Sự tín nhiệm của cử tri quyết định số lượng, chất lượng đại biểu Quốc hội

08:00, 26/03/2007

Từ ngày 22 đến 29-3, MTTQTƯ và địa phương đồng loạt thực hiện bước 4 quy trình hiệp thương, tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú và nơi công tác về người ứng cử. Trên cơ sở đó MTTQ Việt Nam sẽ tiến hành hiệp thương lần thứ ba để quyết định danh sách chính thức đại biểu Quốc hội (QH) Khóa XII. Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có buổi trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.


- Thưa ông, theo quy định, người ứng cử đại biểu QH phải lấy ý kiến về sự tín nhiệm tại nơi cư trú. Lấy ý kiến cử tri sẽ được tiến hành như thế nào, những ai được quyền tham dự ?

 

Việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử ĐBQH được tổ chức tại các thôn, xóm, bản, tổ dân phố... nơi mà người ứng cử cư trú thường xuyên. Hội nghị sẽ do MTTQ cấp xã phối hợp với UBND cùng cấp triệu tập và chủ trì. Chủ tịch, phó chủ tịch HĐND cùng cấp được mời tham dự hội nghị. Người ứng cử ĐBQH, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị có người ứng cử được mời dự hội nghị này.

 

Số lượng cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến về người ứng cử ĐBQH nơi có dưới 50 cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể,nhưngphảibảođảm quá nửa số cử tri tham dự. Nơi nào có từ 50 cử tri trở lên thì không nhất thiết tổ chức hội nghị toàn thể nhưng phải bảo đảm ít nhất là 30 cử tri tham dự. Thành phần dự hội nghị do Ban Công tác Mặt trận phối hợp với tổ trưởng dân phố hoặc trưởng thôn để cử đại diện đến dự. Trong trường hợp người tự ứng cử ĐBQH có lý do chính đáng (sức khỏe, bận công tác...) mà không đến dự hội nghị được thì ủy quyền cho người đại diện. Nhưng người được ủy quyền phải từ 21 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực, hành vi dân sự; khi đến hội nghị, phải giải trình lý do vắng mặt và những vấn đề có liên quan đến người tự ứng cử mà cử tri nêu ra tại hội nghị. Hội nghị sẽ biểu quyết bằng giơ tay hoăc bỏ phiếu kín.

 

- Trong số những người tự ứng cử ĐBQH có nhiều người là đảng viên sẽ xem xét những trường hợp này như thế nào, thưa ông?

 

Theo quy định của Luật Bầu cử, đảng viên ra ứng cử phải được Chi bộ, Đảng bộ cơ sở có văn bản nhất trí đồng ý giới thiệu ra ứng cử, đó cũng là quy định của tổ chức Đảng nên tất cả những đảng viên khi tham gia ứng cử đều phải tuân thủ. Những người là đảng viên nằm trong danh sách sơ bộ đều đã được phép của các cấp ủy, chi bộ Đảng.

 

- Thưa ông, việc lấy ý kiến cử tri giữa những người ứng cử và tự ứng cử có gì khác nhau không?

 

Về cơ bản thì những người được các đơn vị, tổ chức giới thiệu đã tổ chức thực hiện lấy ý kiến cử tri ở nơi công tác, tới đây chủ yếu là lấy ý kiến cử tri nơi cư trú. Người tự ứng cử thì thường chưa qua thủ tục lấy ý kiến cử tri nơi công tác nên trong dịp này phải tổ chức lấy ý kiến cả hai nơi. Qua kết quả những bước đã thực hiện, khi công khai danh sách ứng cử, đưa về lấy ý kiến cử tri nơi công tác, nơi cư trú mà tín nhiệm của người ứng cử thấp thì sẽ bị loại. Điều quan trọng, trong hội nghị lấy ý kiến, những người được giới thiệu ứng cử hay tự ứng cử phải thể hiện được năng lực của mình, vừa giải trình, vừa tranh luận để cử tri xem xét, lựa chọn. Như vậy, vai trò của cử tri trong quá trình hiệp thương là hết sức quan trọng, kết quả tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, nơi công tác với các ứng cử viên có ý nghĩa quyết định đến việc chốt danh sách trong đợt hiệp thương lần thứ 3. Chất lượng đại biểu cũng phụ thuộc vào quyết định của cử tri ngay từ vòng hiệp thương. Phát huy quyền giám sát, quyền làm chủ của mình, đối chiếu với những tiêu chuẩn của đại biểu QH, cử tri cần sáng suốt lựa chọn các ứng cử viên đại biểu QH ngay từ bây giờ.

