65 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22.12.1944 - 2009), 20 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22.12.1989 - 2009)
2. Đánh thắng trận đầu và cùng toàn dân kháng chiến chống thực dân Pháp.
Thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Trong một tháng phải có hoạt động, trận đầu nhất định phải thắng lợi”, Đội Việt Nam TTGPQ vừa làm tốt công tác tuyên truyền trong nhân dân ủng hộ Mặt trận Việt Minh đánh Pháp vừa chuẩn bị lực lượng cho trận đánh đầu tiên, đó là: Đồn Phay Khắt,Nà Ngần, thuộc tổng Kim Mã, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
Ngày 24.12.1944, thực hiện kế hoạch tác chiến, đội cải trang lừa địch bất ngờ đột nhập Đồn Phay Khắt, diệt địch, bắt toàn bộ địch làm tù binh, thu vũ khí địch. Tiếp đó, ngày 26.12.1944, đội đánh đồn Nà Ngần, diệt 5 tên, bắt 17 tên, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng của địch. Đây là hai trận đánh đầu tiên thể hiện sự gan dạ mưu trí, sáng tạo tinh thần triệt để chấp hành mệnh lệnh của đội Việt Nam TTGPQ. Hai trận đánh có tiếng vang lớn cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng trong khu căn cứCao- Bắc- Lạng. Mở đầu truyền thống quyết chiến, quyết thắng, biết đánh và biết đánh thắng ngay từ trận đầu của QĐND Việt Nam.
Ngày 19.8.1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Hà Nội cùng LLVT tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Thắng lợi ở thủ đô Hà Nội đã cổ vũ và thúc đẩy mạnh mẽ các địa phương nổi dậy giành chính quyền, chỉ trong 12 ngày, Cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám giành thắng lợi trong cả nước. Chính quyền cách mạng được thành lập từ Trung ương tới thôn, xã.
Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ Tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố nước Việt Nam DCCH ra đời, mởra kỷ nguyên mới của dân tộc, kỷ nguyên dân tộc Việt Nam đứng lên làm chủ vận mệnh của mình. Cũng từ ngày 2. 9. 1945, Giải phóng quân Việt Nam trở thành quân đội của nhà nước Việt Nam DCCH.
Cách mạng tháng 8 vừa giành được thắng lợi, quân và dân ta tập trung giải quyết những khó khăn chồng chất của giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Với bản chất ngoan cố, quyết tâm xâm lược nước ta một lần nữa, ngày 23. 9.1945, thực dân Pháp có quân Anh giúp sức, đã gây hấn ở Sài Gòn, mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ 2.Đêm 19.12.1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, mở đầu ở Hà Nội với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” , các chiến sĩ Vệ quốc quân, Công an xung phong, Tự vệ chiến đấu anh dũng. Cùng với Hà Nội, quân dân ta ở nhiều thành phố, thị xã khác cùng tiến công vây hãm, tiêu diệt và giam chân địch, tạo điều kiện cho cả nước chuyển vào kháng chiến lâu dài.
Tháng 10/1947,QĐND đã cùng quân, dân Việt Bắc đánh bại ý đồ tiến công Việt Bắc của địch hòng tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và bộ đội chủ lực của ta, kết thúc chớp nhoáng chiến tranh xâm lược. Nổi bật là các trận Bình Ca (Tuyên Quang), Bông Lau (Cao Bằng), Đoan Hùng, Khe Lau, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 7.500 tên, bắn rơi 18 máy bay, bắn chìm 50 tàu, ca nô, phá huỷ 255 xe cơ giới, thu hàng nghìn súng các loại. Đây là thắng lợi qui mô lớn đầu tiên của Quân và dân ta, làm phá sản chiến lược “Đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp, đưa cuộc kháng chiến của quân và dân ta sang một giai đoạn mới.
Tháng 9.1950, ta mở chiến dịch Biên Giới, diệt cụm cứ điểm Đông Khê, đánh địch từ Cao Bằng rút chạy và chặn viện quân từ Thất Khê lên; thừa thắng, quân ta chuyển sang tiến công giải phóng một dải biên giới từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) tới Tiên Yên (Quảng Ninh), mở thông đường biên giới với Trung Quốc và các nước XHCN anh em.
Vừa chiến đấu vừa xây dựng, LLVT đã có bước phát triển nhanh chóng, từ đội Việt Nam TTGPQ với 34 chiến sĩ, trang bị vũ khí thô sơ, đến những năm 1950 - 1952, quân đội ta đã xây dựng được các đại đoàn chủ lực, các đơn vị binh chủng kỹ thuật, như: Đại đoàn 308, 304, 316, 325, Đại đoàn công pháo 351. Quân đội ta có sự lớn mạnh cả về quy mô và khả năng tác chiến, đã đánh nhiều trận đánh lớn, nhiều chiến dịch có quy mô lớn, tạo ra thế và lực mới bảo đảm cho quân đội và nhân dân ta vững bước chuyển sang phản công, tiến công địch.
Tháng 9/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Đông Xuân 1953 – 1954, với 5 đòn chiến lược, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, làm phá sản âm mưu tập trung lực lượng cơ động của Na Va, ta nắm quyền chủ động trên chiến trường.
Ngày 6.12.1953, Bộ Chính trị họp, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 13.3.1954, ta nổ súng tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, sau 55 năm ngày đêm chiến đấu vô cùng dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, ngày 7.5.1954, ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, trong đó có tướng Đờ cát tơ ri, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 xe các loại cùng toàn bộ vũ khí đạn dược của địch.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta về cả số lượng, chất lượng, trình độ và nghệ thuật quân sự, đồng thời có ý nghĩa quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trực tiếp dẫn đến thắng lợi hội nghị Giơ Ne Vơ về lập lại hoà bình ở Đông Dương. Quân và dân ta bước sang giai đoạn cách mạng mới, giai đoạn cách mạng XHCN ở Miền Bắc, tiếp tục đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Miền Nam.
(Còn nữa)
Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên Giáo Tỉnh uỷ vàBộ CHQS tỉnh Hà Giang
Ý kiến bạn đọc