Đoàn công tác liên ngành Trung ương làm việc tại tỉnh ta
HGĐT- Ngày 18.11, đoàn công tác liên ngành T.Ư do đồng chí Ngô Trường Thi, Cục phó Cục Bảo trợ xã hội, Chánh văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo (Bộ LĐ-TBXH) làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh về kết quả thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP. Dự buổi làm việc có đồng chí Đàm Văn Bông, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Đề án phát triển KT-XH giảm nghèo nhanh, bền vững theo Nghị quyết 30a của chính phủ đối với 6 huyện nghèo được UBND tỉnh chính thức phê duyệt với tổng kinh phí trên 17,6 nghìn tỷ đồng và trên 27 nghìn tấn gạo. Năm 2009, tổng nhu cầu vốn thực hiện Đề án là 2.169,8 tỷ đồng và 4.074,7 tấn gạo, trong đó vốn sự nghiệp 645 tỷ đồng và 4.074,7 tấn gạo; vốn đầu tư cơ sở hạ tầng 1.524,8 tỷ đồng. Thực hiện kế hoạch ngân sách các chương trình, dự án hiện hành, năm 2009 tại 6 huyện nghèo gồm Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh, Hoàng Su Phì, Xín Mần được bố trí trên 1 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn trái phiếu Chính phủ trên 440,8 tỷ đồng, Chương trình 135 giai đoạn II trên 111,7 tỷ đồng, Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng trên 37,6 tỷ đồng, các chương trình mục tiêu quốc gia gần 28 tỷ đồng và vốn đầu tư phát triển gần 394 tỷ đồng. Đến nay, tổng vốn tạm ứng đầu tư phát triển đạt 150 tỷ đồng; vốn cấp tạm ứng kinh phí sự nghiệp trên 29,2 tỷ đồng; kinh phí đầu tư cho 13 xã khu vực II thuộc các huyện nghèo 3,9 tỷ đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp như Ngân hàng Cổ phần thương mại Công thương Việt Nam, Tổng công ty giấy Việt Nam, Tổng công ty xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam, Ngân hàng Liên Việt, Tổng công ty Hàng Hải, Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước hỗ trợ các huyện nghèo số tiền gần 93 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, XĐGN. Các nguồn vốn đầu tư được triển khai đúng mục đích và đang phát huy hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, việc thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh cũng gặp một số khó khăn như văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành T.Ư chậm, nhiều điểm không rõ, chồng chéo. T.Ư vẫn chưa có văn bản hướng dẫn việc cung ứng gạo hỗ trợ các hộ nghèo chưa tự túc được lương thực và hỗ trợ đối với cán bộ tăng cường, luân chuyển, thu hút tri thức trẻ. Đội ngũ cán bộ thực hiện đề án kiêm nhiệm, trình độ năng lực còn hạn chế... Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đề nghị Chính phủ xem xét, cân đối và tập trung chỉ đạo việc huy động nguồn lực đầu tư cho Đề án 30a, trước mắt cần giải quyết vốn cho chương trình xóa nhà tạm, lương thực hỗ trợ bảo vệ rừng và hỗ trợ người dân ở khu vực biên giới chưa tự túc được lương thực. Bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù để quá trình thực hiện Nghị quyết 30a thực sự phát huy hiệu quả.
Phát biểu tại buổi làm việc, các đồng chí Đàm Văn Bông, Ngô Trường Thi khẳng định: Hà Giang đã triển khai tốt, đúng mục tiêu Nghị quyết 30a. Tuy Nghị quyết mới triển khai trong thời gian ngắn nhưng đã phát huy hiệu quả tích cực. Qua đó, chứng tỏ tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền đến cơ sở để người dân biết, hiểu trách nhiệm, quyền lợi, cùng các cơ quan chức năng thực hiện tốt Nghị quyết 30a. Ngoài nguồn vốn cấp của Nhà nước, các huyện nghèo còn được các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, các doanh nghiệp hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm tạo thuận lợi trong phát triển KT-XH. Trong thời gian tới, Hà Giang tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, chỉ đạo thực hiện để nguồn vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ở các huyện nghèo thực sự phát huy hiệu quả. Những kiến nghị của tỉnh, đoàn công tác tiếp thu và báo cáo cấp trên xem xét, giải quyết.
Ý kiến bạn đọc