Công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Hà Giang những năm đầu thành lập
HGĐT- Ngày 19.8.1945, cách mạng thành công ở thủ đô Hà Nội và như một xu thế tất yếu của cách mạng, ngày 8.12.1945 thị xã Hà Giang được giải phóng từ tay bọn phản động quốc dân Đảng do Hoàng Quốc Chính cầm đầu. Thị xã Hà Giang được giải phóng, khí thế cách mạng ở trung tâm thị xã và toàn tỉnh lên cao, đòi hỏi sự lãnh đạo tập trung, nhất quán của Đảng đối với phong trào cách mạng của quần chúng.
Trước tình hình đó, ngày 25.12.1945, hai sự kiện quan trọng của cách mạng ở Hà Giang đã đồng thời diễn ra, đó là: Xứ ủy Bắc Kỳ ra Quyết định thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Giang, với BCH lâm thời gồm 5 đồng chí: Hồng Quân, Thanh Phong, Huyền Quỷnh, Trần Tùng và Khải Ca. Cả 5 đồng chí đều do Xứ ủy Bắc Kỳ cử đến, đồng chí Hồng Quân được cử làm Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Hà Giang. Và sự kiện thứ 2 là thành lập và ra mắt nhân dân, ủy ban hành chính (UBHC) lâm thời tỉnh Hà Giang, do đồng chí Thanh Phong làm chủ tịch.
Vừa ra đời, Tỉnh ủy và UBHC tỉnh lâm thời đã phải nhanh chóng bắt tay vào công việc bộn bề; ngay phiên họp đầu tiên, BCH Đảng bộ tỉnh đã quyết định những việc quan trọng, cấp bách phải làm là: Chuẩn bị ngay cho công tác tổng tuyển cử, bầu đại biểu Quốc hội khóa I đơn vị tỉnh Hà Giang, với 2 đại biểu được giới thiệu là đồng chí Nguyễn Huyền Quỷnh và ông Vương Chí Sình; thành lập HĐND tỉnh gồm 20 đại biểu, tiến hành nhóm họp ngay để chính thức bầu ra UBHC tỉnh, đồng thời HĐND và UBHC các xã cũng được thành lập để chính thức khẳng định trước nhân dân bộ máy chính quyền của Đảng do nhân dân bầu ra, đã đi vào hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh.
Đồng thời với việc khẳng định bộ máy chính quyền, Tỉnh ủy cũng xác định rõ phải nhanh chóng xây dựng tổ chức Đảng, phát triển đội ngũ đảng viên, để đủ sức và đáp ứng yêu cầu lãnh đạo phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân đang lên cao. Bởi vậy, ngay trong ngày 25.12, Tỉnh ủy ra quyết định thành lập chi bộ đầu tiên là Chi bộ Cơ quan công sở gồm 5 đảng viên, đồng chí Hồng Quân, Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp làm bí thư chi bộ. Tiếp đó, tháng 1.1946, Tỉnh ủy cử 2 đồng chí đảng viên xuống chỉ đạo và gây dựng cơ sở ở Bắc Quang, đến tháng 8 thì bồi dưỡng kết nạp được 2 đảng viên đầu tiên của huyện Bắc Quang là Chu Đức Tung và Hoàng Thịnh Kinh, đủ điều kiện để Tỉnh ủy ra quyết định thành lập tổ Đảng huyện Bắc Quang do đồng chí Phương Lâm là tổ trưởng và đến ngày 20.2.1947, Tỉnh ủy ra quyết định thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện, nữ đồng chí Phương Lâm được chỉ định làm bí thư đầu tiên của tổ chức Đảng ở huyện Bắc Quang. Tháng 4.1946, Đảng bộ tỉnh bồi dưỡng, kết nạp được 3 đảng viên ở địa phương, trong đó có 2 đồng chí công nhân điện, nước là Cao Hữu Ngọc và Phạm Văn Tái, đến tháng 8.1946, Chi bộ Xí nghiệp điện nước Hà Giang được thành lập. Tháng 3.1947, Tỉnh ủy Hà Giang được kiện toàn thêm một bước, gồm 7 đồng chí ủy viên chính thức và 1 ủy viên dự khuyết, đồng thời các ban chuyên môn là: Ban Tổ chức, Ban Dân vận, Ban Tuyên huấn, Ban Kiểm tra cũng được thành lập đi vào hoạt động, làm nhiệm vụ tham mưu cho BCH, thường trực và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.
Trong năm 1946 và đầu năm 1947, Tỉnh ủy Hà Giang đã chỉ đạo và trực tiếp cử đảng viên xuống các cơ sở trong tỉnh để gây dựng phong trào cách mạng, bồi dưỡng, gây dựng tổ chức Đảng và đảng viên, tạo nên hệ thống tổ chức Đảng khá rộng trong tỉnh; ngày 15.5.1947, Huyện ủy Bắc Quang được thành lập, đồng chí Phạm Gia Tuân được Tỉnh ủy chỉ định làm Bí thư Huyện ủy; tiếp đó ngày 16.5.1947 thành lập Huyện ủy Hoàng Su Phì, nữ đồng chí Lê Minh Cầm được chỉ định làm Bí thư đầu tiên; ngày 15.8.1948, Huyện ủy Vị Xuyên được thành lập và đến tháng 5.1949 Huyện ủy Đồng Văn tổ chức Đảng cấp huyện cuối cùng của tỉnh ta lúc đó được thành lập. Về số lượng đảng viên, tháng 5.1949, Đảng bộ tỉnh có trên 1.000 đảng viên. Như vậy, kể từ ngày thành lập, với chi bộ đầu tiên gồm 5 đảng viên, Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã xác định và quyết tâm chỉ đạo công tác xây dựng Đảng phát triển đảng viên, thành lập tổ Đảng, thành lập chi bộ tạo dựng cơ sở, gây dựng đội ngũ đảng viên từ phong trào quần chúng ở nhiều lĩnh vực: Nông thôn, thành thị, công nhân điện, nước, ở khắp các cơ sở trong tỉnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cách mạng, hướng dẫn phong trào quần chúng nhân dân, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cách mạng, thực hiện kháng chiến chống Pháp cùng cả nước đi đến thắng lợi cuối cùng. Xứng đáng với sự tin tưởng của T.Ư Đảng, của Bác Hồ kính yêu, đồng thời khẳng định và viết nên những dòng truyền thống đầu tiên rất hào hùng và vinh quang của công tác tổ chức xây dựng Đảng trong những ngày đầu của Đảng bộ, gắn liền với lịch sử 64 năm của Đảng bộ tỉnh Hà Giang của chúng ta.
Ý kiến bạn đọc