Hoàng Su Phì Phấn đấu về đích trong thời gian sớm nhất
HGĐT- Đại hội Đảng bộ huyện Hoàng Su Phì lần thứ XVIII đề ra 71 chỉ tiêu cơ bản trong các lĩnh vực của đời sống xã hội phải thực hiện từ năm 2005-2010. Đến nay, có 42 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt kế hoạch, 25 chỉ tiêu tiến độ thực hiện từ 50-dưới 100%, còn 2 chỉ tiêu có tiến độ thực hiện dưới 50%... Kết quả trên là sự nỗ lực rất lớn, thể hiện quyết tâm chạy đua với thời gian, phấn đấu hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện vào cuối năm nay.
![]() |
Từ trồng chè, người dân Hoàng Su Phì đã có nguồn thu nhập ổn định. |
Năm 2009, huyện Hoàng Su Phì được mùa lớn trong sản xuất nông nghiệp, thể hiện rõ trên cả 3 phương diện là diện tích canh tác, năng suất và sản lượng đều tăng cao hơn năm trước. Sản xuất nông nghiệp của Hoàng Su Phì không những đáp ứng đủ lương thực tiêu dùng tại chỗ, sản phẩm nông nghiệp đã trở thành hàng hóa được trao đổi trên thị trường. Ông Đỗ Tấn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì khẳng định với chúng tôi như vậy. Năng suất lúa bình quân của huyện đã đạt gần 53 tạ/ha, sản lượng đạt gần 20 nghìn tấn, cao nhất từ trước đến nay. Con số này có thể tăng cao hơn trong các vụ sản xuất tiếp theo khi huyện triển khai mạnh việc xây dựng cánh đồng mẫu. Qua theo dõi 78 ha cánh đồng mẫu trồng lúa ở 10 xã cho thấy năng suất bình quân của lúa lai thâm canh đạt từ 75-80 tạ/ha, lúa thuần 60-65 tạ/ha. Cây ngô năng suất cũng đạt gần 28 tạ/ha, sản lượng đạt gần 10 nghìn tấn. Ngoài những cây trồng chính như lúa, ngô, đậu tương, lạc…chè được xác định là cây thế mạnh và huyện đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao vị thế sản phẩm chè. Diện tích chè của Hoàng Su Phì hiện có trên 3,6 nghìn ha, gần 3 nghìn ha cho thu hoạch, sản lượng bình quân trên 8,7 nghìn tấn chè búp tươi. Doanh thu từ sản phẩm chè đạt khoảng 30 tỷ/tổng số 180 tỷ đồng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp. Từ đầu năm đến nay, huyện đã triển khai gieo ươm trên 1 triệu bầu chè giống tại 3 xã Nậm Ty, Thông Nguyên, Nậm Khòa để trồng mới, trồng rặm tiến tới nhân rộng mô hình chè trồng bầu ra các vùng chuyên canh chè, thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến chè chất lượng cao. Cùng với định hướng phát triển nền nông nghiệp chất lượng cao, chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa cũng được huyện ưu tiên đầu tư. Với chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất chăn nuôi đại gia súc hàng hóa, đến nay đàn trâu của huyện đạt trên 18 nghìn con, tăng hơn 2 nghìn con; đàn bò trên 5 nghìn con, tăng trên 1,2 nghìn con so với năm 2008… Người nông dân Hoàng Su Phì hôm nay không còn phải sống trong cảnh bữa no, bữa đói, họ đang ấp ủ ước mơ làm giàu ngay trên đồng đất quê hương.
Đạt được kết quả trên, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội, Hoàng Su Phì đã có nhiều giải pháp mang tính đột phá trong các lĩnh vực nhằm khắc phục khó khăn, khơi dậy tiền năng, lợi thế. Huyện đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thiết thực để đẩy nhanh tốc độ phát triển KT-XH, XĐGN. Ngoài những chính sách ưu tiên thu hút đầu tư, giải pháp phát triển chung của tỉnh, Hoàng Su Phì còn ban hành quy chế riêng với mục tiêu tập trung khai thác hiệu quả thế mạnh của địa phương. Các cơ chế “kích cầu” cho cây chè, thảo quả, đậu tương, lúa chất lượng cao, chăn nuôi đại gia súc, phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ…đã phát huy hiệu quả. Việc xác định đúng hướng ưu tiên đầu tư là yếu tố quyết định đến sự thành bại trong chiến lược phát triển KT-XH. Căn cứ vào điều kiện thực tế, Hoàng Su Phì xác định nền kinh tế chủ đạo trong giai đoạn hiện nay vẫn là sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, sản xuất nông - lâm nghiệp bậc cao, phải chuyển từ sản xuất tự cung tự cấp sang hướng hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ. Thực hiện mục tiêu này, yêu cầu đặt ra là phải đổi mới phương thức sản xuất, ứng dụng mạnh tiến bộ KHKT vào đồng ruộng, vẫn trên cùng diện tích canh tác đấy nhưng phải tạo ra khối lượng sản phẩm lớn hơn, giá trị cao hơn.
