Trích bài phát biểu của đồng chí Hoàng Minh Nhất, ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,
...Hôm nay, tỉnh Hà Giang long trọng tổ chức Đại hội đại biểu dân tộc thiểu số lần thứ nhất. Đây là sự kiện vô cùng quan trọng có tính lịch sử (vừa thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số vừa là để tôn vinh, ghi nhận công lao to lớn của các dân tộc thiểu số đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước nói chung và quê hương Hà Giang nói riêng).
Những đại biểu dự Đại hội hôm nay đều là những người ưu tú, tiêu biểu đại diện cho đồng bào các dân tộc thiểu số Hà Giang, được tôn vinh từ cơ sở lên. Thay mặt BTV Tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, tôi nhiệt liệt chào mừng đồng chí Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông, thành viên Ban chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam; các quý vị đại biểu và các vị khách quý; toàn thể đồng bào, đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và giành nhiều thắng lợi. Chúc Đại hội các dân tộc thiểu số lần thứ nhất của tỉnh thành công tốt đẹp.
Kính thưa Đại hội!
Kính thưa toàn thể đồng bào, đồng chí!
Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, với truyền thống hào hùng của con Hồng, cháu Lạc từ những ngày dựng nước, với sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc được hun đúc, phát triển từ truyền thuyết “Bọc trăm trứng” sinh ra 100 con người: 50 theo cha xuống biển, 50 theo mẹ lên non, hình thành nên đại gia đình các dân tộc Việt Nam, với tên gọi đầy ý nghĩa là “Đồng bào” từ bao đời nay, đã cùng chung sống, kề vai, sát cánh bên nhau đấu tranh với thiên nhiên và giặc ngoại xâm để sinh tồn và phát triển, bảo vệ vững chắc sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, lãnh tụ thiên tài – Người anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới chỉ rõ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - thành công thành công, đại thành công”.
Đảng cộng sản Việt Nam đã tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống đại đoàn kết các dân tộc của cha ông. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc ngày càng được phát huy và nhân lên gấp bội. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc. Coi đây, là vấn đề sống còn và có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”.
Văn kiện Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ 10 của Đảng chỉ rõ: “Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam luôn bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ; cùng nhau thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH – HĐH đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”.
Trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, viết: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xơ Đăng hay Ba Na và các dân tộc khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt, chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”.
Khi lên thăm Hà Giang năm 1961, nói chuyện với gần hai vạn cán bộ, bộ đội và đồng bào các dân tộc trong tỉnh (tại Quảng trường 26.3 ngày nay) Bác Hồ đã căn dặn: “Tất cả các dân tộc phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em một nhà;... phải ra sức giúp đỡ đồng bào rẻo cao nhiều hơn nữa để khắc phục khó khăn, xây dựng đời sống mới...”
Đúng vậy, trong suốt chiều dài lịch sử và mỗi giai đoạn cách mạng của đất nước và quê hương, truyền thống đoàn kết các dân tộc luôn được coi trọng gìn giữ và phát huy, tạo nên sức mạnh Việt Nam, đưa đất nước ta và quê hương ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, đưa dân tộc ta từ ách lầm than, nô lệ trở thành một nước tự do, độc lập và đi lên CNXH; đất nước ta ngày càng đổi mới, hội nhập và phát triển, sánh vai cùng với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Kính thưa Đại hội!
Kính thưa toàn thể đồng bào, đồng chí!
Hà Giang là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới với 22/23 dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 87,8% dân số toàn tỉnh. Thực tế lịch sử đã chứng minh, ngay từ những ngày đầu cách mạng trong các cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược, kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bảo vệ biên giới của Tổ quốc, đồng bào các dân tộc thiểu số đã tích cực tham gia lao động sản xuất, đóng góp nhiều tiền, nhiều của và lần lượt tiễn đưa hàng ngàn thanh niên là con em của đồng bào các dân tộc thiểu số lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu. Nhiều con em các dân tộc thiểu số đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đồng thời, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào vẫn luôn luôn giữ vững được đường biên, mốc giới; xây dựng được biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Trong quá trình xây dựng và phát triển KT-XH, cùng với sự giúp đỡ của các tỉnh bạn và đồng bào miền xuôi, đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang luôn đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, quyết tâm phấn đấu vươn lên. Ngay từ những ngày đầu, đã tích cực tham gia xây dựng hợp tác xã, xóa bỏ chế độ bóc lột ở nông thôn, phát triển y tế, giáo dục, thực hiện phong trào thanh toán nạn mù chữ và bổ túc văn hóa; phát triển hạ tầng cơ sở. Điển hình nhất là, đã cùng nhau mở tuyến đường “Hạnh Phúc” từ thị xã Hà Giang đi các huyện vùng cao phía Bắc và nhiều tuyến đường trọng yếu khác đi các huyện, các xã trong tỉnh; phát triển thông tin liên lạc v.v...
