Đoàn ĐBQH Hà Giang thảo luận nhiều ý kiến tại nghị trường Quốc hội về triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp

16:14, 18/06/2025

BHG - Ngày 17.6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận, thông qua các luật, nghị quyết. Tại phiên họp này, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang đã tham gia nhiều ý kiến thiết thực.

Tham gia phát biểu, đại biểu Hoàng Ngọc Định thẳng thắn bày tỏ, tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ một số nội dung liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Đại biểu đồng thuận và thống nhất cao với chủ trương sáp nhập tỉnh, thành lập một đơn vị hành chính cấp tỉnh mới. Đại biểu dẫn chứng ý kiến của một cử tri lão thành cách mạng từng nhận định: “Chia ra để phát triển đã hoàn thành sứ mệnh. Bây giờ là lúc cần nhập lại để tiến xa hơn.” Theo đại biểu, đây không chỉ là một bước đi về tổ chức, mà là một quyết sách chiến lược nhằm mở ra không gian phát triển mới, quy mô hơn, hiệu quả hơn.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định tham gia phát biểu. Ảnh: CTV
Đại biểu Hoàng Ngọc Định tham gia phát biểu. Ảnh: CTV

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Ngọc Định cũng chỉ rõ những trăn trở của một số cán bộ, người dân như: Khoảng cách địa lý xa xôi, giao thông khó khăn sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả công việc, sinh hoạt, tiếp cận dịch vụ công; khi xảy ra cháy rừng, thiên tai, hay vấn đề an ninh trật tự thì xử lý như thế nào? Đối với Hà Giang, trình độ dân trí chưa đồng đều, nhiều nơi vẫn còn hủ tục lạc hậu. Một bộ phận người dân và cả cán bộ còn e ngại cái mới, ngại thay đổi, ngại học hỏi. Đó là những rào cản lớn trong nhận thức cần được dỡ bỏ nếu muốn tiến nhanh, tiến vững.

Để cuộc cách mạng hành chính này thành công và thực sự vì dân, đại biểu kiến nghị, hoàn thiện công cụ quản lý nhà nước một cách đồng bộ, thống nhất và kịp thời; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cần được cập nhật, sửa đổi phù hợp với thực tiễn mới. Đặc biệt, việc điều hành phát triển KT - XH cần có hệ thống quy hoạch tổng thể được phê duyệt, để đảm bảo tăng trưởng và ổn định sau sáp nhập.  Hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội cần được đầu tư mạnh mẽ, ưu tiên tuyệt đối, tiếp tục đầu tư các tuyến đường chiến lược từ tỉnh đến xã, từ xã đến thôn bản, nhất là các tuyến giao thông liên vùng, công trình dân sinh, y tế, văn hóa, xã hội. Tinh gọn bộ máy phải đi đôi với nâng cao chất lượng cán bộ, đặc biệt là ở cấp xã.

Đại biểu nhấn mạnh vai trò của cán bộ là người địa phương, người dân tộc thiểu số, những người hiểu phong tục, ngôn ngữ, đời sống bà con. Đây là lực lượng dân vận hiệu quả nhất, là người gần dân, sát dân nhất, giúp chính sách đi vào cuộc sống, tháo gỡ khó khăn từ cơ sở. Cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ địa phương; có cơ chế đặc thù về biên chế, phụ cấp, điều kiện làm việc để cấp xã thực sự là “cánh tay nối dài” của chính quyền với Nhân dân.

Đại biểu Vương Thị Hương tham gia phát biểu. Ảnh: CTV
Đại biểu Vương Thị Hương tham gia phát biểu. Ảnh: CTV

Đại biểu kiến nghị, tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và nâng cao dân trí, đặt nền móng cho phát triển bền vững. Ở nhiều nơi, trường lớp còn thiếu, thiết bị còn nghèo nàn, giáo viên còn vất vả. Nhưng điều đáng lo hơn là sự ngại thay đổi, tâm lý tự ti, nhận thức chưa đầy đủ về học tập. Nếu không có quyết tâm chính trị và sự chỉ đạo đồng bộ, thống nhất từ Trung ương, thì dù chính sách có tốt cũng khó thực thi đến nơi, đến chốn. Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa để biến các chủ trương thành hành động cụ thể; giao nhiệm vụ rõ ràng cho các bộ, ngành và địa phương trong việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn - từ trường lớp, giáo viên đến công tác truyền thông, vận động, để mỗi gia đình đều nuôi khát vọng học tập cho con em mình.

