Thiếu hụt lao động nông nghiệp

- Lao động nông thôn đang có sự chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ. Đây là xu thế chung và tất yếu, nhưng sự chuyển dịch này đã ảnh hưởng khá lớn đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Thiếu hụt lao động sản xuất nông nghiệp

Cánh đồng tổ 8, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) trước đây được ví như bờ xôi ruộng mật nhưng gần đây trở thành những cánh đồng hoang, cỏ mọc um tùm. Ông Lương Hán Quân chia sẻ, toàn bộ cánh đồng rộng vài hec-ta nhưng chỉ có một vài gia đình canh tác, còn lại là bỏ hoang. Lý do người dân để ruộng hoang một phần là do hệ thống thủy lợi không đảm bảo, cộng với việc lao động trẻ chuyển hướng làm các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ đã không còn quan quan tâm đến ruộng bãi. Tiếc tấc đất, tấc vàng, vợ chồng ông Quân mượn làm nhưng sức khỏe có hạn nên cũng chỉ làm được phần nào còn lại đành nhìn đất để hoang. Ông Quân chia sẻ, đất để hoang, phí nguồn lực đã đành và là môi trường để sâu, bệnh hại trú ngụ, lưu truyền từ vụ này sang vụ khác làm lây lan, ảnh hưởng rất lớn diện tích đang canh tác.

Mô hình trồng dưa lưới đầu tư hệ thống nhà màng công nghệ cao, tự động trong sản xuất nông nghiệp của người dân xã Kháng Nhật (Sơn Dương).

Không để phí đất nhưng ông, bà Trần Văn Điều và Trần Thị Tân, thôn Cây Xoan, xã Đức Ninh (Hàm Yên) ngoài 70 tuổi vẫn lăn lộn với công việc đồng áng và trông nom 2 đứa cháu nhỏ để cho các con đi làm ăn xa. Ông Điều chia sẻ: Vì cuộc sống, vì tương lai của các cháu, các con ông rời quê hương vào tận Bình Dương làm công nhân. Không con cái ở cùng để nhờ cậy, vợ chồng ông bà phải làm mọi việc từ cấy, cày, đến thu hoạch. Theo ông Điều, tạm thời ông bà còn sức, gắng được lúc nào làm lúc đó, vài năm nữa mắt mờ, chân chậm cũng không biết còn có thể làm được ruộng nữa không?.

Cùng trên địa bàn xã Đức Ninh, tại thôn Làng Dào, hàng chục hộ gia đình đều chung cảnh con cái đi làm ăn xa, ở nhà chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ. Theo lời ông Hoàng Văn Tám, trưởng thôn Làng Dào, thôn có 78 hộ, chỉ có một số ít lao động chính làm thợ sơn, thợ xây trong xã còn lại đều đi làm công nhân ở các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Con cái đi làm xa, ruộng nương, dạy bảo con cái đều “phần lại” cho cha mẹ già.

Tuy chưa bước vào mùa thu hoạch cam, bưởi song tình trạng thiếu lao động đang làm đau đầu ông Nguyên Văn Thái, Giám đốc hợp tác xã cây ăn quả hữu cơ Chiêu Yên (Yên Sơn). Ông Thái cho biết: Hợp tác xã có 16 ha cam, bưởi, trong đó riêng gia đình ông có 3 ha và hiện đang là thời điểm chăm sóc nên ông cần từ 4 đến 6 nhân công lao động. Để tìm người làm, ngoài trả tiền công từ 250 nghìn đồng/ngày, ông bố trí cả chỗ ở cho lao động nhưng cũng không tìm nổi lao động như ý. Không còn cách nào khác ông Thái đã phải lên các huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang thuê lao động là đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong báo cáo tình hình sản xuất vụ xuân, triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu, vụ mùa và định hướng vụ đông năm 2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ ra khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất là thiếu hụt lực lượng lao động, nhất là lao động trẻ, khỏe. Theo các nhà quản lý ngành nông nghiệp, thiếu hụt lao động không chỉ làm tăng chi phí sản xuất và tổn thất mà còn giảm giá trị sản phẩm. Nhất là khi lực lượng lao động hiện nay là người lớn tuổi, khả năng tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật hạn chế, việc sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, nên hiệu suất sử dụng đất ngày càng suy giảm, kéo theo năng suất lao động và hiệu quả kinh tế thấp.

Người dân phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang sử dụng thiết bị bay không người lái phun trừ sâu, bệnh hại.