 

Bên cạnh đó, trong quá trình hiệp thương, cử tri phát hiện dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng, kê khai tài sản không minh bạch, vi phạm pháp luật... khiếu nại, tố cáo với cơ quan bầu cử, xác minh lại thấy đúng sự thật thì cũng bị loại.

 

- Lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu số dư ít nhất là 2, nhưng thực tế, nhiều địa phương đã giới thiệu không chỉ dư hai mà còn dư tới 4, 5. Thưa ông, điều đó có ảnh hưởng đến quy trình hiệp thương và bầu cử?

 

Giữa các ứng cử viên địa phương và TƯ hoàn toàn bình đẳng. Khi đã là ứng cử viên ở danh sách chính thức có nghĩa là người đó đã đủ tiêu chuẩn, được cử tri lựa chọn. Trong kỳ bầu cử này, số dư nhiều hơn những lần trước (trước đây, chỉ nhiều hơn số bầu một đại biểu), theo quy định, ủy ban bầu cử các tỉnh, thành phố sẽ phải bảo đảm số dư ít nhất là 2 người. Số dư không ảnh hưởng đến quy trình hiệp thương hay bầu cử, trái lại, dư 4, dư 5 giúp cử tri có quyền lựa chọn một cách dân chủ nhất. Chúng ta đặt tiêu chí chất lượng đại biểu QH lên hàng đầu thì chắc chắn, cử tri sẽ sáng suốt lựa chọn ra những người ưu tú nhất.

 

- Nếu lý do bị loại khỏi danh sách chưa thuyết phục, cơ quan nào sẽ giải quyết khiếu nại của người ứng cử?

 

Toàn bộ quá trình lấy ý kiến cử tri, xác minh những vấn đề cử tri tố cáo đều công khai. Người ứng cử được mời dự hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú. Sau khi nghe cử tri phát biểu ý kiến về mình, người ứng cửsẽ trình bày, giải đáp những vấn đề mà cử tri nêu ra. Họ cũng phải giải trình cả những vấn đề mà cử tri khiếu nại tố cáo. Nếu ứng cử viên thấy chưa xác đáng thì có quyền khiếu nại lên ủy ban bầu cử, Hội đồng bầu cử. Tuy nhiên, theo Luật Bầu cử, để việc khiếu nại đó không ảnh hưởng đến tiến độ bầu cử, 10 ngày trước bầu cử, Hội đồng bầu cử, ủy ban bầu cử sẽ dừng việc giải quyết các vấn đề khiếu nại, tố cáo về người ứng cử.

 

Các tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội

- Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh;

- Có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liêm chính, chí công, vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật;

- Có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước;

- Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm;

- Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

 


Hà Nội Mới

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tuyên dương, khen thưởng 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2006
Chiều 25-3, tại Văn phòng Chính phủ, Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp mặt và tuyên dương, khen thưởng 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam, năm 2006.
26/03/2007
Hội nghị CBCC Văn phòng Tỉnh ủy năm 2007
Ngày 22.3, Văn phòng Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị cán bộ công chức năm 2007. Dự Hội nghị có đông đảo cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng.
23/03/2007
Thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh ta
(HGĐT)- Sáng 21.3, tại phòng họp 301 hội trường UBND tỉnh, đồng chí Trần Bắc Hà, Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư & phát triển (NH ĐT&PT) Việt Nam dẫn đầu đoàn công tác đã lên thăm, làm việc với lãnh đạo tỉnh ta.
23/03/2007
Gửi ngành TD-TT nhân kỷ niệm 61 năm Ngày thành lập ngành (27.3.1946-2007)
Thân ái gửi: Cán bộ, công chức, viên chức ngành TD-TT tỉnh Hà Giang. Nhân dịp Kỷ niệm 61 năm Ngày thành lập ngành Thể dục-Thể thao (TD-TT) Việt Nam (27.3.1946 - 2007). Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Giang, tôi thân ái gửi tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, huấn luyện viên, hướng dẫn viên, trọng tài, vận động viên ngành TD-TT của tỉnh lời
23/03/2007