Đại biểu Vương Thị Hương bày tỏ sự đồng tình với chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về việc tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, đại biểu cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế trong triển khai thực tiễn, đặc biệt là việc thực hiện các quy định của Nghị định 178/2024/NĐ-CP và Nghị định 67/2025/NĐ-CP (sửa đổi) của Chính phủ.

Theo đại biểu, từ kiến nghị của cử tri và kết quả giám sát thực tế tại địa phương, có thể thấy rõ sự bất cập trong việc áp dụng chính sách nghỉ việc đối với CBCCVC và người lao động có thời gian công tác từ đủ 15 năm trở lên tại các vùng đặc biệt khó khăn hoặc làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Đại biểu nêu ví dụ thực tế để làm rõ sự bất cập: 2 cán bộ cùng giới tính và bằng tuổi nhau (1 người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn và 1 người công tác tại vùng thuận lợi) hiện cả 2 người này đều còn 5 năm công tác đến tuổi nghỉ hưu theo tuổi nghỉ hưu thông thường - quy định tại phụ lục I Nghị định 135/2020/NĐ-CP, khi áp dụng chính sách đối với người nghỉ việc theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP xảy ra trường hợp: Người công tác ở vùng thuận lợi được nghỉ hưu trước tuổi và được hưởng các trợ cấp từ chính sách nghỉ việc, trong khi đó người có từ đủ 15 năm công tác làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, rất vất vả, độc hại, nguy hiểm… lại không được hưởng chính sách trên. Theo đại biểu, chính sách này đang vô tình tạo ra sự bất bình đẳng, ảnh hưởng đến tâm lý và động lực cống hiến của đội ngũ cán bộ cơ sở. Đây là lực lượng ‘giữ lửa’ cho hệ thống chính trị cơ sở, là những người thầm lặng cống hiến trong điều kiện khắc nghiệt, họ xứng đáng được đối xử công bằng hơn.

Từ thực tiễn đó, Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan cần sớm nghiên cứu điều chỉnh chính sách nghỉ việc quy định tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP theo hướng linh hoạt, hợp lý, đảm bảo sự thống nhất, công bằng và đúng tinh thần ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với CBCCVC, người lao động đã cống hiến tại vùng có điều kiện KT-XH đăc biệt khó khăn và những người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Duy Tuấn (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bí thư Tỉnh ủy Hầu A Lềnh thăm, chúc mừng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, các cơ quan báo chí nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam
BHG - Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2025), sáng 18.6, đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã đến thăm, chúc mừng Báo Hà Giang, Hội Nhà báo tỉnh và các cơ quan thông tấn, báo chí T.Ư thường trú trên địa bàn tỉnh. Cùng đi có các đồng chí Trần Mạnh Lợi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; Vương Ngọc Hà, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
18/06/2025
Tỉnh ủy gặp mặt Thường trực Đảng ủy các xã, phường sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
BHG - Sáng 18.6, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị gặp mặt Thường trực Đảng ủy các xã, phường sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã nhiệm kỳ 2025 – 2030. Dự hội nghị có các đồng chí: Hầu A Lềnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phan Huy Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, Thường trực Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
18/06/2025
Bài phát biểu của đại diện nhà báo trẻ tỉnh Hà Giang tại Lễ kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam
BHG - Bài phát biểu của đại diện nhà báo trẻ tỉnh Hà Giang tại Lễ kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam
17/06/2025
Yên Minh: Hội nghị tổng kết Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025
BHG - Chiều 17.6, đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dự Hội nghị Tổng kết Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Yên Minh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Cùng dự có các đồng chí: Hoàng Văn Vịnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Huyện ủy, HĐND - UBND, Ủy ban MTTQ huyện và các đồng chí lãnh đạo huyện qua các thời kỳ…
17/06/2025