Nguyên nhân tác động đến sự chuyển dịch lao động

Theo các chuyên gia về lao động việc làm, sự thiếu hụt lao động ở khu vực nông thôn hiện nay có nhiều nguyên nhân. Trong đó, 2 nguyên nhân chính tác động đến sự chuyển dịch lao động từ ngành nông nghiệp sang các ngành kinh tế khác. Trước hết đến từ chính nội tại của ngành nông nghiệp, thực tế hiện nay sản xuất nông nghiệp được đánh giá là ngành có nhiều rủi ro nhất, rủi ro về thiên tai, về thị trường tiêu thụ sản phẩm, tình trạng được mùa mất giá tái diễn liên tục khiến cho nhiều nông dân ở các địa phương phải rời bỏ ruộng vườn để tìm kế sinh nhai từ các ngành nghề khác, chưa kể giá trị kinh tế của ngành nông nghiệp lại rất thấp trong khi chi phí đầu tư rất cao.

Theo chị Phạm Thị Tình, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) làm ruộng chỉ lấy công làm lãi, nếu không may gặp thiên tai, sâu bệnh hại cầm chắc lỗ vốn. Chị Tình tính toán, 1 sào ruộng, chi phí thuê máy làm đất, mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thuê thu hoạch… mỗi vụ hết khoảng 700 - 800 nghìn đồng, chưa kể công lao động. Nếu thời tiết thuận lợi, hơn 3 tháng thu về khoảng 2 tạ thóc. Với giá hiện nay 12 nghìn đồng/kg thóc thu về canh tác 2,4 triệu đồng trừ chi phí đầu tư còn lại 1,6 - 1,7 triệu đồng trong vòng 3 tháng trời. Trong khi đi làm công nhân tại các khu, cụm công nghiệp lương cũng được 6 - 7 triệu đồng, nếu tay nghề cao có thể hơn nữa. Chị Tình chia sẻ, cũng chính vì làm nông nghiệp vất vả, thu nhập thấp nên chị đã xin đi làm công nhân ngành may mặc từ nhiều năm nay.

Kinh tế phát triển, nhiều nhà máy, xí nghiệp ra đời, các ngành nghề dịch vụ, thương mại cũng mở rộng đã thu hút một lực lượng lớn lao động, người lao động ở khu vực nông thôn dần chuyển sang các ngành công nghiệp và dịch vụ. Theo số liệu điều tra về lao động - việc làm của Cục Thống kê tỉnh, năm 2021 lao động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản là 181.000 lao động; ngành công nghiệp và xây dựng là 90.300 lao động; các ngành dịch vụ khác là 94.500 lao động. Năm 2023, lao động trong ngành nông nghiệp đã giảm còn 165.800 người; ngành công nghiệp và xây dựng tăng trên 102.500 người; các ngành dịch vụ trên 101.000 người. Dự báo, sự chuyển dịch này tiếp có sự biến động theo sự phát triển của ngành kinh tế.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Thống kê Tổng hợp, Cục Thống kê tỉnh, sự chuyển dịch lao động từ ngành nông nghiệp sang các ngành kinh tế khác diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh ta và đây là xu thế tất yếu nền kinh tế hiện nay. Đó là giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ và thương mại.

Gia đình bà Đào Thị Kim Oanh, thôn 1 Minh Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên) lắp đặt mô hình tưới ẩm tự động cho trang trại thanh long, giảm nhân công lao động.

Cơ giới hóa, tự động hóa sản xuất

Giải bài toán thiếu hụt lao động nông nghiệp, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 858/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030. Mục tiêu đặt ra là đẩy mạnh sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến, công nghệ số, công nghệ thông minh trong các khâu sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm tổn thất trong thu hoạch, đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Trước đó, Chính phủ đã có Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, ngày 14-11-2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Các HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, đánh bắt, chế biến nông sản, thủy sản, dịch vụ cơ giới nông nghiệp; các doanh nghiệp có ký kết hợp đồng liên kết, sản xuất, tiêu thụ nông sản, dịch vụ cơ giới hóa với tổ hợp tác, HTX hoặc nông dân khi mua máy, thiết bị có nhu cầu vay vốn sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi.

Đồng chí Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi Cục Phát triển nông thôn cho biết: Tỉnh cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; khuyến khích các hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhằm giảm thiểu lao động trong các khâu sản xuất. Tính đến hết tháng 12-2023, toàn tỉnh có gần 108.000 máy, tăng 5.643 máy so với năm 2022. Mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã được mở rộng. Cụ thể tỷ lệ diện tích làm bằng máy các khâu sản xuất của cây lúa, cây màu đạt trên 92%; chăm sóc, bảo vệ thực vật đạt 61%; khâu thu hoạch đạt trên 73%.

Ông Trần Quốc Khánh, tổ 8, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) phấn khởi cho biết, mua được máy làm đất, vợ chồng ông đã không còn vất vả cực nhọc nữa, hiệu suất lao động cũng tăng lên rất nhiều. Trước đây con trâu đi trước, cái cày đi sau một ngày làm chỉ được 3 sào ruộng, giờ có máy làm cả héc - ta. Ông Khánh chia sẻ, hiện nay nhiều hộ trong phường con em thoát ly đi làm việc tại các thành phố lớn, các khu, cụm công nghiệp để đất trống ông thuê lại trồng ngô sinh khối cung ứng cho các trang trại bò bữa trên địa bàn, thu nhập gấp 3 - 4 lần.

Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cũng đang từng bước cơ giới hóa các khâu trong chuỗi sản xuất mía đường. Ông Ngụy Như Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty chia sẻ, toàn bộ khâu làm đất, bốc xếp và vận chuyển đã được cơ giới hóa từ nhiều năm nay, đầu năm 2024, công ty đã hợp đồng với hộ dân sử dụng máy bay không người lái thực hiện chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại mía. Ông Dũng tin, mức độ cơ giới hóa hiện nay trong sản xuất mía đường sẽ giúp người nông dân giải phóng sức lao động, yên tâm gắn bó với cây mía.

Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, cơ giới hóa trong nông nghiệp sẽ thúc đẩy tích tụ ruộng đất để sản xuất cánh đồng lớn, đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp có ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, từng bước phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng lực sản xuất và trình độ tổ chức, quản lý là hướng đi nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững ngành nông nghiệp, sớm khắc phục được tình trạng thiếu hụt lao động như hiện nay.


Đồng chí Lê Quang Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn

Phát triển kinh tế hàng hóa, giải phóng sức lao động

Yên Sơn hiện đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm; hình thành các mô hình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như vùng sản xuất chè tiêu chuẩn VietGAP tại Mỹ Bằng, vùng trồng nhãn tập trung tại xã Thái Bình… Các mô hình tập trung này đều được ứng dụng nhiều máy móc, kỹ thuật góp phần giảm sức lao động thủ công cho người nông dân. 

Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), xây dựng và triển khai các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm… Cùng với đó tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ bà con phát triển sản xuất gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất góp phần giải phóng sức lao động cho nông dân.


Đồng chí Nguyễn Thị Quyên, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Hòa (Hàm Yên)

Ly nông không ly hương

Hiện nay, toàn xã có 678 lao động tham gia làm việc trong các nhà máy tại các khu, cụm công nghiệp trong nước, trong đó có 220 lao động đang làm việc tại các nhà máy trong tỉnh, huyện, xã. Cấp ủy, chính quyền xã xác định người dân ly nông mà ly hương thì nhiều vấn đề xảy ra như con cái thiếu người dạy bảo, ruộng vườn không có người làm… Vì thế, xã vận động người dân, nhất là lực lượng lao động trẻ làm việc tại khu, cụm công nghiệp trong tỉnh, huyện, đặc biệt tại các nhà máy, HTX ngay tại địa phương. Cấp ủy, chính quyền đã tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX xây dựng nhà máy, mở rộng nghề, các mô hình sản xuất nông nghiệp để tạo việc làm ổn định cho lao động trong xã. Mục tiêu để giải được bài toán “ly nông mà không ly hương” sẽ giúp người dân có cuộc sống ổn định ngay trên mảnh đất quê hương và tránh được những hệ lụy không đáng có nơi “đất khách quê người”.


Ông Phạm Văn Khiêm, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Sơn Dương

Đầu tư máy móc sản xuất nông nghiệp

Hợp tác xã có 7 thành viên và ký hợp đồng, liên kết với hơn 40 hộ trồng hơn 16 ha cây gai xanh AP1 tại huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Chiêm Hóa. Cây gai xanh cho năng suất hơn 1.200 kg vỏ khô/ha/năm, thu nhập trên 160 triệu đồng/ha/năm. Thế nhưng, trong những năm gần đây, tình hình lao động tại địa phương đã có nhiều biến đổi. Việc thiếu hụt lao động trẻ đã khiến sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Để đối phó với tình trạng này, hợp tác xã đã đầu tư máy móc hiện đại như máy cày, máy cắt cây, máy tuốt vỏ. Nhờ đó, không chỉ giúp giảm chi phí lao động, giảm nhân công mà còn đảm bảo chất lượng sản phẩm, rút ngắn thời gian canh tác.


Anh Nguyễn Đình Dũng, Xóm 20, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang)

Mong muốn được hỗ trợ máy móc, thiết bị 

Gia đình tôi có hơn 1 mẫu đất trồng ổi và rau màu, do diện tích ở trên đồi nên việc đưa nguồn nước tưới dẫn lên khá vất vả, nhất là vào thời gian ít mưa, nắng hạn kéo dài, trong khi cả nhà chỉ có 2 vợ chồng là lao động chính. Chúng tôi rất muốn ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, giảm sức lao động nhưng do nguồn vốn đầu tư máy móc, hệ thống tưới nước tự động quá tốn kém nên việc thực hiện là rất khó. Người dân rất mong muốn được Nhà nước hỗ trợ phần nào để người dân có điều kiện đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tự động hoặc các thiết bị như máy bơm nước, dây dẫn… tới các khu vườn để đảm bảo sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Khi năng suất, chất lượng cây trồng được nâng lên thì thu nhập của người dân cũng tăng, người dân có điều kiện để mở rộng sản xuất, đầu tư mô hình bài bản và hiện đại hơn.

Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục