Một tấm gương suốt đời vì Đảng, vì dân

22:33, 08/04/2007

Đồng chí Lê Duẩn tên thật là Lê Văn Nhuận, sinh ngày 7- 4 - 1907 tại làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành - Triệu Phong - Quảng Trị. Đây là một miền quê nghèo bên dòng sông Thạch Hãn, cách thành cổ - thị xã Quảng Trị khoảng 3km về phía đông bắc. Lớn lên chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, cuộc sống nhân dân chịu bao đọa đày đau khổ bởi ách đô hộ của bọn thực dân phong kiến, đồng chí đã nung nấu một ý chí quyết tâm đi làm cách mạng.


Thời còn đi học, cậu Nhuận nổi tiếng là người thông minh, học giỏi, nói tiếng Pháp rất thông thạo, dân trong vùng thường gọi với cái tên gần gũi: Cậu Thông Nhuận. Bước chân ra đi làm cách mạng từ tuổi 20 cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, chặng đường 60 năm bền bỉ phấn đấu cho lý tưởng và hoài bão của mình đồng chí Lê Duẩn đã cống hiến trọn đời vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì khát vọng thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Duẩn gắn liền với lịch sử đấu tranh vẻ vang của Đảng và nhân dân ta từ những năm 20 đến những năm 80 của thế kỷ XX. Công lao to lớn và những cống hiến xuất sắc của đồng chí Lê Duẩnđược Đảng, nhân dân ta và bạn bè quốc tế đánh giá rất cao.

Là một nhà yêu nước lớn, một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một người đồng chí, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn luôn luôn thể hiện nhiệt tình, bản lĩnh cách mạng, tình cảm và lòng tin vào thắng lợi của Đảng, của dân tộc, của giai cấp và của toàn nhân loại tiến bộ.

Từ cuối những năm 30 của thế kỷ XX, đồng chí đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo quan trọng của Đảng, từng giữ chức vụ Bí thư xứ ủy Trung kỳ, rồi Ủy viên thường vụ Trung Ương Đảng. Đồng chí Lê Duẩn đã bị thực dân Pháp bắt và lưu đày trong những nhà tù khét tiếng tàn bạo như Hà Nội, Sơn La. Nêu cao khí tiết người cộng sản, đồng chí vượt qua mọi khó khăn gian khổ, không ngừng học tập lý luận chính trị, tiếp cận với tình hình và đường lốimới của Quốc tế cộng sản và Trung ương Đảng. Do đó ngay sau khi ra tù (1936), đồng chí lại tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1940 đồng chí bị bắt và đày đi Côn Đảo. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, thoát khỏi nhà tù Côn Đảo, đồng chí trở lại hoạt động và trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ và được bầu làm Bí thư Xứ ủy. Sau Đại hội II của Đảng (1951) đồng chí được bầu vào Ban chấp hành Trung Ương, Bộ chính trị. Với cương vị Bí thư Trung ương Cục miền Nam, trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng miền Nam, cùng cả nước giành thắng lợi trong chín năm kháng chiến chống Pháp. Sau Hiệp nghị Giơ-ne-vơ (1954) đồng chí tiếp tục ở lại miền Nam lãnh đạo phong trào cách mạng. Tháng 8 -1956 đồng chí đã trực tiếp soạn thảo ra bản Đề cương cách mạng miền Nam. Đây là văn kiện chính trị quan trọng xác định những vấn đề cơ bản về đường lối và phương thức cách mạng ở miền Nam nhằm đánh đổ chính quyền Ngô Đình Diệm - tay sai của Mỹ - nguỵ. Đề cương cách mạng miền Nam là tiền đề, là cơ sở để xây dựng Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (khóa 2). Đây là một dấu ấn lịch sử quan trọng, tạo nên bước chuyển biến mới đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1957 đồng chí được Trung ương điều ra miền Bắc, được cử làm quyền Tổng Bí thư. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960) đồng chí được bầu giữ chức Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Ở cương vị lãnh đạo chủ chốt của Đảng, với tầm nhìn xa rộng, đồng chí Lê Duẩn có những đóng góp quý báu trên nhiều lĩnh vực của cách mạng Việt Nam. Sống gắn bó với nhân dân và am hiểu thực tế nhiều vùng của đất nước, đồng chí Lê Duẩn trăn trở suy nghĩ, tìm tòi đề xuất nhiều chủ trương lớn giải quyết những vấn đề do cuộc sống đặt ra, góp phần sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn của một nước nông nghiệp kém phát triển. Đồng chí là một nhà lý luận sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam với nhãn quan chính trị sâu sắc và tư duy chiến lược kiệt xuất của một nhà lãnh đạo chính trị lỗi lạc. Đồng chí Lê Duẩn là một nhà Mácxít - Lêninít chân chính, một chiến sĩ kiên cường của phong trào cộng sản, một nhà quốc tế chủ nghĩa trong sáng, góp phần xây dựng tình đoàn kết và vun trồng tình hữu nghị giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Sinh thời đồng chí Lê Duẩn sống trung thực, giản dị, gắn bó với đồng chí, với nhân dân. Ở bất kỳ hoàn cảnh nào dù gian nan, ác liệt, cho dù phải tù đày, đồng chí vẫn lạc quan tin tưởng, luôn luôn gương mẫu tiên phong trong học tập và công tác cách mạng, để lại tấm gương mẫu mực và lòng kiên trung với Đảng, tận tuỵ với nhân dân, trung thành với lý tưởng cách mạng, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn giữa lúc toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang thực hiện cuộc vận động “Học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” càng làm cho chúng ta hiểu rõ hơn thân thế và sự nghiệp của đồng chí Lê Duẩn - một tấm gương suốt đời vì Đảng, vì dân.


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ban Bầu cử đại biểu Quốc hội, đơn vị bầu cử số I của tỉnh họp triển khai nhiệm vụ
(HGĐT)- Sáng 30.3, tại phòng họp tầng 3 Thị ủy Hà Giang, Ban bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khoá XII, đơn vị bầu cử số I tỉnh đã tổ chức họp thống nhất việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của ban theo luật định.
30/03/2007
Ký kết giao ước thi đua khối các Ban Đảng Tỉnh ủy
(HGĐT)- Ngày 29.3, tại Hội trường Văn phòng Tỉnh ủy đã diễn ra Lễ ký kết giao ước thi đua khối các Ban Đảng Tỉnh ủy năm 2007.
30/03/2007
Khai mạc Giải bóng bàn các báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực phía bắc lần thứ 9
Sáng nay 30-3, tại Trung tâm Dịch vụ thi đấu thể thao Thái Nguyên đã diễn ra Lễ khai mạc Giải bóng bàn truyền thống các báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ 9 do Báo Thái Nguyên đăng cai tổ chức.
30/03/2007
Quảng Trị kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn
Tỉnh Quảng Trị, thị xã Đông Hà và huyện Triệu Phong hôm nay đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày sinh lần thứ 100 của Tổng Bí thư Lê Duẩn (7-4-1907).
08/04/2007