là lũ “chuột nhắt” gây phiền toái rất lớn cho nhiều hộ gia đình, thì còn tồn tại một loài chuột to lớn hơn nhiều, chuyên hoành hành, phá hoại mùa màng đến độ “chỉ ba năm mà dân không sống nổi, phải bỏ đi biệt xứ”. Sách xưa gọi chúng là “thạc thử” – tức là “con chuột lớn”. Chúng chính là lũ tham quan ô lại nhà giàu nứt đố đổ vách nhưng lòng tham không đáy, cậy quyền cậy thế ra sức vơ vét của công bằng nhiều thủ đoạn tinh vi. Thậm chí ngay cả khi đứng trước vành móng ngựa, chúng còn coi hành vi tham nhũng bị phát giác chẳng qua là do “số đen”, coi việc đi tù như đi “an dưỡng”, ra tuồng thách thức cả pháp luật. Thật không từ ngữ gì diễn tả hết được.
Phiên họp thứ 26, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tham nhũng nhìn từ lịch sử
Lịch sử phong kiến Việt Nam có nhiều tấm gương làm quan thanh liêm, chính trực, không vì vàng bạc châu báu mà làm chuyện đại nghịch vô đạo, ý thức được sự nguy hiểm của vấn nạn tham nhũng trong bộ máy cầm quyền, trong đó phải kể đến Đặng Huy Trứ - vị quan thanh liêm phục vụ dưới triều vua Tự Đức nhà Nguyễn, với tác phẩm độc nhất vô nhị: Từ thụ yếu quy (những quy tắc chủ yếu về sự nhận và không nhận), cuốn sách được coi là kinh điển đầu tiên của Việt Nam về phòng chống tham nhũng. Từ thụ yếu quy không những chỉ dẫn rất rõ ràng giúp người làm quan chân chính nhận ra những chiêu trò của kẻ hối lộ, mà còn có những lời nhắc nhở mang tính cảnh tỉnh đối với người làm quan. Ngoài bìa sách ghi: Bàn về nạn hối lộ và đức thanh liêm của người làm quan, tác giả xin được lược thuật một số điều vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay, gọi là “ôn cố tri tân”.
Sách Từ thụ yếu quy bàn về 104 trường hợp phải “từ” (nghĩa là từ chối), chỉ có 5 trường hợp có thể “thụ” (nghĩa là nhận). Đối với 5 trường hợp có thể nhận, có 4 trường hợp xuất phát từ yếu tố văn hoá truyền thống hoặc từ động cơ trong sáng của người biếu, người nhận không cảm thấy hổ thẹn với lương tâm và không vi phạm pháp luật, vì tấm lòng mà có thể nhận, nên không bàn đến. Duy chỉ trường hợp: Tặng quà nhân dịp lễ, tết hàng năm thì cần xem xét lại vì thời nay việc này đã bị biến tướng ít nhiều, làm mất đi ý nghĩa nhân văn sâu sắc của nó. Việc tặng quà Tết vốn mang mục đích tốt đẹp là cầu chúc một năm mới bình an, may mắn, thông qua việc đem tặng nhau những món quà đầu năm không chỉ như gửi lời cảm ơn đến những người đã quan tâm, giúp đỡ mình mà còn mong muốn tăng cường mối quan hệ trong năm mới. Tuy nhiên, ngày nay việc tặng quà Tết lại có thể là cơ hội để việc tham nhũng thông qua “đưa hối lộ” và “nhận hối lộ” một cách hợp pháp. Chính vì vậy, nhiều năm gần đây, năm nào Trung ương Đảng cũng ra Chỉ thị về việc không biếu quà Tết, tặng quà Tết cấp trên. Đấy là về việc biếu quà Tết, còn như người nào khước từ tuốt luốt cả 05 trường hợp có thể nhận, thì theo như lời cụ Đặng nói rằng: “nhân phẩm còn cao hơn ta gấp vạn lần”.
