Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ cơ sở ở Hoàng Su Phì
HGĐT- Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về công tác cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức cơ sở trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì được nâng lên rất nhiều. Đa số cán bộ, lãnh đạo chủ chốt ở cơ sở đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, có ý thức tổ chức, kỷ luật, tinh thần trách nhiệm cao. Đây là yếu tố thuận lợi để Hoàng Su Phì vươn lên XĐGN, xây dựng nông thôn mới.
Nằm ở cửa ngõ phía Tây của tỉnh, huyện Hoàng Su Phì có tổng diện tích tự nhiên 63.257 ha, dân số trên 5,8 vạn người, 4 xã biên giới với chiều dài đường biên 34,5 km. Cùng với các địa phương trong tỉnh, Hoàng Su Phì đang nỗ lực vươn lên, từng bước thực hiện mục tiêu XĐGN, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, Hoàng Su Phì vẫn nằm trong tốp những huyện nghèo nhất nước, nền KT-XH phát triển chậm, chưa đồng đều, đời sống đại bộ phận người dân còn khó khăn. Bên cạnh yếu tố ngoại cảnh như địa hình chia cắt mạnh, khí hậu khắc nghiệt thì sự chậm đổi mới về tư duy, nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức cơ sở và người dân đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình phát triển của huyện. Khắc phục tình trạng trên, Hoàng Su Phì đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở nhằm phát huy vai trò của họ trong quản lý, điều hành, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của địa phương. Và chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở đã có chuyển biến mạnh mẽ khi Nghị quyết 08-NQ/TƯ của BCH Đảng bộ tỉnh ra đời, được triển khai sâu, rộng trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì.
Trước khi triển khai Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hoàng Su Phì có 71 tổ chức cơ sở Đảng (25 Đảng bộ xã, thị trấn; 4 Đảng bộ khối cơ quan và 42 Chi bộ cơ sở) với 4.061 đảng viên. Có 293 Chi bộ trực thuộc các Đảng ủy cơ sở, trong đó có 275 Chi bộ trực thuộc Đảng ủy xã, thị trấn và 18 Chi bộ trực thuộc Đảng ủy các cơ quan. Trong tổng số 472 cán bộ, công chức xã (259 cán bộ chuyên trách, 213 công chức xã) mới chỉ có 4 cán bộ trình độ chuyên môn đại học, cao đẳng; 52 cán bộ trình độ trung cấp và 19 cán bộ trình độ sơ cấp; 1 cán bộ có trình độ cao cấp lý luận chính trị, 321 cán bộ trình độ lý luận chính trị sơ, trung cấp; 205 cán bộ trình độ văn hóa tốt nghiệp THPT, 254 cán bộ tốt nghiệp THCS và 13 cán bộ trình độ tiểu học. Nhìn chung, đa số cấp ủy xã, thị trấn và Chi bộ đều chấp hành nghiêm nguyên tắc, chế độ sinh hoạt Đảng theo quy định của Điều lệ Đảng. Phương thức hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng nhiều nơi được đổi mới theo hướng chất lượng, hiệu quả, nhiều vấn đề nổi cộm, phát sinh được giải quyết ngay từ cơ sở. Đội ngũ cán bộ cơ sở từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, luôn giữ vững phẩm chất đạo đức, có lối sống lành mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân. Tuy nhiên, việc chấp hành nguyên tắc tổ chức, chế độ sinh hoạt Đảng của một số tổ chức cơ sở, Chi bộ Đảng chưa tốt, chất lượng không cao. Cấp ủy cơ sở, có lúc, có nơi chưa chấp hành tốt quy chế đề ra, chậm đổi mới phương thức lãnh đạo đối với chính quyền và các tổ chức đoàn thể. Hoạt động của chính quyền, đoàn thể ở một số nơi còn hạn chế, chậm đổi mới lề lối làm việc, tính trì trệ, ỷ lại còn cao. Tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, kỷ luật của một số cán bộ chưa tốt, số cán bộ chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn còn cao… Điều này đòi hỏi phải có sự đổi mới toàn diện về chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở sao cho đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển trong giai đoạn mới. Nghị quyết 08 ra đời đã thổi luồng sinh khí mới vào quyết tâm nâng cao trình độ, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ cơ sở trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì.
Nhằm nâng cao trình độ, nhận thức, năng lực điều hành của đội ngũ cán bộ cơ sở, Hoàng Su Phì đã thực hiện tốt công tác liên kết đào tạo và luân chuyển cán bộ. Qua đó, đội ngũ cán bộ cơ sở luôn được kiện toàn, củng cố, đào tạo theo hướng chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 08, huyện đã liên kết với các trường đại học, trung học chuyên nghiệp mở nhiều lớp đào tạo đại học, trung cấp nông - lâm nghiệp; đào tạo văn hóa, lý luận chính trị cho hàng trăm cán bộ công chức xã, thị trấn; luân chuyển với các hình thức 75 đồng chí, trong đó luân chuyển ngang 12 cán bộ, từ xã lên huyện học viêc 58 cán bộ, từ huyện về xã 14 cán bộ. Đến nay, trong tổng số 261 cán bộ chuyên trách, đã có 18 cán độ đạt trình độ chuyên môn đại học, 58 cán bộ có trình độ trung cấp. So với trước khi có Nghị quyết 08, cán bộ chuyên trách đạt trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên tăng trên 590%, trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên tăng 7,6%, trình độ văn hóa THPT tăng trên 60%. Trong số 211 cán bộ công chức xã, thị trấn, có 13 cán bộ đạt trình độ đại học, 2 cao đẳng, 119 trung cấp. Số cán bộ, công chức xã thị trấn có trình độ từ trung cấp trở lên tăng gần 198%, trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên tăng trên 17%, trình độ văn hóa tốt nghiệp THPT tăng gần 40% so với trước khi có Nghị quyết. Số cán bộ không chuyên trách xã, thị trấn đạt trình độ chuyên môn từ sơ cấp trở lên tăng 380%, trình độ văn hóa THPT tăng gần 27% so với trước khi có Nghị quyết. Trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, văn hóa của đội ngũ cán bộ Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, công an viên cũng được nâng lên rất nhiều.
Qua công tác đào tạo, luân chuyển cán bộ, năng lực quản lý điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức cơ sở được nâng lên; ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm có sự chuyển biến rõ nét thể hiện ở việc chấp hành nghiêm lề lối, tác phong, chế độ ngày, giờ làm việc; vận dụng sáng tạo, có hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách, nghị quyết của Đảng vào thực tiễn công tác lãnh đạo, quản lý thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Hầu hết cán bộ luân chuyển đều nhận thức được mục đích, ý nghĩa và chấp hành tốt quyết định luân chuyển, phấn đấu hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Sau một thời gian luân chuyển cán bộ chủ chốt đã có chuyển biến tích cực trong hoạt động của cấp ủy, chính quyền cơ sở, khắc phục được sự nể nang, né tránh, trong thực hiện phê bình, tự phê bình và tư tưởng trông trờ, ỷ lại. Việc luân chuyển cán bộ từ xã lên huyện học việc đã trở thành việc làm thường xuyên, được cán bộ, đảng viên đồng tình ủng hộ. Các cán bộ luân chuyển từ xã lên huyện học việc, khi trở về cơ sở công tác đều có đổi mới về tác phong, phát huy tốt tinh thần trách nhiệm. Việc đưa cán bộ từ huyện về xã công tác đã góp phần từng bước nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức xã. Ngoài ra, công tác quy hoạch, quản lý, bố trí, đánh giá, sử dụng cán bộ cũng được huyện thực hiện tốt, giúp cán bộ phát huy tốt sở trường, năng lực làm việc.
Từ làm tốt công tác cán bộ, đến nay KT-XH của huyện có sự phát triển đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức gần 14%/năm, tổng sản phẩm xã hội đạt trên 300 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, lương thực bình quân đạt 427kg, thu nhập bình quân đạt 5,3 triệu đồng/người/năm. Trên cơ sở kết quả đạt được, Hoàng Su Phì tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển nhằm nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và tiêu chuẩn chức danh cán bộ theo quy định nhằm phát huy vai trò cán bộ cơ sở để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH.
Ý kiến bạn đọc