Thế hệ cuối 9x đầu 10x ngày nay nhiều người không hát “Hoa sứ nhà nàng”, “Vùng lá me bay” hay “Sao em nỡ vội lấy chồng”. Vậy giới trẻ ngày nay nghe gì? Phải chăng theo đánh giá của nhiều người, giới trẻ chỉ đam mê nhạc EDM, Remix quay cuồng, khua chân, múa tay loạn xạ theo điệu “múa quạt”? Đó chỉ là đánh giá phiến diện, thế hệ trẻ ngày nay có những thể nghiệm sinh động trên nền chất liệu của cuộc sống hiện đại, cá tính nhưng vẫn chan chứa tâm sự.
Hoàng tử Indie Việt - Thái Vũ từng gây thương nhớ với liveshow ca nhạc Hành tinh song song.
Nguồn: Facebook nhân vật cung cấp
Indie music (âm nhạc độc lập) và Lofi (âm thanh chất lượng thấp)
Khác với các nghệ sĩ có công ty trực thuộc với những chiến dịch quảng bá rầm rộ, Indie là dòng nhạc được tạo ra bởi những nghệ sĩ độc lập, không chịu sự tác động của các nhà đầu tư, quảng cáo. Dễ dàng nhận thấy dòng Indie thường có giai điệu tâm tình, tự sự với ngôn từ nhẹ nhàng, không quá trau chuốt. Những cái tên nổi tiếng trong giới Indie Việt có thể kể đến như nhóm Ngọt, Chillies, Cá Hồi Hoang, các nghệ sĩ solo như Lê Cát Trọng Lý, Vũ, Nhạc của Trang, Kiên, Hải Sâm, Thịnh Suy, Pink Frog...
Công thức làm nhạc chung của người chơi Indie là “3 tự”: tự sáng tác, tự phối khí và tự hát. Trên nền giai điệu của tiếng guitar, piano, những giọng ca cá tính cất tiếng thổn thức làm rung động nhiều trái tim trẻ trung, hiện đại. Không chỉ sáng tác về tình yêu các nghệ sĩ Indie còn khiến người trẻ suy ngẫm về những bài học, trải nghiệm cuộc đời, như nhạc của Lê Cát Trọng Lý với chất giọng tâm sự, chất giọng rung như có nhạc có thơ.
Lofi là tên viết tắt của low fidelity, dùng để chỉ loại âm thanh có chất lượng thấp, không cầu kỳ trong khâu phối khí hòa âm, xuất hiện các tiếng ồn tự nhiên như tiếng rè, giật, tạp âm như tiếng trò chuyện, tiếng điện thoại, tiếng khóc,... Nhạc lofi thường nhẹ nhàng, bay bổng vì nó là bản màu pha trộn giữa jazz, soul cả hiphop. Bắt đầu thịnh hành từ năm 2018, nhạc lofi thường nằm trong list nhạc thường thực của rất nhiều bạn trẻ.
Làm mới nhạc xưa
Nhạc Trịnh, nhạc trữ tình xưa được người trẻ ưa chuộng dưới cách thức thể hiện mới. Những nhạc phẩm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được nghệ sĩ Hà Lê biến tấu lại với một suy nghĩ mới, cảm hứng mới hiện đại hơn, biến hóa hơn thông qua dự án Trịnh Contemporary với Diễm xưa, Hạ trắng, Cát bụi, Biển nhớ,... Dự án được người trẻ hưởng ứng nhiệt tình thông qua cách thể hiện sống động này. Vẫn những ca từ thiết tha của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhưng được biến tấu sống động từ cả phần nghe đến phần nhìn trong MV Diễm xưa hay ở MV Biển nhớ, Hà Lê tiếp tục đem đến trải nghiệm nhạc Trịnh lạ lẫm, những đoạn rap ngắn cùng với nghệ thuật múa đương đại chỉ với gam màu đen trắng bật lên cá tính của người nghệ sĩ trẻ.
Hay như thông qua dự án See Sing Share của nam ca sĩ Hà Anh Tuấn, giới trẻ được biết đến những nhạc phẩm nổi tiếng như Thành phố sương (Việt Anh), Phố mùa đông (Bảo Chấn), Khúc hát chim trời (Trần Thanh Sơn)... Tất cả đều được trau chuốt, tỉ mỉ với phong cách “nhạc sống” cùng ban nhạc, miễn phí trên nền tảng MXH Youtube.