Ngoài 5 trường hợp có thể nhận thì đại đa số là phải từ chối (104 trường hợp, gọi là 104 kiểu “mua bán lương tâm”), có những trường hợp đến giờ vẫn còn nguyên giá trị giáo dục, mang tính thời sự, là lời cảnh tỉnh cho người cán bộ, công chức đang phục vụ trong bộ máy công quyền hiện nay. Xin tóm gọn một vài kiểu hối lộ điển hình:
Địa phương hối lộ các quan đến thanh tra - đã là cán bộ thanh tra, tức là lực lượng nòng cốt chuyên trách phòng chống tham nhũng, tiêu cực, khi được cấp trên giao phó thực hiện kiểm tra, xem xét tại chỗ việc làm của địa phương, tổ chức để phát hiện và ngăn chặn những việc làm trái với quy định, tức là luôn luôn phải “dĩ công vi thượng”, đem lòng chí công vô tư mà đối xử với người, với việc, tất cả vì nhiệm vụ chung, không mảy may có chút chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ, tự tư tự lợi trong thực hiện công vụ. Vậy mà thời nay, có người cán bộ thanh tra ngành ngân hàng, đã làm đến chức vụ lãnh đạo của một Cục, cuộc sống được no đủ hơn nhiều người trong xã hội nhưng vì lòng tham vô đáy, sẵn sàng nhận cả núi tiền hối lộ để rồi “bẻ cong” pháp luật, thực hiện hành vi tiếp tay, bao che, bưng bít cho những sai phạm nghiêm trọng không thể tưởng tượng của một vài cá nhân thuộc ngân hàng nọ, thật đáng xấu hổ. Quan thanh tra “vâng mệnh vua, cầm cờ tiết đi kinh lược việc lớn” mà không biết đấu tranh với chính mình trước những cám dỗ đời thường, thì hỏi rằng triều đình biết trông cậy vào đâu, nhân dân biết trông cậy vào đâu ?
Quan lại xảo quyệt hối lộ cầu được tiến cử/Quản cơ, suất đội hối lộ để được ra coi cửa quan, cửa biển (hối lộ để được bổ vào vị trí có nhiều lợi lộc) - thời xưa, làm quan coi cửa quan, cửa biển thường được coi là “suất vip” vì thu được rất nhiều của cải bất chính. Thuyền đánh cá ngư dân sớm đi chiều về, thuyền buôn trong nước, nước ngoài đi qua đều bị đòi biếu sản vật như là phí “mãi lộ”, khi thì cá tôm, cua bể, khi thì tiền, gạo, thổ sản,… Do vậy nhiều người chạy chọt, hối lộ để được vào những vị trí ấy. Ngẫm lại thời nay, việc mua quan bán chức chẳng phải cũng diễn ra như vậy hay sao? Có người tuy không có điều kiện nhưng mang tư duy sẵn sàng vay mượn tiền của để “mua” những vị trí cao hơn, quyền hành hơn, được chức rồi họ tiến hành “gỡ gạc lại những gì mất” bằng những cách sau: “dùng quyền uy sách nhiễu nhân dân để mà lấy lại, dùng mưu mẹo để mà lấy lại, dùng việc công để mà lấy lại, dùng việc án để mà lấy lại, dùng ngày giỗ cha mẹ để mà lấy lại, dùng việc cưới xin con cái để mà lấy lại” (2]). Thật đáng khinh bỉ.
Phụ nữ hối lộ để xin gặp - nào là “đứng mà bẩm không bằng ngồi mà bẩm, ngồi mà bẩm không bằng nằm mà bẩm” ([3]). Chuyện đáng chê cười như vậy thời nay chẳng hiếm. Đâu đó vẫn còn những người phụ nữ kém đoan trang, sẵn sàng bán đi phẩm hạnh của mình để cầu tiến thân, cầu danh lợi, như chuyện cô “hot girl” nào đó ở tỉnh lớn nọ thăng tiến thần tốc và sở hữu nhiều biệt thự, xe sang nhờ quan hệ bất chính với một vị lãnh đạo tỉnh là một ví dụ điển hình. Từ một người tạp vụ làm hợp đồng công tác ở Liên đoàn lao động tỉnh, chỉ trong vòng ba năm lên đến chức trưởng phòng của một Sở khi chưa đáp ứng các tiêu chuẩn về thâm niên công tác, về trình độ đào tạo, thậm chí còn quy hoạch lên đến Phó giám đốc Sở. Nếu không có sự “mua bán lương tâm” trong chuyện này thì làm sao nhận được ưu ái của “quan bề trên” lớn đến như vậy. Người phụ nữ khi không giữ được cương thường luân lý sẽ là mối nguy cho gia đình và xã hội.
Và còn vô số trường hợp khác nữa mà ta phải cương quyết từ chối, như câu chốt lại của mỗi trường hợp phải “từ” đều được Đặng Huy Trứ nêu như một định đề đanh thép không thể lay chuyển: “Thứ hối lộ ấy không thể nhận”. Đến đây, chợt nhớ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng viết: “Tôi đề nghị Nhà nước nên tài trợ cho in lại cuốn Từ thụ yếu quy để phát cho người làm quan của mình. Mỗi học viên các trường hành chính các cấp các ngành nên thuộc lòng Từ thụ yếu quy để chống lại một thứ tai nạn xã hội trước sau gì cũng sẽ đến với họ”.
* Phòng chống tham nhũng ngày nay như thế nào ?
Tham ô, tham nhũng hiện đang là căn bệnh nan y ở mọi quốc gia, mọi chế độ, mọi trình độ phát triển. Ý thức được sự nguy hiểm của căn bệnh tham nhũng, tại các kỳ Đại hội, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Trong đó, phòng chống tham nhũng, tiêu cực là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta. Tuy nhiên, nạn tham ô, tham nhũng đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp, cả về mức độ nghiêm trọng và số lượng. Chỉ trong vòng một vài năm trở lại đây đã có biết bao vụ án đại án tham nhũng bị phanh phui, đặc biệt trong thời gian cả nước gồng mình chiến đấu chống đại dịch Covid-19, khiến dư luận và nhân dân hết sức bất bình về sự coi thường luật pháp, coi thường công lý của các đối tượng.
Đâu đó trong cuộc sống hàng ngày, ta vẫn thường nghe những lời nói như mật ngọt rót vào tai, kiểu như: “chuyện này chỉ có trời biết, đất biết, anh biết, tôi biết…”. Nếu ta không cảnh giác, tâm không vững, trí không sáng sẽ rất dễ bị “ma dẫn lối, quỷ đưa đường” đưa ta vào con đường làm những chuyện đại nghịch vô đạo, trở thành loài sâu mọt đục khoét trên xương máu đồng loại. Vậy thì, ta chỉ có thể phòng chống tham nhũng bằng lương tâm thôi sao? Điều đó đúng một phần lớn, bởi nói cho cùng, đối với người làm quan, quan trọng nhất vẫn là lương tâm, là liêm sỉ, là đạo đức công vụ, và hơn thế nữa, đó còn là tấm gương cho thế hệ con cháu nhìn vào đó mà tu thân, tránh xa những cám dỗ, ma lực của đồng tiền hối lộ. Có như vậy, ta mới dám khảng khái, tự tin đứng thẳng trong trời đất.
Ngoài ra, về mặt quản trị nhà nước, phải chăng do ta đã quá nhân đạo, trong việc xét xử tội phạm tham nhũng còn thiên về “đức trị”, “nhân trị” nhiều hơn mà chưa đẩy mạnh “pháp trị”, do vậy các hình phạt chưa đủ sức răn đe người phạm tội? Theo Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017, cán bộ tham nhũng vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ bị tử hình, nhưng trong thực tế hiếm khi mức án này được áp dụng. Ngoại trừ vụ án Trần Dụ Châu tham nhũng quân nhu trong quân đội và bị xử tử hình cách đây đã ba phần tư thế kỷ thì đến nay vẫn chưa có một “con sâu mọt đục khoét trên xương máu nhân dân” nào bị kết tội với mức án cao nhất cả. Do vậy, để làm gương cho cán bộ và nhân dân, để cảnh tỉnh những kẻ đang miệt mài nghĩ những trăm phương nghìn kế xoay tiền của bất chính, để trừ khử hết lũ “thạc thử” hoành hành, đục khoét phá hoại từ bên trong, chúng ta đừng nên tiếc đạn đối với chúng.
* Lời kết: Thực hiện những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống tham ô, tham nhũng trong Đảng, Nhà nước, những năm qua, đặc biệt từ năm 2013, khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được tiến hành quyết liệt, với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, đạt được nhiều kết quả rõ nét, tích cực, toàn diện, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và dư luận quốc tế đánh giá cao. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định quyết tâm của người đứng đầu trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng với “giặc nội xâm”.
Đó cũng là quyết tâm của Đảng Cộng sản Việt Nam, coi phòng, chống tham nhũng là một trong những điều quan trọng nhất, cần phải chấn chỉnh nội bộ một cách quyết liệt để Đảng thật sự trở thành Đảng cầm quyền vững mạnh, gương mẫu, nói không với tham nhũng. Thực tế cho thấy, với bản chất cách mạng, tính tiên phong và năng lực lãnh đạo của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng để phòng, chống tham nhũng một cách hiệu quả, bảo vệ sự lành mạnh trong quan hệ xã hội, đồng thời tăng cường niềm tin và sự ủng hộ tuyệt đối của nhân dân đối với Đảng trong quá trình lãnh đạo đổi mới toàn diện đất nước, đưa đất nước hội nhập và phát triển. Chúng ta mong muốn và tin tưởng rằng, trong thời gian ngắn nhất, không còn bóng dáng cả loài “chuột nhắt” lẫn chuột “thạc thử” trên đất nước ta.
-----------
([1]) Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 7, NXB CTQG, H. 2021, tr. 357 - 358
([2]) Đặng Huy Trứ - Từ thụ yếu quy, NXB CTQGST. tr.38
([3]) Đặng Huy Trứ - Từ thụ yếu quy, NXB CTQGST. tr.158
Gửi phản hồi
In bài viết