Hội CCB Hà Giang - thành tựu từ phong trào thi đua “CCB gương mẫu” (Tiếp theo ngày 9/11/2009)
Phát triển KT - XH, XĐGN, nâng cao đời sống cho hội viên là nhiệm vụ trung tâm
Phong trào thi đua nâng cao đời sống cho hội viên, tham gia phát triển KT – XH ở địa phương và các hoạt động tình nghĩa đã được Hội CCB các cấp chăm lo, phát triển, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm của Hội. 5 năm qua, các tổ chức Hội CCB đã mở 4 lớp tập huấn công tác vay vốn và phát triển kinh tế, 2 lớp về kiến thức xóa nghèo cho hội viên. Từng địa phương, các tổ chức Hội căn cứ vào tình hình đặc điểm của mình để tổ chức phát triển kinh tế, XĐGN cho hiệu quả. ở 4 huyện vùng cao núi đá, đã tập trung vào trồng cỏ trên 375 ha phát triển chăn nuôi bò, dê trên 1.800 con, bình quân mỗi hội viên nuôi từ 4 – 5 con. Hai huyện phía Tây Hoàng Su Phì, Xín Mần đã chọn cây mũi nhọn là chè và đậu tương trong xen canh tăng vụ đạt hiệu quả cao. Ba huyện vùng thấp Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình đẩy mạnh phát triển trang trại vườn rừng, mô hình kinh tế VAC, VACR; kết hợp với thâm canh, tăng vụ, cải tạo vườn tạp để trồng cây có giá trị kinh tế cao như: Cam, quýt, nhãn, hồng, tre măng bát độ, cây cao su và trồng cây lấy gỗ… khu vực thị xã Hà Giang tập trung vào phát triển lĩnh vực dịch vụ, khai thác, chế biến. Đến nay, Hội CCB toàn tỉnh có 61 tổ hợp, HTX, 26 Công ty TNHH (vừa và nhỏ), 48 trang trại từ trên 5ha; 1.200 hộ hội viên có vườn đồi từ 1 – 5ha. Đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động có thu nhập ổn định. Hội viên sản xuất giỏi cấp cơ sở có 832 hội viên; giỏi cấp huyện có 365 hội viên; giỏi cấp tỉnh có 49 hội viên. Điển hình như hội viên Hoàng Hải ở xã Hùng An (Bắc Quang); hội viên Lê Minh ở thị trấn Vị Xuyên, hội viên Nguyễn Lương Nhuần ở khu phố Nguyễn Huệ, Việt Quang (Bắc Quang); hội viên Ly Mí Sính, xã Xín Cái (Mèo Vạc); hội viên Nguyễn Đình Trá, xã Tân Bắc (Quang Bình), mỗi người một hoàn cảnh, một khó khăn, nhưng tựu chung lại là lòng nhiệt huyết với bản chất của bộ đội Cụ Hồ, không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, quyết vươn lên xây dựng cuộc sống mới, đóng góp tích cực cho quê hương và xã hội… Phong trào thi đua làm kinh tế giỏi còn nảy nở trong hội viên là thương binh, bệnh binh, không cam chịu ngồi hưởng chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước, mà bằng ý chí, nghị lực của người lính vươn lên xóa đói nghèo. Đó là các hội viên Lầu Sèn Sò, dân tộc Mông, xóm Hấu Đề, thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn), thương binh cụt 1 chân. Hay hội viên Đỗ Văn Chỉnh, xã Vô Điếm (Bắc Quang) cả 2 vợ chồng là thương binh 1/4, từ hoạt động dịch vụ, chăn nuôi, trồng chè, măng bát độ… hàng năm cho thu nhập trên 50 triệu đồng v.v…
Không chỉ có vậy, những năm qua, nhiều hội viên CCB từ cuộc sống khó khăn ban đầu, nay vươn lên có cuộc sống khá giả thành đạt, đã giúp đỡ cưu mang những đồng đội CCB có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng chính sách để họ bớt vơi đi những đau thương mất mát của bản thân trong chiến tranh. Tiêu biểu là các hội viên Phạm Công Nhân (doanh nghiệp); Hoàng Cao, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên)… Đến nay phong trào phát triển kinh tế, XĐGN của Hội CCB các cấp đã đi vào cả chiều rộng và chiều sâu, thực sự có kết quả cao, tỷ lệ gia đình hội viên khá giàu đã chiếm 35,7%, tỷ lệ hộ hộ viên nghèo giảm từ 26% (năm 2004) xuống còn 8,9% (6.2009). Đặc biệt là Hội CCB thị xã Hà Giang, Bắc Quang và 49 hội xã, phường, thị trấn trong tỉnh nay không có hội viên nghèo.
5 năm qua, các cấp Hội CCB trong tỉnh đã tích cực vận động, quyên góp tiền, lương thực, ngày công lao động, vật liệu trong nội bộ Hội để sửa chữa và làm nhà mới được gần 600 ngôi nhà cho hội viên, trị giá 22 tỷ 650 triệu đồng v.v… Ngoài ra các cấp Hội CCB còn vận động hội viên quyên góp bằng tiền, ngày công… giúp đỡ các gia đình hội viên và các đối tượng khác gặp hoạn nạn, thiên tai… trị giá hàng trăm triệu đồng.
Bài học kinh nghiệm từ thực tiễn
Cùng với các phong trào thi đua yêu nước trên, các phong trào thi đua khác như giáo dục truyền thống lý tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường cho thế hệ trẻ; phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Hội; thi đua hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà cấp ủy, chính quyền địa phương giao cho, được các cấp Hội CCB trong tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả. Vị thế của Hội CCB các cấp ngày càng được khẳng định bằng hàng loạt các phong trào thi đua yêu nước được các cấp ủy Đảng, chính quyền các tổ chức đoàn thể, chính trị – xã hội trong tỉnh ghi nhận, đánh giá cao, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT – XH, AN – QP – XD Đảng ở địa phương. Chính vì vậy mà trong 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước của Hội CCB Hà Giang đã phát triển lớn mạnh, toàn diện, từ vùng thấp tới vùng cao, từ vùng sâu, xa, biên giới tới phố phường, thị trấn… Phong trào thi đua yêu nước của Hội CCB Hà Giang những năm qua đã được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành từ T.Ư xuống địa phương ghi nhận. Đó là những phần thưởng như: Được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho 1 tập thể, 1 cá nhân và Thủ tướng Chính phủ tặng 1 Bằng khen cho Hội CCB tỉnh, Hội CCB các cấp và hội viên… tặng hàng trăm bằng khen, giấy khen và Huân chương các loại. Đó là những thành quả thể hiện sự rèn luyện, phấn đấu vươn lên không ngừng của các cấp Hội CCB và hội viên, phát huy tốt truyền thống anh hùng của bộ đội Cụ Hồ trong chiến đấu cũng như trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương, đất nước, XĐGN…
Từ thực tiễn phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua của Hội CCB Hà Giang cho thấy, để có được kết quả trên các cấp Hội đã bám sát nghị quyết và nội dung thi đua của cấp ủy, chính quyền và của Hội cấp trên để xây dựng nội dung, chỉ tiêu thi đua ở cấp mình phù hợp với thực tế ở địa phương, đơn vị… Cán bộ phải nhận thức đầy đủ ý nghĩa của phong trào, cử cán bộ có năng lực phụ trách và tổ chức phong trào thi đua, tập hợp, đoàn kết được sức mạnh của mọi lực lượng, của hội viên. Trong thực hiện phong trào phải thường xuyên có thi đua “đột kích” theo từng giai đoạn. Lấy thi đua xây dựng tổ chức cơ sở Hội vững mạnh làm then chốt. Đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm. Đặc biệt là cần có sự tham quan học tập kinh nghiệm các đơn vị lẫn nhau để nhân rộng mô hình tiên tiến. Phải làm tốt công tác thi đua khen thưởng kịp thời có như vậy mới tạo nên sức mạnh tổng hợp để thúc đẩy phong trào thi đua đi lên, có hiệu quả.
Ý kiến bạn đọc