Nhà thiết kế Thủy Nguyễn (váy hồng) giới thiệu các thiết kế với khách tham quan tại triển lãm.
Sự kiện do Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory và thương hiệu thời trang Thuy Design House tổ chức, trước đó đã diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2021.
7 chủ đề chính của triển lãm được lấy cảm hứng từ thi ca, ca dao tục ngữ và đời sống của người Việt Nam, đó là: Xưa đến ngày sau, Lầu son gác tía, Đôi vầng nhật nguyệt, Đong đầy kí ức, Ở trọ trần gian, Muôn hình vạn trạng, Phố phố phường phường.
Các thiết kế mang đậm bản sắc Việt.
60 bộ trang phục thời trang được trưng bày trong những gian phòng được thiết kế, sắp đặt với ý đồ riêng, làm nổi bật nguồn gốc cảm hứng của các thiết kế vốn gắn bó chặt chẽ với chất liệu văn hóa và nghề thủ công đặc trưng của nhiều vùng miền đất nước.
Người xem không chỉ được ngắm nhìn các tác phẩm mà còn có dịp tìm hiểu câu chuyện lịch sử và văn hóa đằng sau mỗi hoa văn, đường nét, từ tranh dân gian Đồng Hồ (Bắc Ninh) cho đến chiếc áo cóm của phụ nữ Thái miền tây bắc, từ nghệ thuật cải lương cho đến tín ngưỡng thờ Mẫu...
Không gian trưng bày chủ đề “Phố phố phường phường” lấy cảm hứng từ Hà Nội xưa và nay.
Với chặng đường sáng tạo mở rộng trên nhiều lĩnh vực như hội họa, sắp đặt, điện ảnh, thời trang và thiết kế, Thủy Nguyễn luôn cho thấy một sự nhất quán trong việc hướng tới văn hóa truyền thống Việt Nam.
Nhiều thiết kế của chị lấy cảm hứng từ vải vóc xưa, đồ mỹ nghệ, gốm sứ, tranh của các danh họa thế kỷ trường Mỹ thuật Đông Dương như Mai Trung Thứ (1906-1980), Lê Phổ (1907-2001) hay Trần Văn Cẩn (1910-1994) cùng các ảnh chụp lấy ngay (polaroid) của những năm 1960, 1970 và áo dài, biểu tượng của văn hóa Việt, cũng như các phụ kiện cổ truyền khác.
Các bộ sưu tập thời trang làm nên tên tuổi Thủy Nguyễn như Lúng liếng, Viên mãn, Gió mùa về, Cọc cạch, Mộng mị, Tình tang, Mỵ Châu, Tìm người trong mộng, Tơ hồng... được đặt tên với cảm hứng từ ca dao, tục ngữ, truyền thuyết, nghệ thuật dân gian của Việt Nam.
Giám tuyển Dolla S. Merrillees chia sẻ về quá trình hình thành triển lãm.
Nhằm tiếp cận những tiêu chuẩn của những sự kiện trưng bày nghệ thuật quốc tế, triển lãm “Mộng bình thường” được giám tuyển bởi bà Dolla S. Merrillees - nguyên Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật ứng dụng và Khoa học (MAAS) tại Sydney (Australia).
Nghệ sĩ Thủy Nguyễn cho biết, chị có dự định đưa triển lãm tiếp tục “đi tour” thêm tại một số thành phố ở Việt Nam và nước ngoài, cũng như mong muốn sự kiện có thể thu hút, kết nối cộng đồng sáng tạo gồm cả các sinh viên theo ngành thiết kế thời trang.
Gửi phản hồi
In bài viết