Khởi nghĩa Thanh La nổ ra đêm 10-3-1945, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Tạ Xuân Thu và Ban Chỉ huy Phân khu Nguyễn Huệ, lực lượng vũ trang cách mạng đã mau lẹ tước vũ khí của lính dõng, bắt bọn tổng lý, hương dõng phải quy phục, giao nộp súng ống, bằng sắc, triện đồng cho ta. Ta giải phóng hoàn toàn xã Thanh La trong đêm 10-3-1945. Sáng 11-3-1945, sau cuộc mít tinh tuyên thệ tại sân đình Thanh La, quân khởi nghĩa với nòng cốt là lực lượng Cứu quốc quân 3 và tự vệ địa phương giương cao cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ cách mạng tiến về giải phóng Đăng Châu, huyện lỵ Sơn Dương. Đêm 12, rạng sáng 13-3-1945, ta bao vây đánh đồn Đăng Châu và hạ đồn sau ít phút, thu hơn 100 khẩu súng, hàng chục két lựu đạn phân phát cho các đội tự vệ, phá kho thóc của Nhật ở huyện lỵ để chia cho dân nghèo.
Từ khởi nghĩa Thanh La, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên ở vùng núi Việt Bắc và cũng là cuộc khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất cả nước đã mở đầu cho hàng loạt các địa phương khác trong tỉnh và khu vực Việt Bắc đứng lên giành chính quyền.
Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Thanh La đã tạo điều kiện để đón Bác Hồ từ Pác Bó, Cao Bằng về xã Tân Trào ở và làm việc, kịp thời chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đi đến thắng lợi...
Thế hệ trẻ xã Minh Thanh (Sơn Dương) và học viên Học viện Cảnh sát nhân dân tìm hiểu về di tích lịch sử đình Thanh La.
Cụ Nguyễn Văn Chiểu, thôn Niếng, xã Minh Thanh năm nay đã 98 tuổi nhưng vẫn còn nhớ về những ngày chuẩn bị và đêm diễn ra cuộc khởi nghĩa Thanh La thắng lợi cách đây hơn 77 năm về trước. Khi đó cụ còn là thanh niên, được giao nhiệm vụ làm lán bí mật cho các đồng chí cán bộ cách mạng, làm tuyên truyền viên và giao liên giữ liên lạc giữa các đồng chí cán bộ để nắm bắt được thông tin chủ động chỉ đạo khởi nghĩa. Khi ấy với khí thế sục sôi, cùng với cờ đỏ sao vàng và những biểu ngữ cách mạng như “Thực dân Pháp, Phát xít Nhật cút đi”, “Việt Nam độc lập, đồng minh muôn năm”, “Ủng hộ Việt Minh”... ai cũng quyết tâm đánh đuổi chế độ thực dân, phát xít để giành được tự do. Quân khởi nghĩa đi đến đâu nhân dân trong vùng nô nức đón chào và tham gia đội quân Cách mạng ngày càng đông đảo, các chức sắc trong chính quyền địa phương đều ra trình diện, giao nộp bằng sắc, triện đồng của chế độ thực dân phong kiến...
Trong cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân các dân tộc xã Minh Thanh đã đóng góp sức người, của cải để bảo vệ và đùm bọc, giúp đỡ các cơ quan, đơn vị, cán bộ của Việt Minh ở và làm việc trên địa bàn xã. Ông Nguyễn Văn Long năm nay gần 90 tuổi ở thôn Lê, xã Minh Thanh nhớ lại, khi khởi nghĩa Thanh La diễn ra lúc ông còn nhỏ nhưng vẫn còn nhớ được khí thế sục sôi, khẩn trương của cuộc khởi nghĩa. Để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Thanh La, cán bộ cách mạng đã về ở nhà dân hoạt động bí mật từ trước, được nhân dân đùm bọc, hỗ trợ hết sức, dành lương thực, thực phẩm tốt nhất nuôi quân. Khi cuộc khởi nghĩa nổ ra thành công ai cũng mừng vì từ nay đã xóa bỏ ách đô hộ của thực dân và phong kiến...
Vậy mà đã 77 năm trôi qua từ ngày khởi nghĩa Thanh La diễn ra, quê hương hôm nay hòa bình, không ngừng đổi mới và phát triển, mỗi khi nhớ lại sự kiện trọng đại ấy, những người cao tuổi như cụ Chiểu, cụ Long vẫn thấy bồi hồi, những ký ức ấy chẳng thể nào quên. Tuy tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng là những người được chứng kiến giờ phút lịch sử của cuộc khởi nghĩa Thanh La nên trong suốt thời gian qua cụ Chiểu, cụ Long đều cố gắng kể lại những câu chuyện cho các con, các cháu và thế hệ trẻ nhằm giáo dục truyền thống cách mạng.
Ông Nguyễn Văn Long kể chuyện về khởi nghĩa Thanh La năm 1945.
Đình Thanh La hôm nay đã trở thành địa chỉ “đỏ” về giáo dục truyền thống yêu nước. Anh Ma Văn Vũ, Bí thư Đoàn xã Minh Thanh nói, cùng với đình Thanh La thì nhiều di tích lịch sử khác trên địa bàn xã đã được đoàn viên, thanh niên trong xã nhận chăm sóc. Qua đó nhằm bảo tồn và giữ gìn các di tích luôn sạch, đẹp để trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng cho người dân và thế hệ trẻ hôm nay. Rất nhiều hoạt động ý nghĩa như tổ chức kết nạp đội, đoàn đã được tổ chức tại các di tích lịch sử, thông qua đó đã giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu rõ hơn về lịch sử hào hùng dân tộc. Từ đó ra sức học tập, rèn luyện để trở thành người tài, xây dựng đất nước thêm phần giàu đẹp, như mong muốn của Bác Hồ, người lãnh đạo Cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi.
Tham gia đợt thực hành chính trị - xã hội tại xã Minh Thanh trong những ngày tháng 8 này, học viên Phạm Đức Hiệp đến từ Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết, quê anh ở Hải Phòng và lần đầu tiên được đến vùng đất có truyền thống cách mạng Sơn Dương. Được tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa như hoạt động “3 cùng” và tìm hiểu về các di tích lịch sử đã giúp anh và các học viên trưởng thành hơn nhiều. Việc hiểu rõ về lịch sử dân tộc sẽ giúp anh và các học viên ra sức học tập và rèn luyện để cống hiến cho Tổ quốc.
Xã Minh Thanh hôm nay đang đổi mới, hạ tầng nông thôn từng bước được đầu tư khang trang, tạo điều kiện để người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống được nâng lên. Nhắc về Minh Thanh hôm nay, mỗi người dân càng thêm tự hào vì vùng quê cách mạng nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng đầu tiên trong cả nước, là cái nôi của cách mạng Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết