Tháo gỡ khó khăn để phim Nhà nước đến được với khán giả

Từ trước đến nay, phim do Nhà nước đặt hàng thường chỉ được chiếu miễn phí trong một số dịp lễ, kỷ niệm, tại một số hệ thống rạp nhất định. Đầu năm nay, lần đầu tiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thí điểm chiếu phim Nhà nước bán vé ngoài rạp. Mặc dù đã có những thành công bước đầu với “Đào, Phở và Piano”, nhưng dự án thí điểm này cũng cho thấy cơ quan quản lý cần một sự “kích hoạt” để thay đổi cơ chế, phương thức đưa phim Nhà nước đầu tư sản xuất ra rạp.

Trước đây, theo thông lệ, phim Nhà nước thường được chiếu miễn phí vào các dịp, sự kiện kỷ niệm hay ngày lễ lớn, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia là nơi gần như duy nhất tại Hà Nội thực hiện nhiệm vụ phổ biến phim theo các đợt tuyên truyền, kỷ niệm hoặc ngày lễ lớn, cùng với các đợt phim của Viện Phim Việt Nam tổ chức được chiếu tại rạp của Viện. Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đồng thời cũng là đơn vị tự hạch toán, nghĩa là đồng thời phải bảo đảm cả hai nhiệm vụ tuyên truyền và kinh tế.

Với “Đào, Phở và Piano”, khi số buổi chiếu tăng lên, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia phải giảm các suất chiếu của các phim thương mại khác, đồng thời nộp lại toàn bộ doanh thu bán vé về ngân sách. Trong khi đó, Trung tâm vẫn phải chi cho các khoản tiền điện, nước, vận hành rạp, nhân công… cùng nhiều loại chi phí khác.

Tương tự, hai cụm rạp Beta Cinema và Cinestar khi nhận phổ biến phim “Đào, Phở và Piano” đều công bố chiếu phi lợi nhuận, toàn bộ tiền vé thu được nộp về ngân sách.

Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, nơi trình chiếu, quảng bá các phim do Nhà nước sản xuất.

Từ góc độ thương mại, có thể nhìn thấy rõ rằng, để chiếu những bộ phim do Nhà nước đầu tư, các cụm rạp này phải bỏ ra hoàn toàn các chi phí liên quan, chưa kể cơ hội chiếu các phim khác đang ăn khách. Đây có lẽ là rào cản lớn nhất đối với các cụm rạp thương mại khác, những cụm rạp hiện đang có hệ thống và số lượng phòng chiếu nhiều và rộng rãi hàng đầu trong cả nước. Bài toán kinh doanh chưa bao giờ là dễ dàng trong bối cảnh nền công nghiệp giải trí có nhiều cạnh tranh gay gắt như hiện nay, và các rạp đều vừa ra khỏi cơn khủng hoảng Covid-19, còn đang trong giai đoạn phục hồi.

Thêm vào đó, mỗi bộ phim chiếu rạp thường có tỷ lệ chia doanh thu nhất định với rạp chiếu, thường chiếm 40-50% hoặc hơn tùy theo phim và cụm rạp, chưa kể chi phí phát hành. Trong khi đó, phim Nhà nước hoàn toàn chưa có quy định về tỷ lệ này, cho nên khi phim Nhà nước ra rạp, các bên đều khá lúng túng. Thêm vào đó, các bộ phim Nhà nước thông thường chỉ được đầu tư kinh phí sản xuất, hoàn toàn không có khâu quảng bá, phát hành. Phim làm xong được giao về Cục Điện ảnh quản lý. Có thể thấy, phim Nhà nước không có đơn vị phát hành nào, ngoài Trung tâm Chiếu phim Quốc gia nhận chiếu theo nhiệm vụ.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty BHD cho biết, gần đây Chính phủ đã đặt vấn đề rất rõ ràng là phát triển công nghiệp văn hoá thay vì phát triển văn hoá như trước đây. Biến văn hóa thành một nền công nghiệp phát triển bền vững thay vì cơ chế xin cho trong lĩnh vực văn hoá như trước đây. Vì vậy với các bộ phim nhà nước đặt hàng, việc xây dựng cơ chế phát hành đúng với công nghiệp là vấn đề cốt lõi để các bộ phim đến được với khán giả.

Đây là thời điểm không thể muộn hơn để giải quyết vấn đề cơ chế này. Rất hiếm các rạp ở Việt Nam hoạt động như Trung tâm chiếu phim Quốc gia là doanh nghiệp nhà nước khi nhà nước cho đất và đầu tư toàn bộ chi phí xây dựng và mua máy móc thiết bị… Các rạp tư nhân khác khi chiếu bất cứ một bộ phim nào đều phải thanh toán tiền thuê địa điểm hiện tại rất cao, tiền điện tiền nước tính theo giá thương mại, tiền khấu hao máy móc thiết bị, tiền nhân công… và các chi phí marketing quảng bá khác.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh cũng chia sẻ, việc một bộ phim Nhà nước như “Đào Phở và Piano” có thể bán vé ở rạp là rất hiếm. Trước đây có hiện tượng “Gái nhảy” của Hãng phim Giải phóng cũng ra rạp và ăn khách như vậy, vào năm 2003. Phải khoảng 20 năm mới có một bộ phim như vậy, cho nên các rạp không khó khăn gì trong việc chiếu hỗ trợ chiếu miễn phí một số suất, nhưng không thể cứ miễn phí như thế mãi, vì còn nhiều phim khác nữa.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh cho rằng, đây cũng chính là cơ hội vàng để phát triển văn hoá, điện ảnh: “Chúng tôi thiết nghĩ nhân cơ hội này, quan trọng là phải tạo ra cơ chế đúng và vững chãi tạo tiền đề lâu dài để phát hành các phim nhà nước đặt hàng hoặc hỗ trợ nếu có”.

Một giải pháp nữa là tham gia vào thị trường văn hoá như một nhà đầu tư và thu lại lợi nhuận như một nhà đầu tư, khi đó các bước đều phải theo quy chế thị trường.

Tổng Giám đốc BHD cũng chia sẻ, ngoài ra, có thể áp dụng một số kinh nghiệm từ nước ngoài trong trường hợp phim đặt hàng. Đó là khi Nhà nước đặt phim để quảng bá một nội dung nào đó hoặc công ty thương mại đặt hàng để quảng cáo sản phẩm, họ cũng sẽ chi 100% kinh phí phát hành hoặc hỗ trợ phát hành. Thí dụ như ở Pháp, Chính phủ sẽ hỗ trợ không hoàn lại tiền marketing và tiền bù doanh thu cho các chủ rạp khi tỷ lệ lấp đầy phòng chiếu không cao như phim thương mại khác đối với các phim có quốc tịch Pháp tại một số thị trường. Đây là các đòn bẩy của cơ chế thị trường để khuyến khích chiếu các phim thị trường không quá ăn khách với những đề tài cần được khuyến khích.

Một giải pháp nữa là tham gia vào thị trường văn hoá như một nhà đầu tư và thu lại lợi nhuận như một nhà đầu tư, khi đó các bước đều phải theo quy chế thị trường. Hoặc kết hợp là tài trợ không hoàn lại hoặc đầu tư với các điều kiện lấy về sau cùng cho mọi thành phần kinh tế làm phim với những đề tài được chính phủ khuyến khích, nhưng đề tài nếu không được chính phủ hỗ trợ sẽ rất ít người quan tâm đầu tư (như Chính phủ Singapore).

Việc nhanh chóng xây dựng cơ chế phù hợp để phim Nhà nước ra rạp thuận lợi hơn là rất cần thiết, không chỉ góp phần hiện thực hóa các chủ trương của Nhà nước trong phát triển công nghiệp văn hóa, đem những bộ phim giá trị thẩm mỹ, nhân văn đến với khán giả, nhất là khán giả trẻ, mà còn khuyến khích các nhà làm phim tìm tòi, sáng tạo, làm ra những bộ phim chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu khán giả.

Ngay sau khi phim “Đào, Phở và Piano” tạo nên cơn sốt bất ngờ ngoài rạp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản khuyến khích các cơ sở điện ảnh tham gia phổ biến phim Đào, Phở và Piano cũng như những phim Nhà nước đặt hàng và phim Việt nói chung. Văn bản cũng nêu rõ, trên cơ sở các quy định hiện hành và yêu cầu từ thực tiễn, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tham mưu tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở điện ảnh phổ biến phim do Nhà nước đặt hàng.

Theo Baonhandan

Tin cùng chuyên mục