Anh Phùng Văn Cầu, thôn Bản Thác, xã Yên Hoa (Na Hang) với mô hình nuôi dúi má đào.
Năm 2018, anh Cầu trở về quê hương khởi nghiệp, sau nhiều năm làm công nhân tại các khu công nghiệp. Nhận thấy diện tích mặt nước trước cửa nhà có thể nuôi thủy cầm, anh đầu tư 50 triệu đồng để nuôi ngỗng thịt. Anh Cầu bảo, lúc đó suy nghĩ đơn giản cứ thả cho ngỗng tự kiếm ăn nên mình mới thất bại, bổ sung thức ăn cũng không đáp ứng sự phát triển.
Không chán nản, anh đã tham khảo và học tập kinh nghiệm nuôi dúi đang trở thành “trend” mới làm kinh tế của giới trẻ. Cuối năm 2021, anh Cầu vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội huyện Na Hang số tiền 30 triệu đồng, đầu tư nuôi 10 cặp dúi hoang dã, công việc lúc đầu tưởng chừng suôn sẻ, bởi sau 6 tháng anh đã có thu nhập đầu tiên. Nhưng chuồng trại không đảm bảo, ẩm thấp nên đến cuối năm đàn dúi mắc bệnh liên quan đến tiêu hóa, hao hụt đàn, nhiều con cái dừng đẻ, dúi con cũng chậm phát triển.
Sau đó, trong một lần đi tham quan học hỏi kinh nghiệm nuôi dúi ở Lai Châu, anh được tiếp cận với giống dúi má đào có xuất xứ từ Thái Lan, đặc tính có trọng lượng lớn, dễ chăm sóc và đẻ rất nhiều, đặc biệt rất phù hợp với điều kiện tự nhiên của khí hậu vùng cao. Vì vậy, năm 2022, anh Cầu quyết định bán toàn bộ dúi hoang dã chuyển sang nuôi 5 cặp dúi má đào sinh sản.
Anh Cầu cho biết: Nuôi dúi má đào quan trọng nhất là phải nắm chắc tập tính, thói quen của nó thì mới phát triển được. Dúi ưa bóng tối, hạn chế ánh sáng trực tiếp và tiếng ồn, ngủ ngày, ăn về đêm. Ưu điểm lớn nhất là dúi không cần uống nước nên lượng chất thải thấp, do đó dễ chăm sóc, ít bệnh. Thức ăn ưa thích của chúng là cây tre, các cây thuộc họ tre, thức ăn bổ sung như lá mía, ngô, sắn, chít, cỏ voi để cấp nước. Hiện tại gia đình anh có 25 cặp dúi bố mẹ sinh sản, mỗi năm cũng bán ra thị trường trên 50 con dúi con, trừ chi phí cũng lãi khoảng 140 triệu đồng.
Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hoa, Ma Đại Duy phấn khởi nói, mô hình nuôi dúi má đào của anh Phùng Văn Cầu, thôn Bản Thác, đang là mô hình mới của thanh niên khởi nghiệp tại địa phương. Chính quyền xã cũng khuyến khích, tạo điều kiện để mô hình được nhân rộng, giúp người dân địa phương, đặc biệt là đoàn viên thanh niên có thể phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Gửi phản hồi
In bài viết