Mục tiêu đặt ra là vậy nhưng khi bắt tay vào thực hiện lại vấp phải rất nhiều khó khăn. Hoàng Su Phì là huyện thuần nông, nhiều tập tục canh tác, phương thức sản xuất cũ được lưu truyền qua bao thế hệ, có cái lạc hậu không phù hợp cần loại bỏ, cái tốt cần được bảo tồn và phát huy nhưng nhận thức của người dân chưa đồng đều nên việc tuyên truyền, vận động rất khó khăn, mất rất nhiều thời gian. Hoàng Su Phì có nhiều vùng đất thuận lợi để trồng lúa, ngô, đậu tương, lạc chất lượng cao nhưng nhiều năm trước đây, sản phẩm làm ra không đáp ứng được nhu cầu tại chỗ. Sản phẩm đậu tương Hoàng Su Phì được đánh giá thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng hơn vùng khác, đã xâm nhập được vào những thị trường khó tính nhưng lại không có nhiều để trao đổi. Sản phẩm chè xanh Hoàng Su Phì cũng vậy, việc sản xuất, tiêu thụ còn manh mún nên giá trị chưa cao, đời sống người dân còn bấp bênh. Từng bước triển khai mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, Hoàng Su Phì đã tuyển nhiều giống cây trồng mới đưa vào trồng thử nghiệm để chọn bộ giống thích hợp, tiến tới trồng đại trà. Một số giống đặc sản của địa phương cũng được phục tráng, gieo trồng tạo sự đa dạng của mặt hàng nông sản. Các giống cây trồng mới, năng suất cao, chất lượng tốt được đưa vào gieo trồng vừa đáp ứng được nhu cầu lương thực tại chỗ vừa có trao đổi trên thị trường.
Sự chuyển biến trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội đã thúc đẩy sự tăng tốc nền kinh tế của Hoàng Su Phì. Tính đến thời điểm hiện tại, trong tổng số 71 chỉ tiêu cơ bản Đại hội Đảng bộ huyện khóa XVIII đề ra, có 42 chỉ tiêu thực hiện đạt và vượt kế hoạch, chiếm 61%; 25 chỉ tiêu tiến độ thực hiện từ 50-dưới 100%, chiếm 36,23%; 2 chỉ tiêu tiến độ thực hiện dưới 50%, chiếm 2,77%. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế 10 tháng năm 2009 là 13,8%, đạt gần 99% Nghị quyết năm 2009, tăng gần 1% so với Nghị quyết Đại hội XVIII; tổng sản phẩm xã hội ước đạt 350 tỷ đồng, đạt gần 100% Nghị quyết năm, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII; thu nhập bình quân ước đạt 6 triệu đồng/người/năm, đạt 100% Nghị quyết năm và Nghị quyết Đại hội; bình quân lương thực gần 597 kg/người/năm, đạt gần 113% Nghị quyết năm, trên 111% Nghị quyết Đại hội. Trên địa bàn huyện cơ bản không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 29,19%, đạt Nghị quyết năm và Nghị quyết Đại hội.
Kết quả trên là quá trình phấn đấu liên tục của toàn Đảng bộ huyện để tạo lên sức tổng hòa của nền KT-XH. Hoàng Su Phì đã tranh thủ, sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình, dự án của T.Ư, tỉnh đầu tư trên địa bàn huyện để thúc đẩy KT-XH phát triển, giải quyết tốt công ăn việc làm cho người lao động ngay tại địa phương, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời phát huy tốt nội lực trong dân, năng động hơn, sáng tạo hơn, chủ động hội nhập với tiến trình phát triển của xã hội. Và việc kết hợp chặt chẽ giữa yếu tố nội lực, ngoại lực đã tạo thành sức mạnh để Hoàng Su Phì chạy đua với thời gian, quyết tâm hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ huyện trong thời gian sớm nhất.
Ý kiến bạn đọc