Qua những dự án làm lại nhạc xưa này mà người trẻ được quay lại ký ức của thế hệ xưa để cảm nhận những rung cảm, thổn thức về tình yêu, về cuộc đời mà bất kỳ ai cũng từng một lần trải qua. Nguyễn Lan, 23 tuổi ở phường Ỷ La (TP Tuyên Quang), một người “nghiện” những tình khúc buồn chia sẻ, cô cảm thấy tìm thấy được bản thân qua những câu từ của bài hát trữ tình theo năm tháng thông qua các nghệ sĩ trẻ, hiện đại. Cô cho rằng giá trị của ca khúc không hề bị mất đi, sự biến tấu linh hoạt chỉ giúp cho người nghe dễ cảm nhận hơn với dòng nhạc cũ nhưng cảm xúc trong lời ca lại là tình cảm thường tình muôn đời.
Sự quay trở lại của nhạc Rap
Nhạc Rap không mới, nhưng sau các cuộc thi thì phong cách này dường như được tái sinh. Ngay cả đến những thế hệ 8x, 7x cũng gật gù theo những giai điệu được gieo vần đôi, vần ba nhịp nhàng.
Rap xuất phát từ Âu Mỹ, có đặc điểm người thể hiện nói hoặc hô vang lời bài hát, ca từ một cách có vần điệu, kết hợp với động tác nhảy. Với cách thể hiện đặc biệt, Rap cũng khá kén người nghe, không phải ai cũng dễ dàng cảm thấy cái hay của dòng nhạc này. Thế giới của Rap cũng rất đa dạng, có đối kháng, có kết hợp, có cái tôi dị biệt, cũng có những bài hát thị trường làm hài lòng nhiều tệp khán giả. Trong đó, rapper Đen Vâu là người nhận được nhiều cảm mến bởi lời rap dung dị nhưng ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa. Với ca khúc “Trốn tìm” ra mắt vào ngày 13-5 vừa qua, nam rapper thu về hơn 42 triệu lượt xem với hình ảnh ẩn dụ “trốn tìm”.
Cá tính nổi bật
Người trẻ ngày nay không chỉ có gu âm nhạc độc đáo mà còn xây dựng cái tôi âm nhạc riêng. R&E Music Club CTQ (Câu lạc bộ âm nhạc Chuyên Tuyên Quang) được thành lập từ năm 2018. Đến nay đã trải qua 3 thế hệ với 68 thành viên, là nơi hội tụ của những cá tính nổi bật, tài năng, đam mê, nhiệt huyết với âm nhạc. CLB thường tổ chức những buổi tập luyện sau giờ học, vừa để nâng cao trình độ, vừa giúp giải trí cũng như nâng cao tinh thần hoạt động của các thành viên. Chủ đề âm nhạc của CLB thường không giới hạn. Tuy nhiên sẽ tập trung nhiều hơn về những bài hát mang nội dung miêu tả cuộc sống đời thường, về tuổi trẻ nhiệt huyết, đôi khi xen kẽ chút tình cảm ngây ngô, trong sáng, khẽ chớm nở của tuổi mới lớn.
Nguyễn Ngọc Đạt, thành viên CLB?cho rằng, xu hướng nghe nhạc giới trẻ hiện nay sẽ thiên về các loại nhạc có giai điệu bắt tai và tiết tấu nhanh như các tác phẩm EDM, Rap hay Ballar. Để Bolero, nhạc vàng, nhạc trữ tình tiếp cận gần hơn với các bạn trẻ có thể thay đổi cách thể hiện. Ví dụ như khi ca sỹ hát bài hát đó theo một phong cách trẻ trung hơn, mới mẻ hơn, lồng ghép những nhạc phẩm đó vào những thước phim thu hút giới trẻ theo từng văn cảnh thích hợp, hoặc sáng tạo ra một trend mới dựa trên giai điệu của nhạc phẩm, minh chứng đó chính là các bài hát như Duyên phận, Một lần dang dở, Thành phố buồn,... đã tạo được tiếng vang. Chứng tỏ người trẻ vẫn mong muốn được nghe, cảm thấu những ca khúc xưa, chỉ là khác ở thể thức trình bày, khi mà sự “sến” trong cách hát, giai điệu được hạ xuống, phù hợp với thị hiếu ngày nay.
Có thể thấy, cuộc sống hiện đại ngày nay đã khiến âm nhạc có những màu sắc mới mẻ và “thời nào thức ấy”. Người trẻ tìm thấy bản ngã của mình trong thứ âm nhạc hiện đại cũng như thế hệ trước ôm trọn tình yêu với những bản tình ca thanh xuân của những năm tháng xưa cũ. Điểm giao thoa đều là tình yêu dành cho âm nhạc là không bao giờ tắt.
Gửi phản hồi
In bài viết