Trong giai đoạn thực hiện công cuộc đổi mới, đồng bào các dân tộc tiếp tục đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau “xóa đói giảm nghèo”; thực hiện “Xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở” nâng cao dân trí; hưởng ứng mạnh mẽ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; tiếp tục làm đường dân sinh, xây dựng nông thôn mới; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc (về tiếng nói, chữ viết; về phong tục tập quán; về các ngành nghề truyền thống; về văn hóa, văn nghệ v.v...).
Có thể nói, suốt một chặng đường lịch sử đã qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh Hà Giang đã trưởng thành và phát triển vượt bậc về mọi mặt (cả về dân số và chất lượng cuộc sống). Về ăn ở, đi lại, học hành, khám chữa bệnh đã được cải thiện và nâng cao; nông thôn, thành thị nơi đồng bào sinh sống đã có sự đổi mới rõ rệt.
Năm 2009, là năm tỉnh ta đạt được thành tựu lớn và tương đối toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có sự đóng góp cực kỳ to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số. Các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm được tập trung giải quyết có hiệu quả thiết thực; đại đa số đồng bào các dân tộc thiểu số đã có nhà ở khang trang; cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở những vùng thiếu nước trầm trọng; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc được phát huy.
Thay mặt BTV Tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, tôi ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành đã quán triệt, triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc; cũng như những thành tích, đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh nhà trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương Hà Giang giàu đẹp và phát triển trong những năm qua.
Kính thưa Đại hội!
Kính thưa toàn thể đồng bào, đồng chí!
Bên cạnh những đổi mới và tiến bộ, chúng ta cũng cần nhận thấy rằng, nhiều vùng đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn (cả đời sống vật chất cho đến đời sống tinh thần); tập quán canh tác lạc hậu, còn mang tư tương sản xuất tự túc, tự cấp, lệ thuộc vào thiên nhiên; sự chênh lệch về thu nhập, về mức sống giữa các vùng, miền; cũng như về vấn đề ăn, ở, học hành, khám chữa bệnh vẫn còn một số vấn đề nan giải, cần phải tiếp tục quan tâm giải quyết; việc dạy nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn, vùng cao còn là vấn đề bức xúc; bản sắc văn hóa, phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số tuy đã được khôi phục, duy trì và phát triển, nhưng chưa được nhiều; tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan ở một số nơi vẫn còn tồn tại; còn hiện tượng đồng bào dân tộc di cư bất hợp pháp, truyền đạo, học đạo trái pháp luật; kết quả xóa đói giảm nghèo chưa thật bền vững. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở, đặc biệt là cán bộ người dân tộc thiểu số còn thiếu và yếu v.v…
Việc phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc và sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc luôn là vấn đề mang ý nghĩa chiến lược trong xây dựng, bảo vệ và phát triển của đất nước và của tỉnh. Vì vậy, tôi đề nghị trong thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; các đại biểu dự Đại hội và đồng bào các dân tộc trong toàn tỉnh cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung như sau:
Một là: Quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc và đại đoàn kết dân tộc. Coi đây, vừa là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trước mắt, vừa là nhiệm vụ chiến lược cơ bản, lâu dài. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, gắn với thực hiện cóhiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhất là “Làm theo” tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc.
Hai là: Triển khai quyết liệt và có hiệu quả các chính sách, các chương trình, dự án đầu tư phát triển, đặc biệt là chương trình xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, Chương trình 135, 134, chương trình bảo vệ và phát triển rừng v.v… Trong đó, hết sức coi trọng việc hướng dẫn bà con đẩy mạnh thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Làm tốt công tác định canh, định cư; tập trung giải quyết nhu cầu về đất sản xuât, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, chấm dứt nạn chặt phá rừng làm nương rẫy để không còn tình trạng du canh, du cư, di dân bất hợp pháp. Giúp bà con di chuyển ra khỏi vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đá và những vùng sản xuất khó khăn đến nơi ở mới an toàn, thuận lợi.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện hạ tầng cơ sở ở tất cả các vùng mà đồng bào sinh sống, như đường giao thông, hệ thống thông tin liên lạc, điện lưới quốc gia, các công trình trường học, trạm xá, chợ thương mại, Nhà văn hóa, công trình thủy lợi, nhà lưu trú cho cán bộ y tế, giáo viên, học sinh v.v… nhằm bảo đảm cho vùng đồng bào các dân tộc thiểu số có điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển KT-XH.
Ba là: Phát triển quy mô và nâng cao chất lượng ở tất cả các cấp học và ngành học; có các hình thức mở lớp phù hợp (trường, lớp bán trú dân nuôi); bảo đảm cho tất cả trẻ em trong độ tuổi ở các vùng đều được đi học; có đủ cán bộ y tế để chăm sóc sức khỏe cho đồng bào, nhất là đội ngũ cán bộ y tế thôn bản, bác sỹ tuyến xã. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số ở cả khu vực nông thôn và thành thị.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” lấy cuộc vận động làm trung tâm để phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc ở từng thôn, làng, bản, gắn với công tác bảo tồn, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, trong đó chú ý giữ gìn và bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục của từng dân tộc; kiên quyết bài trừ các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu; đấu tranh với các tư tưởng, biểu hiện kỳ thị, chia rẽ các dân tộc.
Bốn là: Thực hiện tốt các chính sách ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trí thức là người dân tộc thiểu số ở tất cả các cấp, các ngành, các đoàn thể, các tổ chức chính trị – xã hội; đặc biệt là xây dựng được một đội ngũ cán bộ công tác ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số thật sự am hiểu về văn hóa, phong tục tập quán, tiếng nói, có uy tín, được đồng bào tin yêu, có khả năng làm tốt công tác dân vận, chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới đồng bào các dân tộc; coi trọng và phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh công tác phát triển Đảng ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, thôn bản trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, đoàn kết, tập hợp được đồng bào các dân tộc thiểu số thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Năm là: Các cấp, các ngành, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số phải nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước những âm mưu thâm độc, “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, nhằm phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc. Tích cực củng cố và xây dựng thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; chủ động, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hoạt động lợi dụng chính sách tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng để truyền đạo, học đạo trái pháp luật, lôi kéo đồng bào các dân tộc thiểu số di cư bất hợp pháp và nhiều hoạt động, thủ đoạn, âm mưu thâm độc khác của các thế lực thù địch.
Kính thưa Đại hội!
Kính thưa toàn thể đồng bào, đồng chí!
Tại Đại hội lần này, một nhiệm vụ rất quan trọng là Đại hội chúng ta cử được đoàn đại biểu đi dự Đại hội các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ nhất, tôi đề nghị Đại hội với tinh thần tập trung dân chủ, thống nhất, đồng thuận cao, lựa chọn những đại biểu ưu tú, tiêu biểu đại diện cho đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh nhà tham dự và tham gia nhiều ý kiến đóng góp, mang tiếng nói, tình cảm và trách nhiệm của đồng bào ta đến với Đại hội các dân tộc thiểu số Việt Nam, với Đảng và Nhà nước.
Đại hội đại biểu dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang lần thứ nhất là một sự kiện chính trị, một diễn đàn rất quan trọng và có thể nói, là “Hội nghị Diên Hồng” của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang trước thềm Đại hội Đảng các cấp. Tôi đề nghị các đại biểu dự đại hội phát huy dân chủ, trách nhiệm, tích cực thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, thiết thực, có chất lượng, góp phần cho đại hội được thành công tốt đẹp.
Trong không khí phấn khởi trước những thắng lợi lớn và tương đối toàn diện của Đảng bộ, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã giành được trong năm 2009; chuẩn bị đón Nô en, đón Tết dương lịch và bước sang năm mới Canh Dần 2010, tôi thay mặt BTV Tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, một lần nữa xin được kính chúc các quý vị đại biểu và các vị khách quý, đồng bào, đồng chí cùng gia đình sức khỏe, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng, năm mới giành nhiều thắng lợi mới; chúc Đại hội đại biểu dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang lần thứ nhất thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn Đại hội và đồng bào, đồng chí!
Ý kiến bạn đọc